MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại quả quen thuộc giúp Trung Quốc thu về hơn 4 tỷ USD mỗi năm, ở Việt Nam có rất nhiều, 30 nước đặt mua

16-06-2024 - 21:26 PM | Thị trường

Loại quả này thường bán rất chạy vào mùa hè và được coi là mặt hàng tỷ USD tại Trung Quốc.

Trung Quốc được coi là "vựa vải thiều" lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những quốc gia tiêu thụ và xuất khẩu loại quả nổi tiếng này nhiều nhất. Khoảng một nửa số vải thiều của Trung Quốc được trồng ở phía nam tỉnh Quảng Đông (với sản lượng ước tính đạt 1,5 triệu tấn/năm).

Trong đó, Mậu Danh, một thành phố ven biển thuộc phía tây nam của tỉnh Quảng Đông, chính là một trong những vùng trồng nhiều vải thiều nhất ở Trung Quốc. Thành phố này đã trồng vải thiều từ cách đây hơn 2.000 năm. Mậu Danh hiện trồng hơn 40 loại vải. Đây cũng là nơi có tới 350 cây vải thiều cổ thụ với tuổi đời lên tới hơn nghìn năm.

Trên thực tế, mùa thu hoạch vải tại Trung Quốc thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7, lâu hơn ở những quốc gia khác. Không chỉ xuất khẩu vải tươi, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng đã tiến hành khai thác thêm giá trị từ quả vải khi bắt đầu nghiên cứu và phát triển những sản phẩm chế biến, chẳng hạn như rượu vải, nước ép vải, kem vải, cà phê vải...

Theo thống kê, xuất khẩu vải thiều giúp nông dân ở Trung Quốc thu về khoảng 4 tỷ USD mỗi năm.

Vải thiều được trồng ở Trung Quốc từ hơn 2.000 năm trước

Loại quả quen thuộc giúp Trung Quốc thu về hơn 4 tỷ USD mỗi năm, ở Việt Nam có rất nhiều, 30 nước đặt mua- Ảnh 1.

Trung Quốc trồng nhiều giống vải thiều và có nhiều cây cổ thụ hàng nghìn năm. Ảnh: QQ

Theo Sina, vải thiều là loại quả được trồng ở Trung Quốc từ ít nhất 2.000 năm trước. Những ghi chép trong lịch sử cho thấy, vải thiều đã có từ thời nhà Tần và nhà Hán. Trong đó, thành phố Mậu Danh, nơi trồng nhiều vải thiều, đã rất phát triển vào thời Đông Hán.

Các chuyên gia cho biết, không phải loại vải thiều nào từ cách đây hàng nghìn năm cũng có thể nếm được. Bởi một số loại có vị chua và một số dễ bị hư hỏng. Để đạt được mục tiêu mang những trái vải thiều thơm ngon đến tay người tiêu dùng, những người nông dân trồng vải đã nỗ lực từ thế hệ này sang thế hệ khác, để trồng được hơn chục giống phổ biến nhất ngày này, thông qua quá trình lai tạo và chọn lọc.

Hầu hết các giống vải thiều ngon nhất ở Trung Quốc đều được trồng ở tỉnh Quảng Đông, bời nơi đây có khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, đặc biệt thích hợp cho việc trồng và sinh trưởng của vải thiều.

Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Đông, diện tích trồng vải ở tỉnh này năm 2023 chiếm khoảng 1/4 diện tích trồng vải của tỉnh và 1/5 diện tích trồng vải của thế giới. Trong đó, chỉ riêng Mậu Danh đã có sản lượng đạt hơn 620.000 tấn trong năm 2023.

Sina cho biết, cứ 3 cây vải thiều trên thế giới thì có một cây đến từ Quảng Đông (Trung Quốc). Điều này có thể thấy Trung Quốc là "vựa vải" lớn trên thế giới.

Vải thiều thường dễ bị hỏng do quá trình thu hái, vận chuyển kéo dài. Tuy nhiên, với việc áp dụng công nghệ bảo quản, thời gian bảo quản vải thiều ở Trung Quốc có thể lên tới 60 ngày. Điều này cũng góp phần mở rộng phạm vi bán hàng và giúp vải thiểu có giá cả phải chăng hơn.

Vải thiều Trung Quốc có gì khác vải thiều Việt Nam?

Loại quả quen thuộc giúp Trung Quốc thu về hơn 4 tỷ USD mỗi năm, ở Việt Nam có rất nhiều, 30 nước đặt mua- Ảnh 2.

Vải thiều Trung Quốc được trồng nhiều ở tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Sina

Vải thiều cũng được trồng nhiều ở Việt Nam. Ở nước ta, vải thiều thường ra hoa vào tháng 3 và chín vào khoảng giữa tháng 6 – tháng 7. Trong khi đó, vải thiều Trung Quốc sẽ chín nhanh hơn so với vải thiều Việt Nam khoảng 1 tháng, tức là tầm tháng 4 – 5.

Loại quả quen thuộc giúp Trung Quốc thu về hơn 4 tỷ USD mỗi năm, ở Việt Nam có rất nhiều, 30 nước đặt mua- Ảnh 3.

Cận cảnh vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng của Việt Nam. Ảnh minh họa

Vải thiều Việt Nam thường có quả to tròn, hình cầu, quả gai nhãn, màu hồng nhạt (vải Thanh Hà) và đỏ tươi (vải Lục Ngạn). Còn vải Trung Quốc có quả to hơn hẳn, kích thước đều nhau, vỏ nhãn, màu sắc tươi sáng.

Vải thiều của nước ta có cùi dày, nhiều nước, hạt nhỏ, vị ngọt lịm, có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Trong khi đó, vải thiều Trung Quốc có hạt to, ít thịt vải, vị ngọt đậm, có cảm giác giống như ngọt đường nên thường tạo cảm giác gắt cổ khi ăn. Ngoài ra, vải thiều Trung Quốc cũng không thơm bằng vải thiều của Việt Nam.

Loại quả quen thuộc giúp Trung Quốc thu về hơn 4 tỷ USD mỗi năm, ở Việt Nam có rất nhiều, 30 nước đặt mua- Ảnh 4.

Vải thiều của Việt Nam chinh phục được nhiều thị trường trên thế giới. Ảnh: Moit

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc có diện tích trồng và sản lượng quả vải hàng năm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước chiếm đến 70% tổng tỷ lệ vải thiều xuất khẩu ở nước ta. Nguyên nhân là do mùi vị của vải thiều Việt Nam mang nét riêng biệt. Chẳng hạn, vải thiều Bắc Giang có vị ngọt lịm, thanh mát và mùi thơm đặc trưng. Do đó, không chỉ Trung Quốc mà có tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều yêu thích vải thiều của Việt Nam.

Bài tham khảo nguồn: Sina, Chinanews, BNN Bloomberg, Moit

Theo Minh Hằng

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên