Lỡ "kẹp hàng", nhà đầu tư chứng khoán cần làm gì?
Thị trường sụt giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt trong tình trạng hàng chưa về đã tạm “bốc hơi” 10-20%, với tình huống như thế này, cần làm gì để ứng phó?
Trong chương trình Tư vấn đầu tư Bật mí phương pháp Đầu tư chứng khoán do CTCP Chứng khoán SSI (SSI) tổ chức trực tuyến trưa nay, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia Chiến lược Đầu tư SSI cho biết, đây chính là quản trị rủi ro, phòng ngừa rủi ro mà các nhà đầu tư cần hoạch định khi tham gia thị trường chứng khoán. Với trường hợp nhà đầu tư mua cổ phiếu thì có thể hedging ngay trên thị trường cơ sở bằng cách đặt các mức giá bán mục tiêu, mức stoploss…
Có cách khác liên quan đến phái sinh, đặc biệt là Hợp đồng Tương lai (HĐTL) - hiện là thị trường duy nhất ở Việt Nam trong các thị trường phái sinh có chiều short phái sinh. Tức nhà đầu tư đang trong vị thế mua cổ phiếu muốn tiếp tục nắm giữ, hoạc hàng chưa vế, họ có thể mở short trên HĐTL. Trong bối cảnh thị tường giảm điểm so với giá short thì họ có lợi nhuận bù đắp cho phần lỗ loss trên thị trường cơ sở.
Theo tư vấn của các chuyên gia SSI, điều cơ bản nhất mà các nhà đầu tư tham gia thị trường là cần liên tục học hỏi để nâng cao kiến thức về tài chính, chứng khoán, sau đó đề ra cho mình một chiến lược đầu tư (ngắn hạn hay dài hạn…), xác định xu hướng thị trường và học cách xác định điểm mua bán.
Thực tế thường gặp là nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, có hoạt động kinh doanh tăng trưởng, nhưng thị giá gần như ít thay đổi dù thì trường có tăng từ 1.000, lên 1.200 hay 1.400, trong khi nhiều cổ phiếu chưa chắc đã có cơ bản quá tốt, lại tăng rất mạnh. Điều này gây bối rối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư – CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) tư vấn, nhà đầu tư cần biết lý do vì sao mình nên mua cổ phiếu. Bên cạnh triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp thì còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Do đó, trong đầu tư, cần phải tìm hiểu cả những yếu tố này.
Chẳng hạn, thị trường nói mua cổ phiếu khi tin đồn và bán khi công bố thông tin chính thức, bởi thường thấy, khi tin được công bố chính thức, thì giá cổ phiếu đã phản ánh phần nhiều trước đó, và chỉ còn dư địa tăng ngắn. Khi đó, theo bà Phương, cần xác định giá và các yếu tố kỹ thuật khác để xác định xem mức giá đó đã phản ánh hết các triển vọng của doanh nghiệp hay chưa.
Ngoài ra, các yếu tố có thể tác động vào vận động giá cổ phiếu như cơ cấu cổ đông đặc hay loãng, các cổ đông lớn hay ban lãnh đạo còn nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu, ảnh hưởng kỹ thuật khi chia cổ tức, cổ phiếu thưởng ra sao, hoặc những cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong rổ ETF thì ở trong kỳ cơ cấu dự báo có biến động như thế nào. Và kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực tới giá cổ phiếu.
Bật mí phương pháp đầu tư, theo ông Tâm chính là nhà đầu tư nhất định phải xây dựng được chiến lược đầu tư, một phương pháp đầu tư cho riêng mình, qua đó, các thông tin tham khảo trên thị trường, từ các diễn đàn,room chát…sẽ là thông tin để NDT tham khảo, có thông tin nào đáp ứng tiêu chí của mình không, nếu chưa hoặc không hiểu thì không nên hành động.
Chẳng hạn nếu nhà đầu tư thuộc trường phái dài hạn, thì các nhịp giảm là cơ hội mua thêm ở các cổ phiếu tốt; còn với nhà đầu tư ngắn hạn, thì phải có phân tích rủi ro, xác định xu hướng thị trường, xác định điểm mua – dễ hơn là đoán đỉnh, đoán đáy.
Về diễn biến thị trường, theo tính toán của SSI, sau đợt sụt giảm vừa qua, P/E theo 12 tháng gần nhất khoảng 17,8 lần, thấp hơn đáng kể so với tháng trước trên 19 lần, thấp hơn hẳn so với mới đỉnh gần 22 lần hồi đầu năm 2018. Còn nếu tính theo P/E forward 2021 là trên 15 lần thì theo ông Tâm đánh giá, thị trường chứng khoán có tính hấp dẫn nhất định.
Do ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index, nếu tách nhóm này ra khỏi rổ tính toán thì SSI ước tính, P/E thị trường phần ở mức cao hơn nhiều, khoảng 18 lần. Theo bà Phương, là mức chưa cao so với các mốc trong quá khứ nhưng dư địa tăng trưởng từ mức P/E hiện tại thì không nhiều.