MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loài cây sần sùi như que củi trở thành "kho báu" của người dân miền biên giới dịp Tết

09-01-2022 - 07:53 AM | Xã hội

Những cành cây xù xì trồng quanh nhà, quanh đồi được coi như "kho báu" người miền ngược bán cho người miền xuôi chơi Tết.

Mấy ngày cận Tết Nguyên đán, anh Mùa Nỏ Khư (trú bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) liên tục đi dạo quanh vườn đào của gia đình kiểm tra, rồi đánh dấu lại những cành đào đã được các thương lái cọc tiền từ trước. Chỉ ít ngày nữa, những cành đào này sẽ được thu hoạch trước để đưa về vùng xuôi phục vụ thị trường Tết.

Anh Khư chia sẻ, số đào trong vườn của gia đình anh đã được các thương lái đến đặt mua từ 2 tháng trước. Đào của anh trồng mới được 6 năm nên anh chỉ bán những cành lớn. Còn gốc đào được anh xem như là "kho báu" để tiếp tục mọc cành bán cho những mùa sau.

 Loài cây sần sùi như que củi trở thành kho báu của người dân miền biên giới dịp Tết - Ảnh 1.

Nhiều xã ở huyện Kỳ Sơn, các ngọn đồi được người dân tận dụng trồng đào. Vùng đất đá nhiều nhưng lại thích hợp cho loại đào rừng độc đáo này.

"Trước nhà tôi trồng gừng nhưng giá trị không cao. Thấy người dưới xuôi thích đào ở vùng này nên tôi cũng rào ngọn đồi phía sau nhà trồng 400 gốc. 

Đến nay đào đã thu hoạch được năm thứ 2. Năm ngoái chỉ bán được vài chục cành kiếm được vài chục triệu. Năm nay họ đến mua nhiều nhưng mình chỉ bán một nửa trong vườn", anh Khư nói và cho biết, trồng đào dễ và không tốn công chăm sóc, trong khi đó giá trị lại cao.

 Loài cây sần sùi như que củi trở thành kho báu của người dân miền biên giới dịp Tết - Ảnh 2.

Anh Khư cho biết, mỗi độ Tết đến, anh lại chọn các loại cành to, đẹp để cắt bán chứ không bán cả gốc cây.

Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) từ lâu đã được xem là thủ phủ đào của xứ Nghệ và vùng lân cận. Đào ở đây nhiều và đặc biệt bởi mang vẻ đẹp của cái lạnh, cái nắng, cái không khí của miền biên ải xứ Nghệ.

Ở huyện biên giới này, đào được trồng nhiều tại các xã Mường Lống, Na Ngoi. Đào chủ yếu là đào đá, đào rừng, đào mốc. Hoa từ những cây đào này có vẻ đẹp đằm thắm, cánh hoa dày, thân cây mang vẻ sần sùi vừa cổ kính vừa hoang sơ nên giới chơi đào rất thích thú săn tìm.

Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) cho biết, hiện 100% hộ dân ở xã này đều trồng đào. Nhà ít thì vài chục gốc, nhà nhiều thì vài ha đất trồng đào. So với bán quả thì bán cành đào vào dịp tết dễ bán hơn, lợi nhuận mang lại cao hơn rất nhiều cho người dân.

 Loài cây sần sùi như que củi trở thành kho báu của người dân miền biên giới dịp Tết - Ảnh 3.

Người dân xã Na Ngoi chăm sóc đào để chuẩn bị cắt cành để bán Tết.

Đầu tháng 12 âm lịch cũng là dịp người dân xã Na Ngoi bắt đầu chuẩn bị thu hoạch đào để bán. Một số ít để phục vụ khu vực trong huyện. Số nhiều được bán cho các thương lái vận chuyển từng xe tải lớn đưa về thành phố Vinh và các huyện miền xuôi để bán vì nhu cầu ở đây rất lớn.

Dân bản miền biên giới phất lên

Ông Già Chủ Chảy (trú bản Buộc Mú 2) cho biết, từ nhiều đời nay, cây đào đá được người Mông giữ gìn, nhân giống như một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của người dân bản địa.

Đào được trồng quanh nhà, trên rẫy, mang theo trong những lần di canh, di cư. Cây đào không chỉ góp phần làm đẹp bản làng, mà nó còn giúp người Mông kiếm thêm thu nhập.

"Trước đây người dân chỉ thu hoạch quả bán. Mấy năm trở lại đây các thương lái đến săn tìm mua cây, mua cành rất nhiều. Nên người dân trồng càng nhiều hơn. Nhờ thế, người dân xã này cũng giàu lên, nhà ít cũng có cái tết no đủ", ông Chảy nói và cho biết, đào rừng tự nhiên rất hiếm có. Đào đang bán chủ yếu là giống đào rừng được người dân trồng khoảng 5-6 năm nay.

Là một trong những người sở hữu vườn đào đầu tiên và lớn nhất vùng, anh Xồng Bá Lẩu - Trưởng bản Buộc Mú 1 (xã Na Ngoi) hiện đang có hơn 900 gốc đào mốc trên diện tích 3ha.

 Loài cây sần sùi như que củi trở thành kho báu của người dân miền biên giới dịp Tết - Ảnh 4.
 Loài cây sần sùi như que củi trở thành kho báu của người dân miền biên giới dịp Tết - Ảnh 5.

Hoa từ những cây đào rừng của người dân bản ở các xã miền núi trồng nở mang vẻ đẹp khác lạ so với những cây đào trồng ở vùng xuôi nên giới chơi đào luôn săn tìm và thích thú.

Anh Lẩu cho biết, anh bắt đầu trồng đào từ năm 2011. Hàng năm, anh Lẩu chọn những cành to nhất, đẹp nhất chặt bán. Mỗi dịp tết anh bán đào thu về trung bình trên 100 triệu đồng.

Sau mỗi dịp tết, anh Lẩu lại chăm sóc cẩn thận những gốc đào mốc và xem đó như là "kho báu" để một vài năm sau anh lại có thể thu hoạch cành đem đi bán.

 Loài cây sần sùi như que củi trở thành kho báu của người dân miền biên giới dịp Tết - Ảnh 6.

Những gốc cây đào cổ thụ như là những "kho báu" giúp người dân bản các xã của huyện Kỳ Sơn giàu lên.

"Chúng tôi vận động người dân trồng đào trên các sườn đồi, trên nương rẫy, vừa tiện chăm sóc, chặt cành để bán dịp Tết vừa có nguồn thu nhập cao. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân chỉ nên bán cành, giữ lại gốc để có thu hoạch đều mỗi năm", Chủ tịch xã Na Ngoi nói và cho biết, nhờ đào nên người dân xã này đã phất lên.

Được biết, toàn xã Na Ngoi hiện có khoảng 100ha đào, phân bố chủ yếu ở các bản Buộc Mú, Kẻo Bắc, Ka Nọi… Đào hiện cũng được xem là cây chủ lực của xã, giúp nhiều người thoát nghèo và nhiều người khá giả hơn.


https://soha.vn/loai-cay-san-sui-nhu-que-cui-tro-thanh-kho-bau-cua-nguoi-dan-mien-bien-gioi-dip-tet-20220108150643973.htm

Theo Ngọc Tú

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên