Loại bỏ “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản
Người có tài sản đấu giá có quyền yêu cầu dừng cuộc đấu giá nếu phát hiện hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá.
Ngày 12-12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Luật Đấu giá tài sản; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại buổi họp báo ngày 12-12
Về Luật Đấu giá tài sản , theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, luật này khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan; đã có sự tham khảo kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Việc quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ” móc nối, thông đồng, dìm giá; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát tài sản nhà nước .
Đáng chú ý, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền yêu cầu dừng việc tổ chức đấu giá nếu phát hiện hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá; yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá. Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực từ ngày 1-7-2017.
Về Luật Sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết đã bãi bỏ 20 ngành nghề không phù hợp tiêu chí và mục đích quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đa số đại biểu Quốc hội cũng đã nhấn nút đồng ý đưa ngành sản xuất lắp ráp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc này được tính toán dựa trên nhóm lợi ích là người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.
Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, trừ quy định về một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 như: sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Đối với Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, sẽ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người , quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là quyền của tất cả mọi người và không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Luật quy định mỗi người có quyền tự do bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo…
Người lao động