Lo ngại Fed rút kích thích, chứng khoán châu Á chật vật tăng điểm, vàng lao dốc
Những số liệu việc làm mới làm dấy lên dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm các biện pháp kích thích trong lúc đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát đã vượt quá mức mục tiêu.
- 29-07-2021Kinh tế Thái Lan đối mặt cuộc suy thoái kép đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính châu Á
- 29-07-2021Fed quyết định giữ nguyên lãi suất gần 0, khẳng định kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ
- 19-06-2021Kinh tế Mỹ bùng nổ nhưng đang khiến cả thế giới đứng ngồi không yên, lo sợ kịch bản "taper tantrum" năm 2013 lặp lại
Phiên đầu tuần (9/8), chứng khoán châu Á chật vật đi tìm đà tăng trong khi giá các kim loại quý lao dốc. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư coi số liệu việc làm mà nước Mỹ công bố thứ 6 tuần trước là dấu hiệu cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế.
Trong khi chứng khoán Mỹ tương lai giảm điểm, thị trường Hồng Kông và Trung Quốc chỉ nhích nhẹ. Giá vàng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 do triển vọng lãi suất tăng khiến kim loại quý trở nên kém hấp dẫn hơn so với các tài sản khác. Giá bạc cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11.
Giá dầu thô kéo dài đà giảm giá từ tuần trước và đang có diễn biến tệ nhất kể từ tháng 10 do lo ngại biến chủng Delta sẽ khiến lực cầu sụt giảm nghiêm trọng trên toàn thế giới. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức khoảng 1,3%.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 6/8, trong tháng 7 tăng trưởng việc làm của Mỹ mạnh nhất trong gần 1 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm, báo hiệu thị trường lao động đang có nhiều diễn biến tích cực dù vẫn gặp nhiều khó khăn về tuyển dụng.
Những số liệu này làm dấy lên dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm các biện pháp kích thích trong lúc đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát đã vượt quá mức mục tiêu bất chấp biến chủng Delta đang hoành hành. Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan "đổ thêm dầu vào lửa" khi cho biết ông ủng hộ việc sớm điều chỉnh quy mô mua tài sản nhưng cần phải hành động từ từ.
Tuần này Mỹ sẽ công bố số liệu lạm phát – một chỉ báo quan trọng khác được nhà đầu tư hết sức quan tâm. Sau đó sẽ là hội nghị Jackson Hole.
"Có những lo ngại rằng nếu như nền kinh tế đang tăng trưởng rất, rất mạnh thì điều đó sẽ dẫn đến việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng Fed sẽ thông báo về chuyện taper (rút lại các biện pháp kích thích) ngay trong tháng 9 và chính thức taper từ cuối năm nay", Shane Oliver – chuyên gia kinh tế trưởng tại AMP Capital nói.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã chững lại trong tháng 7, làm gia tăng lo ngại đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải đối mặt với những áp lực mới trong nửa cuối năm. Ngoài ra nhà đầu tư châu Á cũng để mắt đến tiến trình Quốc hội Mỹ thông qua gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 500 tỷ USD.
Về diễn biến dịch bệnh, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của nước Mỹ, cho biết ông rất ủng hộ việc tăng tốc tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu. Đây là dấu hiệu cho thấy biến chủng Delta đang tiếp tục khiến các nước phải thay đổi chiến lược chiến đấu với đại dịch như thế nào.
Tham khảo Bloomberg