Loài cây không chỉ làm cảnh mà còn được ví như 'nhân sâm của người nghèo'
Đinh lăng là loại cây quen thuộc với nhiều người, vậy trồng cây đinh lăng trong nhà có tốt không?
- 20-09-20233 loại cây tuyệt đối không trồng trong phòng ngủ
- 19-09-2023Đi săn tìm giống cây, team châu Phi mừng rơn gặp loại cây ăn trái quen thuộc ở Việt Nam
- 14-09-2023Loại cây ăn quả trong vườn nhà là 'vựa thuốc quý', ít người biết dùng
Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá. Lá đinh lăng thường dùng để ăn gỏi cá như một loại rau, nhiều phụ huynh phơi khô lá để độn gối cho trẻ nhỏ. Rể hay củ đinh lăng được dùng làm thuốc vì thuộc họ hàng với củ nhân sâm. Ở Việt Nam, đinh lăng là loại cây phổ biến vừa được trồng làm cảnh lại vừa có tác dụng làm thuốc chữa bệnh rất tốt.
Tổng quan về cây đinh lăng
Đinh lăng tên khoa học là Polyscias Fruticosa (L), họ ngũ gia bì (Araliaceae). Đinh lăng là loại cây thân nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao từ 0,8 - 1,5m và có nhiều loại khác nhau ở lá.
Đinh lăng lá nhỏ có lá mọc so le, có bẹ, mép lá hình răng cưa không đều, có lá chét, phiến lá xẻ 3 lần lông chim, các đoạn đều có cuống. Đây là loại đinh lăng phổ biến nhất thường được dùng để làm rau gia vị và làm thuốc. Ngoài ra còn có đinh lăng lá tròn, lá răng bản tròn thường được dùng để làm cảnh.
Đinh lăng đĩa là loại đinh lăng dáng to, lá to, được trồng làm cảnh nhưng rất ít khi gặp. Đinh lăng lá nhỏ có cụm hoa hình chùy, nhiều hoa nhỏ, quả dẹt, dài.
Đinh lăng được trồng phổ biến ở nước ta. Có thể dùng lá hoặc rễ đinh lăng để làm thuốc trong các bài thuốc y học cổ truyền. Trong đinh lăng có alcaloid, glucosid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B, các acid amin như lysin, methionin… là những acid amin thiết yếu của sức khỏe.
Tác dụng của cây đinh lăng
Cây đinh lăng vừa trồng để làm cảnh vừa có thể làm thuốc.
Đinh lăng rất phong phú về chủng loại: Đinh lăng lá tròn, đinh lăng lá to hay đinh lăng lá ráng, đinh lăng trổ hay đinh lăng viền bạc. Các loài này đều không được sử dụng làm thuốc như đinh lăng lá nhỏ.
Trên thế giới, đinh lăng phân bố rải rác ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, kể cả một số đảo ở Thái Bình Dương.
Ở Việt Nam, đinh lăng là cây trồng từ lâu đời và phổ biến để làm cảnh và làm thuốc.
Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, cây đinh lăng lá nhỏ được coi là "cây sâm của người nghèo" bởi tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó.
Lá của cây đinh lăng thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ và làm thuốc tăng lực, chữa chứng suy nhược cơ thể.
Rễ đinh lăng vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dùng rễ đinh lăng sao vàng, hạ thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.
Trong rễ đinh lăng chứa saponin tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra rễ còn chứa 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể. Nhờ đó đinh lăng giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Như vậy trồng cây đinh lăng trong nhà vừa có tác dụng làm cảnh, giúp nhà đẹp hơn lại vừa mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý một chút là cây đinh lăng ưa nắng, do vậy nếu đặt trong phòng khách thì bạn nên đặt ở cạnh cửa sổ để cây có thể phát triển tốt.
Còn nếu được thì tốt nhất nên đặt chậu cây đinh lăng ngoài ban công, ngoài hiên nhà, vườn… vừa làm đẹp ngôi nhà, vừa giúp cây có điều kiện sinh trưởng tốt, xanh mát quanh năm.
Trường hợp bạn đặt cây đinh lăng trong phòng ngủ, cần chú ý chỉ chọn những cây nhỏ, đặt cạnh cửa sổ.
Vào ban đêm trước khi đi ngủ, bạn nên đặt chậu cây ra ngoài hiên hoặc mở cửa sổ ra bởi ban đêm cây sẽ hấp thụ khí oxy, khiến người trong phòng cảm thấy dễ ngột ngạt và khó chịu.
VTCnews