MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo thất thu vụ hoa kiểng Tết

05-01-2022 - 08:40 AM | Thị trường

Lo thất thu vụ hoa kiểng Tết

Sức mua thấp kỷ lục nên không có nhà vườn nào dám tăng giá hoa kiểng Tết dù giá vật tư nông nghiệp hầu hết đều tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Thời điểm này chỉ còn vài tuần nữa sẽ bước vào cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng ở Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang và cả TP HCM đều hết sức lo lắng vì có rất ít thương lái hỏi mua hoa. Trong khi thời điểm này những năm trước, thương lái đã đặt mua gần hết. Ông Trần Văn Thái, chủ một vườn hoa kiểng ở Sa Đéc, Đồng Tháp, cho biết dịch Covid-19 kéo dài nên hầu hết nhà vườn đều chủ động giảm sản lượng hoa kiểng vì lo ngại Tết khó bán nhưng tới thời điểm này vẫn chưa bán được là bao. Một số mối quen cũng mua rất ít chứ không dám đặt hàng nhiều như mọi năm vì lo ngại dịch bệnh kéo dài, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Lo thất thu vụ hoa kiểng Tết - Ảnh 1.

Chăm sóc mai bán Tết tại làng hoa Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP HCM

Ông Hồ Quốc Trường, chủ vườn mai tại làng hoa Bình Lợi (TP HCM), cho hay những năm trước, xe tải của thương lái vào lấy hàng chen chúc, đậu kín hết mặt đường, còn năm nay chỉ lác đác vài người vào hỏi. "Họ vào chủ yếu xem mai như thế nào, còn quyết định mua thì đa số vẫn chần chừ. Có thương lái chịu mua thì cũng chỉ đặt từ vài chục tới khoảng trăm cây mai. Trong khi những năm trước, mỗi thương lái mua đến một vài ngàn cây. Bán buôn khó khăn nên tôi và một số vườn khác phải tìm nhiều kênh để bán hàng, kể cả bán lẻ trên mạng xã hội" - ông Trường nói.

Tương tự, ông Lê Hữu Thiện, chủ vườn mai hơn chục ha tại huyện Bình Chánh (TP HCM), dù có nhiều mối lái quen nhưng cũng chỉ bán được bằng 30% so với năm ngoái (trước Tết Tân Sửu bán được hơn 3 tỉ đồng). Vì tiêu thụ chậm nên giá bán mai Tết năm nay giảm tới 30% so với năm trước. Ông Nguyễn Thanh Hà, chủ vườn mai ở TP Thủ Đức, cho biết năm nay tiêu thụ mai Tết khó khăn quá nên ông chuyển sang cho thuê mai chưng Tết, chỉ để khoảng 10% lượng mai trong vườn bán cho khách.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiền, một người kinh doanh hoa ở Tiền Giang, cho biết mọi năm ông đều thu mua hoa ở các tỉnh miền Tây rồi vận chuyển lên TP HCM bán tại Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) với số lượng hơn ngàn giỏ. Tết năm nay ông Hiền không dám phiêu lưu mua hoa kiểng đem lên thành phố bán vì lo ngại dịch bệnh, khó bán. Tương tự, bà Bảy Việt - chủ vườn mai ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cũng chưa quyết định có nên mang mai lên TP HCM bán như mọi năm hay không. "Tết năm ngoái, tôi mang khoảng 500 chậu mai lên Bến Bình Đông (quận 8), từ giữa tháng chạp đến 30 Tết chỉ bán được vài chục chậu, chỉ đủ trả tiền thuê ghe và tiền thuê lô, mặt bằng. Năm nay dịch bệnh khó khăn quá nên nếu có lên thành phố tôi chỉ dám thuê ghe chở khoảng 100 chậu thôi" - bà Bảy Việt nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho biết năm nay do lo ngại dịch bệnh nên các nhà vườn chủ động giảm sản lượng khá mạnh, còn khoảng 8 triệu giỏ hoa các loại. Riêng các loại hoa nở như cúc, vạn thọ, mồng gà… chỉ khoảng 3 triệu giỏ, giảm một nửa so với năm ngoái nhưng phần lớn nhà vườn vẫn chưa tìm được mối lái để giao dịch. "Một số nhà vườn chỉ dám đầu tư khi có đơn hàng. Đơn hàng cũng phải được đặt cọc trước đến 50% giá trị thì nhà vườn mới mạnh dạn sản xuất" - ông Liêm nói về khó khăn của nhà vườn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp - diện tích trồng hoa Tết năm nay trên địa bàn giảm tới 50 ha so với năm ngoái. Do đó, số lượng hoa Tết các loại cũng giảm mạnh, từ 3 triệu giỏ xuống chỉ còn khoảng 1,5 triệu giỏ. Nhiều chủ vườn hoa kiểng chuyển sang trồng kiểng lá, kiểng công trình để bán lâu dài; còn các loại hoa nở chỉ bán được dịp Tết nên rất bấp bênh.

Cầm chắc lỗ

Theo các nhà vườn trồng hoa kiểng Tết, năm vừa qua giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng rất cao, từ 80%-100%. Chẳng hạn, phân kali, năm ngoái có mức giá từ 400.000-500.000 đồng/bao 50 kg, năm nay tăng lên 800.000 đồng cho đến 1 triệu đồng/bao. Tuy giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng chưa có nhà vườn nào điều chỉnh giá bán hoa vì sức mua quá yếu. Nếu những ngày tới, thương lái vẫn chưa xuất hiện, nhiều hộ trồng hoa kiểng Tết sẽ cầm chắc thua lỗ nặng.

Theo Long Giang

Người lao động

Trở lên trên