Lo ngại hàng Trung Quốc “đội lốt” trên thị trường Tết
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lượng hàng về chợ để cung ứng cho thị trường Tết (gồm các loại bánh kẹo, mứt, đồ khô, bia, nước ngọt…) được tiểu thương bày bán khá đa dạng và phong phú. Nhiều tiểu thương khẳng định, sức mua trong những ngày cận Tết tăng hơn ngày thường, nhưng thấp hơn cùng kỳ mọi năm, và chưa thật sự đột biến...
- 01-12-2018Trung Quốc sẽ mua nông sản và năng lượng Mỹ để Mỹ hoãn tăng thuế với hàng Trung Quốc?
- 27-11-2018Cà rốt Đà Lạt có bao bì đẹp chắc chắn bán được giá hơn hàng Trung Quốc
- 23-11-2018Nếu nhân dân tệ giảm thêm, hàng Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam
Chủ cửa hàng bánh mứt, đồ khô Trương Muội (chợ An Đông) phân trần: “Mấy chục năm bán các mặt hàng này nhưng chưa bao giờ tôi thấy hàng Tết ế ẩm như năm nay. Mọi năm, ở thời điểm này tôi phải chuẩn bị 3 tấn hàng, nhưng nay chỉ 1 tấn. Lượng hàng bán được nhiều, chủ yếu là mối khách quen, họ mua đóng thùng gửi cho người thân ở nước ngoài”.
Nổi tiếng là chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, miền Đông và miền Trung, nhưng chợ Bình Tây (quận 6) không khí năm nay có vẻ im ắng hơn. Chủ cửa hàng Loan Hương, cho hay: “Gần Tết mà buôn bán ế ẩm quá. Từ sáng đến giờ không quá 10 khách đến mua. Trong khi khoảng thời điểm nay của năm ngoái, khách hàng đến chợ đông kín, chen chân đóng thùng đưa hàng về các tỉnh”.
Các sản phẩm Tết bán ở chợ truyền thống trong tình trạng “3 không”.
Nói về nguyên nhân khiến sức mua ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm, ông Phạm Ngọc Trung, đại diện Ban Quản lý chợ Bình Tây lý giải: “Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chợ truyền thống đang phải cạnh tranh với nhiều kênh bán lẻ khác như bán lẻ hiện đại, bán lẻ qua kênh thương mại điện tử; Thứ hai, thời điểm này cũng chưa phải là thời điểm nở rộ của thị trường hàng hóa Tết, thường thì sức mua tăng mạnh từ ngày 15 - 29 tháng 12 âm lịch.
Nguyên nhân quan trọng hơn cả, đó là các nhà sản xuất đã chủ động xây dựng điểm phân phối ở nhiều địa phương, hoặc giao hàng tận nơi. Vì vậy, khách hàng không cần tìm đến chợ sỉ như chợ Bình Tây như trước đây nữa”.
Trước sức ép của thị trường, đặc biệt là sự bùng nổ của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp (DN) bán hàng qua website và đặc biệt người người, nhà nhà, cùng đua nhau bán hàng Tết qua mạng xã hội zalo, facebook, để cạnh tranh giành thị phần, một trong những yếu tố mà các tiểu thương chợ truyền thống ưu tiên là cạnh tranh giá cả.
Chủ cửa hàng Trương Muội cho biết, giá bánh kẹo, mứt Tết năm nay không tăng so với năm ngoái. Nhiều mặt hàng còn giảm khoảng 50.000 đồng/kg, như: mứt me, mứt mãng cầu... Thậm chí, một số loại mứt giá đầu vào cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ nhưng tiểu thương vẫn bán giá cũ.
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống, chúng tôi nhận thấy có không ít tiểu thương đã “lên đời” các loại sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm ngoại nhập nhưng bán giá rẻ đến khó hiểu. Như tại chợ Bình Tây, một số sạp kinh doanh các loại hạt sấy, quả sấy... nhập khẩu nhưng giá rất thấp: chà là Ai Cập giá 60.000 - 65.000 đồng/kg, nho xanh Mỹ 90.000 đồng - 140.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ), kiwi Úc 90.000 đồng/kg, đào Hàn Quốc 80.000 đồng/kg, đào khô Đài Loan 80.000 đồng/kg, hồng sấy dẻo Hàn Quốc 110.000 đồng/kg...
Rất nhiều loại hạt sấy, trái cây sấy, mứt được giới thiệu là nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Úc, Nhật, Đức,... nhưng giá bán rẻ hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Huy (ngụ quận 3), chuyên phân phối các loại hạt sấy, trái cây sấy cho thị trường Tết khẳng định: Chà là Ai Cập, nếu bán nguyên thùng (10kg) thì giá cũng đã 75.000 đồng/kg, còn nếu bán lẻ thì giá phải là 120.000/kg, không thể có mức giá 60.000 -65.000 đồng/kg.
Nho xanh Mỹ giá bán trên thị trường cũng 300.000 đồng/kg chứ không thể có giá vài chục đến dưới 150.000 đồng/kg. Hay như táo đỏ sấy khô nhập khẩu từ Hàn Quốc giá cũng 380.000 đồng/kg, hồng sấy khô nhập của Hàn Quốc cũng có giá trên 500.000 đồng/kg.
Chà là nguyên cành nhập của Malaysia 400.000 đồng/kg, hạt óc chó nhập khẩu từ Mỹ giá 288.000 đồng/kg... Nói chung, nếu là hàng nhập khẩu chính hiệu từ Pháp, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc... thì không có giá dưới 200.000 đồng/kg. Thấp hơn giá đó chỉ có thể là hàng Trung Quốc “đội lốt”.
Nhìn chung, tại các chợ truyền thống, phần lớn hàng hóa Tết bày bán đều trong tình trạng “3 không” (không nguồn gốc xuất xứ; không hạn sử dụng; không có nhãn mác). Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ít mặn mà mua sắm ở chợ truyền thống.
Bà Nguyễn Quỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết Sở Công thương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, tại các điểm bán từ nay cho đến Tết Nguyên đán.
Trước đó, báo cáo Bộ Công thương về hàng hóa Tết, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ phối hợp với Bộ Công thương thực hiện tốt chương trình bình ổn giá dịp Tết và những tháng đầu năm 2019, đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố cố gắng không để tăng giá đột biến những mặt hàng trọng yếu.
Công an nhân dân