Lo thừa nếu cả ba đặc khu cùng làm casino
“Nếu cả ba đặc khu cùng đầu tư casino, lại hưởng những chính sách ưu đãi, cạnh tranh với nhau thì không hợp lý. Nên phát triển một casino tại một đặc khu, phát triển cho xứng tầm khu vực, thế giới”, Ủy viên Thường trực UB kinh tế của QH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nói.
- 10-11-2017Trình luật cho đặc khu: Bỏ hàng loạt rào cản, mở hàng loạt ưu đãi
- 10-11-2017Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho…gà đến đẻ trứng?
- 10-11-2017Ai kiểm soát quyền lực của Trưởng đặc khu?
Đua nhau mở casino để hút dòng tiền
Chiều 10/11, thảo luận về dự thảo Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, casino là loại hình kinh doanh đặc biệt. Nếu không có casino mà đầu tư loại hình kinh doanh sản xuất khác thì không có gì đặc biệt. “Các đặc khu kinh tế cần tranh thủ các loại hình này. Nhưng nếu có thì cần một số quy định pháp luật kèm theo, như việc tổ chức casino thì người Việt được vào không, kinh doanh thế nào”, ông Tân nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh Như Ý
Ông Trần Thanh Mẫn nói rằng: Singapore vẫn cho người trong nước vào đánh bạc, nhưng phải đặt cọc tiền. Còn chúng ta xây dựng casino ở đặc khu, nếu không cho người Việt chơi thì khó mà thu hút được doanh nghiệp đầu tư.
Tuy nhiên, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, nếu cả 3 đặc khu đều phát triển casino thì dễ lâm vào cảnh “bị thừa”. “Việt Nam có 3 casino cùng đầu tư, lại hưởng những chính sách ưu đãi, cạnh tranh với nhau thì không hợp lý. Nên phát triển một casino tại một đặc khu, phát triển cho xứng tầm khu vực, thế giới”, ông nói và lưu ý không nên ưu tiên phát triển trùng nhau về ngành nghề, nếu vẫn quy định “dải mành mành như dự thảo khó thành công”.
Giải đáp những băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, casino là loại hình dịch vụ các nước đang đua nhau mở để thu hút dòng tiền. “Ông Lý Quang Diệu có nói một câu là trong cuộc đời chính trị của ông có hai sai lầm lớn, trong đó có việc không cho mở cờ bạc ở Singapore. Nhưng bây giờ Quốc đảo này đã thay đổi quan điểm", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, nếu cho làm casino tại Phú Quốc, thì tại sao lại không làm ở Vân Đồn, hay Bắc Vân Phong? “Cái gì có lợi, không có hại thì không cấm, không hạn chế. Cái gì phát huy được lợi thế của địa phương, phù hợp với xu thế, phân chia thị phần của thế giới, các tỉnh đều làm tốt, các đặc khu đều làm tốt thì ủng hộ", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đặc khu thì phải đột phá
Đề cập đến mô hình hành chính của đặc khu, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cũng đề nghị phải trao quyền mạnh cho trưởng đặc khu, tránh tình trạng "chồng chồng lớp quản lý, thay vì cảnh “2 mẹ 1 cha” thì loanh quanh lại thành “2 cha 1 mẹ”, không tạo được gì khác biệt”.
ĐB Võ Trọng Kim
ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cũng cho rằng, có đột phá thì mới khắc phục được tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, mất thời gian. “Nếu chúng ta cứ do dự, cứ theo nếp cũ thì khó mà tạo ra được sự đột phá. Chúng ta đừng lo là trao quyền nhiều cho trưởng đặc khu rồi không ai giám sát, vì chúng ta vẫn có Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND tỉnh... Giám sát ở đây không giống như các địa phương khác mà giám sát thực chất, hiệu quả”, bà Nguyên nói.
Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng ủng hộ thiết kế các quy định cho bộ máy hành chính ở đặc khu tinh gọn, vượt trội. “Việc xây dựng luật này là để tạo ra sự thông thoáng, mở ra để có cơ hội phát triển. Mà muốn đột phá thì phải cho đặc khu quyền tự chủ, chứ ràng buộc nhiều thứ cả trung ương rồi địa phương thì khó phát triển”, ông Mẫn nói.
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cũng cảnh báo, với các quy định“lấn cấn” như dự thảo thì chưa đảm bảo trưởng đặc khu có đầy đủ thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. “Trưởng đặc khu phải là người duy nhất để nhà đầu tư đến làm việc, như thế mới tạo ra sự thông thoáng”, ông Tuấn nói.
,
Tiền phong