MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ nở hoa duy nhất 1 lần rồi chết

16-10-2024 - 21:55 PM | Sống

Sau khi nở hoa lần đầu cũng là lần duy nhất với hàng triệu bông cả cây, loài cây quý hiếm này cũng "tự tử".

Cọ tự tử hay Tahina spectabilis là một loài cọ khổng lồ chỉ sống tập trung trong một khu vực 4km2 ở Analalava, Madagascar. Đây là loài cọ lớn nhất trên đảo Madagascar với chiều cao khoảng 18m, đường kính lá dài đến 5m. Với kích thước khổng lồ, cọ tự tử có thể được nhìn thấy trên Google Earth.

Loài cây này lần đầu được phát hiện vào năm 2005. Xavier Metz, nhân viên người Pháp quản lý một dự án trồng điều ở miền bắc Madagascar phát hiện cá thể cọ lạ khi cùng gia đình dã ngoại.

Metz chụp hình và đến các nhà sinh vật học ở Vườn thực vật Hoàng gia KEW (Anh). Ngay lập tức, các bức hình mê hoặc những nhà sinh vật học, trong đó có TS John Dransfield.

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ nở hoa duy nhất 1 lần rồi chết- Ảnh 1.

TS John Dransfield đã mô tả cọ "tự tử" là một trong những kỳ quan thực vật học của thế giới: "Thật tuyệt diệu, lúc đầu chỉ có một cành non dài giống măng tây ở trên ngọn cây, nhưng sau một vài tuần, cành non độc nhất này bắt đầu trải rộng khắp, các nhánh cây sẽ phủ đầy hoa li ti được thụ phấn và thành quả".

Được biết, điểm đặc biệt nhất của loài cọ này là sau 30-50 năm sinh sống, cây mới nở hoa lần đầu tiên với số lượng hàng trăm bông mỗi nhánh, hàng triệu bông cả cây. Tuy nhiên, đó cũng là lần duy nhất loài cọ này nở hoa bởi chỉ vài tháng sau, cọ yếu dần rồi chết đi.

Nguyên nhân do cây đột ngột phải cung cấp chất dinh dưỡng cho quá nhiều bông hoa, làm cho cây kiệt sức và không thể sống tiếp. Cái tên cọ "tự tử" cũng ra đời vì lý do này.

Qua phân tích ADN, các nhà thực vật học nhận thấy loài cọ tự tử này có họ hàng tận bên châu Á khi có những nét tương đồng với một số loài cọ Afghanistan, Thái Lan hay Trung Quốc.

Theo tạp chí khoa học Science, từ khi được phát hiện đến năm 2008, loài cọ này có khoảng 91 cá thể trưởng thành nhưng đến năm 2012, Sách đỏ IUCN thống kê hiện chỉ còn khoảng 30 cá thể trưởng thành trong tự nhiên.

Một mối nguy khác mà loài cây này đang đối diện là môi trường sống đang thu hẹp đáng kể do cháy rừng và do người dân phá rừng lấy đất làm nông nghiệp.

Để bảo tồn cọ tự tử, hạt giống của nó đã được gửi đến nhiều viện nghiên cứu khác nhau trên khắp thế giới trồng thử nghiệm với hi vọng có thể gia tăng số lượng cá thể của loài cây đặc biệt này.


Theo Minh Hoa (t/h)

Người đưa tin

Trở lên trên