MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại tiền ngân hàng mắc kẹt trong loạt doanh nghiệp “hấp hối”

04-06-2019 - 16:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến cuối quý 1/2019, có hơn 10 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang trong cảnh âm vốn chủ sở hữu...

Tính đến cuối quý 1/2019, có hơn 10 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang trong cảnh âm vốn chủ sở hữu. Điều này gây lo ngại cho những ngân hàng cho các doanh nghiệp này vay vốn.

Hàng nghìn tỷ nợ vay tại NOS và AVF

Hiện tại, Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông - Nosco (NOS) là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm lớn nhất thị trường với mức âm 3.654 tỷ đồng.

Tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của NOS ở mức 1.336 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả lên tới 4.991 tỷ đồng, tương ứng nợ phải trả của NOS gấp tới 4 lần tổng tài sản doanh nghiệp. Trong đó, vay nợ thuê tài chính chiếm tới 3.009 tỷ đồng.

Bên cạnh việc vận hành doanh nghiệp, nợ vay là gánh nặng lớn của Nosco hiện tại khi khoản chi phí lãi vay luôn ở mức cao, lợi nhuận gộp dù có tăng trưởng nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho lãi vay phải trả hàng kỳ khiến công ty mãi không thể thoát khỏi tình cảnh thua lỗ, lỗ lũy kế đã lên tới 3.913 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần hàng kỳ trong trạng thái âm liên tục. Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, kiểm toán viên đánh giá, khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và sự tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu. Hiện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn còn nắm giữ 49% NOS.

Các chủ nợ của NOS khá đa dạng, từ Tổng công ty mẹ, một số doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên phần lớn vẫn là nợ ngân hàng. Tính đến cuối quý 1/2019, NOS còn khoản nợ hơn 1.132 tỷ từ Agribank, SeaBank hơn 453 tỷ đồng... và một số khoản nợ khác từ Agribank, Maritimebank, VIB, VDB. Trong quý 1 vừa rồi, NOS ghi giảm khoản nợ 4 tỷ đồng từ ABBank.

Trước đó, kiểm toán cho biết, từ năm 2016, công ty đang ghi giảm giá trị khoản vay Ngân hàng Đông Nam Á, chi nhánh Hải Phòng số tiền là 637,2 tỷ đồng tương ứng với giá trị còn lại của tàu Nosco Victory là tài sản đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng. Tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán báo cáo tài chính riêng năm 2018, kiểm toán vẫn chưa thu thập được đầy đủ hồ sơ liên quan đến việc xử lý khoản nợ vay từ phía ngân hàng cho vay nên vẫn chưa thể đưa ra ý kiến về số dư khoản vay này.

Mặt khác, tài sản đảm bảo cho khoản vay này giá trị tàu Nosco Victory, tài sản này đã được ngân hàng bán để thu hồi nợ gốc. Đơn vị không tiếp tục thực hiện trích trước chi phí lãi vay đối với khoản nợ vay này, tổng tiền lãi vay phải trích tính theo số dư tiền vay còn phải trả là 32,9 tỷ đồng.

Bên cạnh Nosco, một cái tên khác cũng lâm vào cảnh âm vốn nặng nề là AVF - Công ty cổ phần Việt An. Khi tổng tài sản của công ty chỉ khoảng 66 tỷ đồng thì nợ phải trả lên tới 1.867 tỷ đồng và toàn bộ là nợ ngắn hạn.

Vốn chủ sở hữu âm 1.801 tỷ đồng, trong đó lỗ lũy kế trên 2.248 tỷ. Hiện, tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng tài sản của AVF lên đến 28 lần. Cùng với đó, nhiều vấn đề không thể xác định được khiến kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến cho báo cáo tài chính năm 2018 của công ty.

Tính đến cuối năm 2018, khoản vay ngắn hạn 1.006 tỷ đồng của AVF đến từ Vietcombank (447,9 tỷ), VDB (231 tỷ), Agribank (150,7 tỷ), BIDV (89 tỷ), Shinhan Việt Nam (43,9 tỷ), MB (43,2 tỷ). Trong năm, VDB đã tiến hành thanh lý quyền sử dụng đất đứng tên tài sản Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AVF là ông Ngô Văn Thu và bà Lưu Thị Phương Thảo tổng diện tích 55.701,7m2 thu về 4,9 tỷ đồng, ngân hàng đã trừ vào nợ gốc số tiền là 4,3 tỷ đồng.

Được biết, hiện mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là thông qua Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đàm phán với các ngân hàng và đối tác tiềm năng việc mua bán nợ và tái cấu trúc tài chính công ty.

Lo ngại khả năng thanh toán nợ vay

Tính đến cuối quý 1/2019, có hơn 10 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang trong cảnh âm vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, tại 12 doanh nghiệp được thống kê, tổng cộng tổng tài sản ở mức 6.704 tỷ đồng thì nợ phải trả lên tới 15.052 tỷ đồng, trong đó 8.117 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính. Tổng lỗ lũy kế của 12 doanh nghiệp đang chiếm hơn 12.000 tỷ đồng.

Ngoại trừ Công ty Cổ phần Docimexco (FDG) không có vay và nợ thuê tài chính và Công ty Cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân có mức vay thấp (0,9 tỷ đồng) thì gần như các doanh nghiệp trong danh sách nay đều có nợ vay tài chính khá cao.

Tình hình tài chính của các doanh nghiệp này dẫn tới lo ngại về khả năng tiếp tục hoạt động. Nhất là tại những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay chiếm mức cao trong nguồn vốn, dẫn tới lo ngại về khả năng hoàn trả lại nợ vay cho phía các ngân hàng.

Theo thống kê trên 21 ngân hàng thương mại cổ phần có công bố phân loại nợ cho vay, tổng nợ xấu đã tăng thêm gần 4.400 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tương ứng mức tăng 5,4%.

Theo Hoàng Nguyên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên