Lo tiền mất giá, nhà đầu tư trú ẩn vào bất động sản khiến giá tăng mạnh đầu năm
ảnh minh họa.
Tâm lý lo ngại lạm phát đã khiến một bộ phận nhà đầu tư chọn bất động sản làm tài sản trú ẩn, đặc biệt là phân khúc căn hộ, nhà phố/liền kề. Trong hai tháng đầu năm 2022, mặt bằng giá bán sơ cấp ở hầu hết các dự án đã được nâng lên, cá biệt một số dự án có mức tăng lên đến 5 - 10% so với giai đoạn mở bán trước.
- 09-03-2022Nhà phố - biệt thự Tp.HCM khan hiếm, tỉnh vùng ven tiếp tục “bật tăng”
- 09-03-2022Đà Nẵng cảnh báo tình trạng "cò" chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở
- 09-03-2022Thị trường bất động sản 2022 sẽ còn tăng nhiệt bất chấp dịch bệnh và vướng mắc pháp lý
Theo báo cáo mới nhất của DKRA Vietnam, trong hai tháng đầu năm 2022, thị trường TP. HCM và các tỉnh giáp ranh có 10 dự án mở bán căn hộ mới, gồm 2 dự án mới và 8 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo. Toàn thị trường được cung cấp mới 1.175 căn hộ, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung mới tiếp tục tập trung tại Bình Dương và TP. HCM, trong đó TP. HCM dẫn đầu khi chiếm 58% tổng nguồn cung và 57% lượng tiêu thụ mới.
Số căn tiêu thụ toàn thị trường đạt 845 căn, tăng 28%, tỷ lệ tiêu thụ đạt 72% trên sản phẩm mới. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục ghi nhận ở mức thấp, nhất là tại thị trường Bình Dương.
Trong thời gian qua, các sự kiện mở bán, training, kick-off sales đã được triển khai trở lại, góp phần gia tăng hiệu quả bán hàng ở các dự án, tuy nhiên chưa thật sự hiệu quả do người mua vẫn có tâm lý e ngại dịch bệnh tái bùng phát.
Đáng chú ý, mặt bằng giá bán sơ cấp ở hầu hết các dự án được nâng lên, cá biệt một số dự án có mức tăng 5 - 8% so với giai đoạn mở bán trước đó trong 2020 - 2021. Theo DKRA, tâm lý lo ngại lạm phát đã khiến một bộ phận nhà đầu tư chọn bất động sản làm tài sản trú ẩn, đặc biệt là phân khúc bất động sản căn hộ.
Riêng đối với thị trường căn hộ TP. HCM, nguồn cung mới sụt giảm so với tháng 12/2021. Trong hai tháng đầu năm đã có 686 sản phẩm mới, 479 sản phẩm được tiêu thụ. Các căn hộ chủ yếu tập trung ở phân khúc căn hộ hạng A khu vực TP Thủ Đức và khu phía tây thành phố, các khu vực còn lại khan hiếm nguồn cung mở bán mới. Căn hộ hạng C, nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu ở thực vẫn tiếp tục vắng bóng trên thị trường.
Theo DKRA, nút thắt pháp lý phần nào được tháo gỡ sẽ tạo tiền đề cho một số dự án trên địa bàn TP. HCM tái khởi động triển khai trong năm 2022.
Về phân khúc nhà phố/biệt thự, toàn thị trường có 7 dự án, trong đó có 5 dự án mới và 2 dự án giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, nguồn cung đạt 375 căn, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, lượng tiêu thụ 277 căn, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ tiêu thụ đạt 74%.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài, nguồn cung và sức cầu thị trường ghi nhận sự sụt giảm mạnh so với những tháng cuối năm 2021, tập trung chủ yếu tại TP. HCM, Bà Rịa –Vũng Tàu và Đồng Nai. Riêng Bình Dương và Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.
Lượng tiêu thụ 2 tháng đầu năm tập trung chủ yếu ở những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín, có thương hiệu trên thị trường.
Mức giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 5% – 10% so với giai đoạn trước (mỗi giai đoạn cách nhau 3 – 4 tháng).
Nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu người mua.
Riêng tại TP. HCM có tới 5 dự án, trong đó 4 dự án mới và 1 dự án giai đoạn tiếp theo. Tổng nguồn cung 209 căn tăng 83% so với cùng kỳ năm trước, tiêu thụ 164 căn, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ tiêu thụ đạt 78%.
Nguồn cung và sức cầu thị trường có sự cải thiện so với những tháng trước và tiếp tục tập trung tại 2 khu vực chính là khu Nam & khu Đông, trong đó khu Nam chiếm 57% tổng nguồn cung mới 2 tháng đầu năm.
Lượng tiêu thụ tập trung vào những dự án được phát triển bởi những chủ đầu tư lớn, uy tín, tiềm lực tài chính mạnh và có pháp lý hoàn thiện.
Thị trường thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường ở mức trung bình.
Các sự kiện mở bán offline được triển khai rộng rãi trở lại, tuy nhiên vẫn tuân thủ 5K và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.