Loại “gỗ của thần” có giá hơn 2 tỉ/kg vẫn khiến cả thế giới săn lùng: Báo Malaysia thán phục người Việt Nam vì nghĩ ra cách sản xuất độc nhất
Một loại gỗ quý có giá trị cao nhưng chỉ phát triển tập trung tại các quốc gia Đông Nam Á.
- 02-05-2024Lạ đời ngôi nhà lụp xụp ai cũng chê: Dựng từ loại gỗ trồng 100 năm mới thu hoạch, giá gần 3.000 tỷ đồng
- 28-04-2024Loại gỗ tuổi thọ hàng triệu năm, đứng sau kim cương: Giá hơn 600 tỷ đồng, Việt Nam có một khối 8 tấn
- 20-04-2024Loại gỗ quý hiếm hơn cả vàng, có cây giá lên tới 800 tỷ đồng
“Gỗ của các vị thần”
Khi đi bộ trong rừng, chúng ta thường cảm thấy bớt căng thẳng, tâm trạng và khả năng tập trung được cải thiện. Đây là một trong những lý do khiến nước hoa có mùi hương gỗ và những loại gỗ quý được săn đón nhiều. Chúng khiến con người có cảm giác như đang trở lại rừng xanh dù đang ngồi giữa “rừng bê tông” tại các khu thành thị.
Trong số các loại gỗ được nhiều người săn lùng nhất, không thể không nhắc tới trầm hương – thứ được thế giới mệnh danh là “gỗ của các vị thần” vì mùi hương được sử dụng cho nhiều mục đích tôn giáo và được buôn bán với giá cao. Được biết, trầm hương được tạo ra từ cây Dó Bầu - một loại cây có trọng lượng nhẹ và gỗ rất mềm – và chỉ có thể tìm thấy tại Đông Nam Á. Cây dó bầu có trầm hương phát triển mạnh ở độ cao từ vài mét so với mực nước biển đến khoảng 1.000m, trong đó 500m là độ cao tối ưu.
Chỉ có 15 loài dó bầu có thể sản xuất nhựa trầm hương, được tìm thấy chủ yếu ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Trầm hương cũng là một trong những loại nguyên liệu đắt nhất thế giới. Trầm hương loại 1 có thể có giá lên tới 100.000 USD/kg. Dầu trầm hương nguyên chất có thể có giá từ 10.000 đến 40.000 USD tùy thuộc vào nguồn gốc, loại và quy trình chưng cất.
Khó khăn khi tạo trầm hương
David Liew, một chuyên gia về trầm hương của Malaysia, cho biết cây dó bầu cần được cấy một loại nấm để tạo ra nhựa trầm hương.
Ông chia sẻ Malaysia từng nằm trong top 3 về thị trường trầm hương nhưng tụt hạng sau nhiều lần thử nghiệm cấy thất bại.
“Các loại nấm khác nhau đòi hỏi các phương pháp cấy khác nhau. Chúng tôi cần làm cho cây bị bệnh để có thể tạo ra trầm hương. Cơ chế như sau: sau khi cây bị nhiễm trùng do vết thương, cơ chế phòng vệ sẽ được kích hoạt để tạo ra nhựa trầm hương. Nếu không làm như vậy thì cây dó bầu không mang lại giá trị gì”, ông nói với Cục Dự trữ Malaysia và cho biết thêm rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên sử dụng phương pháp này.
Ông Liew cũng giải thích rằng quá trình cấy nấm cho một cây dó bầu có thể tốn từ 100 đến 200 USD.
“Vì vậy, nếu tôi có 1.000 cây, tôi sẽ phải chi từ 100.000 USD đến 200.000 USD. Người ta cho rằng trầm hương dễ làm và dễ bán nhưng điều đó không đúng”, ông nói thêm.
Chia sẻ trên Business Insider, ông Truong Thanh Khoan, một thợ sản xuất trầm hương chia sẻ cách tìm cây dó bầu có giá trị: “Với kinh nghiệm của người đi rừng, khi nhìn vào có thể đoán được con kiến có đục và gây vết thương cho cây hay không. Kiến đem theo vi sinh vật và vi khuẩn, bào tử nấm ở các nơi đi vào. Cái chất dịch ở trong con kiến tiết ra gây tổn thương. Cây dó bầu đưa nhựa để bao lại, lâu ngày tạo ra trầm hương”.
Người thợ tạo ra “trầm nhân tạo” bằng cách khoan vào thân cây, sau đó bơm các chất dịch để làm cây tổn thương từ bên trong và kích hoạt cơ chế tiết nhựa.
Khách hàng từ các quốc gia vùng Vịnh
Công ty của ông Liew chủ yếu xuất khẩu trầm hương thành phẩm sang Trung Đông vì trầm hương được ưa chuộng để làm tinh dầu oud.
Các thị trường khác có thể kể đến Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc. Ngay cả các nước châu Âu cũng tỏ ra quan tâm đến việc mua sản phẩm trầm hương của công ty.
“Các nước châu Âu cũng bắt đầu tin rằng thuốc và mỹ phẩm làm từ sản phẩm trầm hương là tốt. Trầm hương có thể được sử dụng để làm nhiều thứ, chẳng hạn như dầu gội, thuốc và thậm chí cả các sản phẩm để cầu nguyện”, Liew nói, nhớ lại chuyến đi đến Nhật Bản vào năm 2014, nơi có 27 công ty sẵn sàng mua trầm hương của ông.
Những thách thức đối với ngành
Ngày nay những cây dó bầu đang trở nên ngày càng khan hiếm và chúng được liệt vào danh sách “có nguy cơ tuyệt chủng” theo Công ước buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Truong Thanh Khoan kể về những nhóm 5-10 người đi tìm trấm hương 15-20 ngày vẫn có nguy cơ ra về trắng tay, gặp nguy hiểm bởi thú rừng, rắn rết, có khi mất mạng: “Bây giờ trong rừng không còn trầm nữa, hết rồi”.
Ngày nay, trầm hương được trồng của Việt Nam đã bắt đầu thu hút được sự chú ý trong nước và quốc tế.
Giá trầm hương không ngừng tăng cao do nhu cầu ngày càng tăng và thiếu nguồn cung, mặc dù cứ 10 cây được thu hoạch thì chỉ có 1 cây được khai thác để sản xuất trầm hương.
Để bảo tồn cây dó bầu có trầm hương, các chuyên gia khuyên người mua nên mua trầm hương từ trang trại thay vì lấy trầm tự nhiên.
Khác với các đồn điền khác như cao su, cọ dầu, trầm hương chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ các nước.
Dù vậy, ông Truong Thanh Khoan vẫn lạc quan về tương lai của trầm hương: “Theo kinh nghiệm lâu năm của tôi, cái trầm hương này sẽ không mai một. Trầm hương sau này là vật sản quý giá cho đất nước, nguồn cung không đủ cầu đâu. Gần như cả thế giới tập trung vào ngành trầm hương hết. Chỉ sợ không có vốn để đầu tư thôi”.
Tham khảo BI, The Malaysian Reserve
Nhịp Sống Thị Trường