Loài cây cực hiếm chỉ có ở Việt Nam: Sống ở độ cao hơn 1.000 m, đang trong tình trạng suy giảm đáng báo động
Đến với Đà Lạt, du khách luôn ấn tượng và vương vấn nhất với những đồi thông thơ mộng và trữ tình, nhưng ít ai biết được trong số đó có cả một loài mang tên “thông 5 lá”.
- 07-11-2024Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, tuyệt chủng 30 năm bất ngờ "tái xuất" ở Việt Nam
- 06-11-2024Báu vật của Đông Nam Á: Loài động vật quý hiếm cả thế giới chỉ 9 nước có, Việt Nam vừa đón tin vui!
- 05-11-2024Việt Nam có "thằn lằn sấm" 400 tuổi, cao 30m, phải 20 người mới ôm hết vòng thân
- 04-11-2024Loài cây đặc hữu "quý hơn vàng", chỉ mọc trong phạm vi 1km2 ở 1 vườn quốc gia tại Việt Nam: được mệnh danh là nữ hoàng của các loại trà
- 04-11-2024Loài động vật cực kỳ quý hiếm chỉ có ở Việt Nam: Hình dáng kỳ lạ chưa từng thấy, sống ở độ cao kỷ lục 1.800m
Khác với “thông 3 lá” là loại thông phân bố ở nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Myanmar… Thông 5 lá lại là loại cây đặc hữu chỉ ở Việt Nam mới có. Thông 5 lá được còn có tên khác là “thông 5 lá Đà Lạt” (tên khoa học: Pinus dalatensis) do phân bố chủ yếu ở vùng Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt.
Thông 5 lá Đà Lạt lần đầu tiên được nhà thực vật học người Pháp Y. de Ferre mô tả vào năm 1960, sau khi nghiên cứu các mẫu vật thu được ở Trại Mát (Tp. Đà Lạt) và từ trạm Chư Yang Sin (Đăk Lăk).
Theo thông tin từ bảo tàng Lâm Đồng, thông 5 lá Đà Lạt thường xuất hiện trong các khu rừng hỗn giao lá rộng và lá kim, trên độ cao từ 1.400 - 1.900 m so với mặt nước biển. Sở dĩ gọi là “thông 5 lá” là do 5 lá kim sẽ mọc thành một cụm với chiều dài 6-7cm.
Hình ảnh thông 5 lá quý hiếm. Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng
Thông 5 lá Đà Lạt là một loại cây có giá trị khoa học và sử dụng cao. Gỗ của thông 5 lá rắn chắc, có mùi thơm, dễ chế tác thành nội thất và đồ gia dụng. Ngoài ra, thông 5 lá còn có thể được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất bột giấy.
Từ năm 2010, thông Đà Lạt (Pinus dalatensis) cũng chính là thông 5 lá đã được đưa vào sách đỏ IUCN và được liệt kê là loài sắp bị đe dọa. Đến hiện tại, thông 5 lá đã ở trong tình trạng rất đáng lo ngại. Cũng theo bảo tàng Lâm Đồng, thông năm lá Đà Lạt đang đối mặt với sự suy giảm đáng báo động. Hiện nay, loài cây này chỉ còn phân bố ở ít hơn 10 địa điểm khác nhau, do bị mất môi trường sống. Bên cạnh đó, số lượng cây trưởng thành trong mỗi khu vực phân bố thường chỉ giới hạn dưới 100 cá thể.
Do tình trạng suy giảm nguy cấp về số lượng cá thể và quần thể, các nhà khoa học và tỉnh Lâm Động đang kêu gọi bảo tồn và phát triển thông 5 lá. Nhiều nghiên cứu đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước tiến hành, tuy nhiên, hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc tập trung mô tả hình thái, ghi nhận vùng phân bố mới, xếp loại và đặt tên loài trong hệ thống phân loại thực vật. Vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về cấu trúc, tái sinh, sinh học, sinh thái của loài hay các mô hình bảo tồn cho loài thông 5 lá Đà Lạt.
Việc bảo tồn loài thông 5 lá không chỉ với mục đích bảo tồn loài cây đặc hữu của Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung, mà còn góp phần hỗ trợ phát triển cho du lịch địa phương. Nhân giống thông 5 lá có thể giúp phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Hiện nay, khi đến Đà Lạt, du khách có thể ghé thăm bảo tàng Lâm Đồng để chiêm ngưỡng và tìm hiểu thêm về thông 5 lá thông qua các mẫu vật được trưng bày tại đây.
(Tổng hợp)
Đời sống pháp luật