MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại về nguồn cung đẩy giá dầu cọ lên mức cao nhất 10 năm

07-01-2021 - 12:05 PM | Thị trường

Lo ngại về nguồn cung đẩy giá dầu cọ lên mức cao nhất 10 năm

Giá dầu cọ Malaysia đã tăng 3% trong phiên 6/1, chạm mức cao chưa từng có trong vòng 10 năm nay do dự báo nguồn cung giảm sâu và bị tác động từ xu hướng giá dầu đậu tương cùng các loại dầu thực vật khác tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, dầu cọ kỳ hạn tham chiếu (tháng 3/2021) trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 122 ringgit (3,2%) lên 3.877 ringgit (967,32 USD)/tấn.

Đây là phiên thứ 6 liên tiếp giá tăng, và hiện ở mức cao nhất kể từ ngày 14/2/2011.

Trên sàn Đại Liên, dầu cọ cũng tăng giá thêm 2% trong phiên vừa qua, trong khi dầu đậu tương ở sàn Chicago tăng 2% do thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ gây lo ngại làm sụt giảm sản lượng đậu tương.

Giá chào bán dầu hướng dương xuất khẩu của Ukraina cũng tăng 75 – 85 USD/tấn chỉ trong vài ngày qua, hiện đạt 1.315 USD/tấn (FOB Biển Đen), do chi phí sản xuất tăng và dự báo giá dầu thực vật trên thị trường quốc tế sẽ tăng đáng kể.

Giá dầu mỏ cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 sau khi Saudi Arabia cam kết tự cắt giảm sản lượng sâu hơn nhiều so với mức dự kiến.

Giá dầu cọ luôn biến động cùng chiều với các loại dầu thực vật khác, và so với cả dầu mỏ vì dầu thực vật cũng là nguyên liệu sản xuất xăng sinh học.

Dự trữ dầu cọ Malaysia đến cuối tháng 12/2020 ước tính giảm 23% so với tháng trước đó, chỉ đạt khoảng 1,21 triệu tấn, do xuất khẩu tăng mạnh trong khi sản lượng giảm.

Giới phân tích nhận định, giá dầu cọ trong tháng này sẽ tiếp tục được hỗ trợ do lượng tồn kho dự báo vẫn ở mức thấp và nguồn cung có nguy cơ sẽ tiếp tục khan hiếm vì lũ lụt ở một số khu vực của Malaysia. Phải đến nửa cuối năm 2021, khi thời tiết trở lại bình thường, thì nguồn cung dự báo mới hồi phục.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Adrian Kok thuộc Ngân hàng Đầu tư Kenanga, giá cao như hiện tại có thể làm hạn chế nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhà phân tích dầu cọ hàng đầu thế giới, James Fry, tại một hội nghị trực tuyến cho cho biết cho biết, thời tiết xấu và tình trạng thiếu hụt lao động có nghĩa là sản lượng dầu cọ toàn cầu khó có thể tăng để đạt hơn 6 triệu tấn trong năm nay.

Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOC) hôm 5/1 cho biết, tồn trữ dầu cọ của Malaysia năm 2021 dự báo sẽ vẫn ở mức thấp do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc và Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu, trong bối cảnh sản lượng tăng chậm chạp.

"Triển vọng thị trường dầu cọ Malaysia vào năm 2021 có vẻ tươi sáng bất chấp đại dịch", Kalyana Sundram, giám đốc điều hành MPOC phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Theo đó, nguồn cung dầu cọ toàn cầu năm nay dự báo sẽ khan hiếm do những đợt mưa lớn bởi La Nina.

MPOC dự kiến ​​sản lượng của Malaysia – nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới - năm 2021 sẽ tăng lên 19,6 triệu tấn, so với 19,4 triệu tấn của năm 2020, và dự báo sản lượng của Indonesia – nước sản xuất số 1 thế giới – sẽ đạt 45 triệu tấn, so với 43 triệu tấn của năm 2020.

Mực dù sản lượng tăng, song theo ông Sundram, xuất khẩu dầu cọ của Indonesia dự báo sẽ giảm 500.000 tấn do thuế xuất khẩu tăng, khiến cho dầu cọ Malaysia trở nên hấp dẫn hơn.

MPOC cho rằng, tồn trữ giảm và nhu cầu tăng sẽ đẩy giá dầu cọ thế giới tiếp tục tăng trong năm 2021. Theo đó, giá dầu cọ thô Malaysia – tham chiếu cho thị trường dầu cọ toàn cầu – sẽ đạt trung bình 3.217 ringgit (802,44 USD)/tấn trong năm 2021, so với 2.700 ringgit (673,48 USD) của năm 2020.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng xuất khẩu dầu cọ sang Liên minh châu Âu, khách hàng lớn thứ ba của Malaysia - sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa do những hoạt động vận động hành lang chống lại việc sử dụng dầu cọ cũng như những quy định về tiêu chuẩn đối với dầu thực vật ngày càng khắt khe hơn.

EU đang ban hành các quy tắc cắt giảm tiêu thụ dầu cọ, chẳng hạn như loại bỏ nhiên liệu từ cọ khỏi năng lượng tái tạo tiêu thụ vào năm 2030. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dầu diesel sinh học Malaysia, Long Tian Ching, thậm chí lo ngại rằng sẽ có cả một "thế hệ công dân" đang dần từ chối sử dụng dầu cọ.

Tuy nhiên, chuyên gia James Fry có quan điểm khác. Ông cho rằng các chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp diesel sinh học sau khi những nước tiêu thụ diesel sinh học hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ, Indonesia, Đức và Brazil, năm 2020 đều tăng mục tiêu sử dụng nhiên liệu sinh học. Theo ông Fry: "Tôi không có lý do gì để nghĩ rằng các chính phủ sẽ ngừng hỗ trợ (nhiên liệu sinh học) và thậm chí cho rằng họ sẽ tăng cường quan tâm hơn nữa trong nâm 2021".

Riêng Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi của Ấn Độ (SEA) dự đoán tăng trưởng tiêu thụ dầu cọ ở nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới này sẽ giảm 2% trong năm 2020/2021, đạt khoảng 7,5 đến 8 triệu tấn. Nhập khẩu dầu đậu tương vào nước này dự báo sẽ đạt khoảng 3 triệu tấn, còn dầu hướng dương khoảng 1,75 triệu tấn.

Tham khảo: Reuters

Vân Chi

Kinh doanh và phát triển

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên