Loại bụi nguy hiểm nhất thế giới có mặt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có ảnh hưởng như thế nào?
Các nhà khoa học cho biết bụi PM2.5 có thể thẩm thấu và hấp thụ trực tiếp vào máu. Nó cũng không thể được lọc bằng các loại khẩu trang thông thường.
- 16-03-2018Phát điên vì stress, chỉ cần nghe bản nhạc của các nhà thần kinh học ở Anh này
- 16-03-2018“Sát thủ” trong không khí ở Hà Nội và TPHCM
Ô nhiễm không khí không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Các nhà khoa học cho biết loại bụi siêu nhỏ mà chúng ta vẫn hít phải hàng ngày còn liên quan đến cả ung thư thận và bàng quang. Đây thực sự là những căn bệnh mà ít người ngờ tới.
Cụ thể, các hạt bụi siêu nhỏ PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm) có thể làm tăng nguy cơ tử vong vì ung thư thận và bàng quang thêm khoảng 15%. PM2.5 được mệnh danh là loại bụi nguy hiểm nhất thế giới, hiện diện trong không khí ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, như báo Tiền Phong đưa tin.
Theo tính toán của một số chuyên gia, có những thời điểm hàm lượng bụi PM2.5 tại Hà Nội lọt vào nhóm cao nhất thế giới, đứng thứ 2 chỉ sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Không có gì quá ngạc nhiên khi loại bụi này phải chịu trách nhiệm cho nguy cơ ung thư thận và bàng quang, ngoài ung thư phổi. Các nhà khoa học cho biết bụi PM2.5 có thể thẩm thấu và hấp thụ trực tiếp vào máu. Nó cũng không thể được lọc bằng các loại khẩu trang thông thường.
Loại bụi nguy hiểm nhất thế giới có mặt ở Hà Nội làm tăng nguy cơ ung thư thận và bàng quang.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona trên hơn 600.000 người Mỹ và kéo dài tới 22 năm, từ 1982 đến 2004. Trong đó, các nhà khoa học xem xét mức độ tiếp xúc của người dân với không khí ô nhiễm tại 29 địa điểm khảo sát.
Các chỉ số ô nhiễm được tính đến là: hàm lượng PM2.5, nitơ đioxit (NO2) và ozone (O3). Chúng được cho là phải chịu trách nhiệm cho hơn 43.000 trường hợp tử vong vì ung thư trong số các ứng viên tham gia vào khảo sát.
Sử dụng mô hình tính toán, các nhà khoa học cho biết PM2.5 có liên quan đến những cái chết do ung thư thận và bàng quang. Theo đó, khi nồng độ của loại bụi này trong không khí tăng lên mỗi 4,4 µg/m3, tỷ lệ tử vong vì ung thư thận và bàng quang của người tiếp xúc tăng lần lượt 13% và 14%.
Trong khi đó, mỗi khi nồng độ NO2 tăng lên thêm 12,22 µg/m3, tỷ lệ tử vong vì ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên thêm 6%. Tất cả các kết quả đã được công bố trên tạp chí khoa học Environmental Health Perspectives.
“Nghiên cứu này cho thấy ô nhiễm không khí không chỉ liên quan đến những ca tử vong do ung thư ngoài ung thư phổi, mà mối liên hệ của nó với ung thư thận, bàng quang và ung thư đại trực tràng còn lớn đến mức chúng ta cần tập trung nghiên cứu thêm", Tiến sĩ Michelle Turner từ Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona cho biết.
Bụi PM2.5 có thể thẩm thấu vào máu thông qua đường hít thở.
Ô nhiễm không khí đang trở thành một vấn đề hết sức nóng hổi trên toàn cầu. Nó là hậu quả chủ yếu của việc sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt của con người.
Khi chúng ta đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu, khí đốt để lấy năng lượng, các sản phẩm dư thừa chưa cháy hết sẽ được xả vào không khí. Chúng bao gồm CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết như muội than, bụi…
Trong số các loại bụi, PM2.5 được mệnh danh là loại bụi nguy hiểm nhất. Chúng là các hạt dạng lỏng hoặc rắn trôi nổi trong không khí, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm (bằng 2,5 phần triệu của 1 mét).
PM2.5 có thể xâm nhập vào tĩnh mạch phổi, túi phổi thông qua hoạt động hít thở. Khi loại bụi siêu vi này xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn và tức thì như: Gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng, với các biểu hiện chảy nước mắt nước mũi, hắt hơi và ho.
Nếu hít phải bụi PM2.5 thường xuyên, chúng có thể làm giảm chức năng của phổi (làm thở nhanh, hụt hơi) và gây nên các bệnh như hen suyễn hoặc bệnh tim. Bây giờ, chúng ta còn biết nó làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư thận và bàng quang, chứ không chỉ là ung thư và các bệnh về phổi.
Tham khảo Dailymail, Huffingtonpost
Trí thức trẻ