MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại Farm bill, nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh nhập cá tra Việt Nam

22-03-2017 - 10:47 AM | Thị trường

Một diễn biến khá bất ngờ, nằm ngoài dự đoán đó là các nhà nhập khẩu đều lo ngại tới tháng 9/2017, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ áp dụng Luật nông trại (Farm Bill) đối với con cá tra của Việt Nam, do đó, họ phải tăng sản lượng mua vào trước.

Diễn biến xuất khẩu cá tra trong ba ngày diễn ra hội chợ thủy sản Boston 2017 (Seafood Expo North America) đã theo chiều hướng khá tích cực.

Ghi nhận tại hội chợ cho thấy, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường Mỹ, các thị trường Nam Mỹ, Trung Quốc đều tăng do lượng cá xuất khẩu từ Việt Nam vào các thị trường này giảm mạnh trong các tháng đầu năm. Trong hai tháng qua, các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng trước bán vào các thị trường này số lượng khá lớn nhưng do nguyên liệu thiếu hụt nên không có khả năng giao hàng, do đó, buộc lòng nhà nhập khẩu phải tìm đến những doanh nghiệp có sản xuất và có khả năng cung ứng để ký hợp đồng và chấp nhận mua giá cao.

Riêng thị trường Mỹ, một diễn biến khá bất ngờ, nằm ngoài dự đoán đó là các nhà nhập khẩu đều lo ngại tới tháng 9/2017, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ áp dụng Luật nông trại (Farm Bill) đối với con cá tra của Việt Nam. Do đó, họ phải tăng sản lượng mua vào trước, tình hình này đẩy giá giao dịch ngay trong những ngày diễn ra hội chợ tăng 10% so với tháng 2. Mặc dù vậy, do không đủ nguyên liệu nên doanh nghiệp vẫn e dè ký hợp đồng, chỉ chấp nhận chốt giá tối đa trong 2 tháng chứ không dám chốt dài hạn.

Không riêng gì thị trường Mỹ và Nam Mỹ, thị trường Trung Quốc cũng đang có nhu cầu rất lớn cho nhập khẩu, nhất là cá xẻ bướm. Điều bất ngờ là giá bán cá tra xẻ bướm vào thị trường Trung Quốc đã vượt qua thị trường Mỹ ít nhất 10%. Nhu cầu nhập khẩu khẩu cá xẻ bướm của Trung Quốc tại thời điểm này sẽ làm cho việc xuất khẩu cá phi lê vào Mỹ và các thị trường khác gặp khó khăn do nguyên liệu đang thiếu hụt.

Như vậy, với sản lượng cá còn chỉ đủ sản xuất khoảng 30% như hiện nay so với cùng kỳ cho thấy, giá cá tra có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện nay, thống kê sơ bộ thì các nhà máy chế biến cá tra chỉ sản xuất bình quân được khoảng 1.600 tấn/ngày, so với trước đây là 4.500 tấn. Tình trạng này khiến nhiều nhà máy phải nghỉ nhiều ngày trong tuần, đồng thời giảm công suất từ nay cho đến hết năm 2017.

Trong khi đó, diễn biến thời tiết bất lợi, mưa đầu mùa khiến tỷ lệ hao hụt cá giống lên đến 80% nên nguồn cá giống thả nuôi vụ mới sẽ chậm thêm 2 tháng, có vào tháng 6 và tháng 7 so với dự kiến trước đây là tháng 4 và tháng 5. Giá cá giống đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ. Dự báo, từ tháng 4 đến tháng 12.2017 là thời điểm nguyên thiếu hụt nghiêm trọng nhất, có thể chỉ đáp ứng 40% nhu cầu xuất khẩu và giá cá dự báo trong 4 sẽ từ 27.000 đồng/kg trở lên.

Phương Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên