Lo ngại dịch Covid-19 bùng phát, ngư dân Tiền Giang thu hoạch tôm ồ ạt, “cung vượt cầu"
Mấy ngày gần đây, lo ngại dịch Covid-19 bùng phát, đầu ra khó khăn, ngư dân tỉnh Tiền Giang thu hoạch ao tôm biển ồ ạt dẫn đến “cung vượt cầu”. Tuy trúng mùa, nhưng giá bị giảm nên người nuôi tôm biển lãi không cao.
- 09-07-2021Trái ngược với cảnh trống trơn, các kệ siêu thị lại đầy ăm ắp rau củ, cá tôm trong ngày đầu TP.HCM giãn cách xã hội
- 28-06-2021Tái diễn bơm tạp chất vào tôm
- 24-06-2021Xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1,31 tỷ USD
Gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, lo ngại đầu ra khó khăn nên ngư dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL ồ ạt thu hoạch ao nuôi tôm biển. Theo ngư dân tỉnh Tiền Giang, do thời tiết thuận lợi nên vụ tôm biển (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng) hiện nay đa phần đều trúng mùa. Đối với các mô hình nuôi tôm công nghệ cao sản lượng đạt từ 50 tấn đến 60 tấn/hecta.
Tuy nhiên, do thu hoạch ồ ạt, sản lượng gia tăng đột biến, các nhà máy tiêu thụ không hết nên giá giảm khoảng 25.000 đồng/kg so với tháng trước (tức khoảng 120.000 đồng đến 130.000 đồng/kg). Với mức giá này, người nuôi có lãi nhưng không cao so với các năm trước.
Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có diện tích ao nuôi tôm biển khoảng 4.000 hecta, tập trung ở huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông; trong số này, có 90% ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt, đối với 10% trong tổng diện tích nuôi tôm biển theo mô hình công nghệ cao có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp đều đạt hiệu quả cao.
Ông Ngô Minh Tuấn, chủ trang trại nuôi 30 hecta tôm thẻ chân trắng công nghệ cao liên kết sản xuất với Công ty cổ phần CP Việt Nam - chi nhánh Tiền Giang, tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, do thu hoạch ồ ạt nên giá giảm nhưng vẫn đảm bảo có lãi.
“Tôm đang thu hoạch, mấy ngày nay tôm nhiều quá nên các nhà máy mua giảm. Ba tuần trước, tôm 30 con/kg tôi bán giá 155.000 đồng/kg, nay giảm còn 130.000 đồng, giảm 25.000 đồng/kg. Do nhà máy bị áp lực, xuất khẩu được nhưng do bà con thấy dịch Covid-19 ai cũng bán nên quá nhiều “cung vượt cầu”. Tôm công nghệ cao thì rất được, trúng mùa. Đầu tư công nghệ cao nên sản lượng cao, cũng có lãi mà ít do năm nay chi phí đầu vào cao: thức ăn, vật tư… đều cao”, ông Ngô Minh Tuấn cho biết thêm./.
VOV