MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại quả quen thuộc với người Việt nhưng cực xa xỉ ở Trung Quốc, được coi như món quà thời thượng và “bổ dưỡng bằng 3 con gà”

18-07-2023 - 19:35 PM | Sống

Tại một địa phương xa xôi ở phía tây bắc Trung Quốc, giá sầu riêng tại đây được coi là đắt nhất trên toàn quốc.

Ma Qian, 20 tuổi, là người điều hành một xưởng vẽ tranh cho trẻ nhỏ. Quê hương của Ma Qian, một quận nông thôn thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, người dân thường có tục tặng khoảng 4 đến 6 món quà cho bạn bè hoặc người thân khi họ đính hôn hay kết hôn.

Những món quà có thể là nho, lạp xưởng, sữa và nấm khô. Nhưng giờ đây, sầu riêng - một loại trái cây nhiệt đới với mùi vị đặc trưng đã lên ngôi và được nhiều người dùng làm quà tặng.

Ma cho biết: “Em họ tôi đã đính hôn tháng trước và người lớn tuổi trong nhà muốn tôi tặng sầu riêng thay vì nho, bởi theo suy nghĩ của họ, đó mới là món quà thời thượng và trang nhã. Người nhà tôi và nhiều người dân địa phương khác lần đầu được ăn sầu riêng vào năm nay và rất thích mùi vị sầu riêng. Người già tin rằng sầu riêng bổ dưỡng, ăn một quả sầu riêng bằng ăn ba con gà”.

Cụm từ “Tự do cherry” - nghĩa là mua hoa quả đắt tiền mà không phải nhìn giá, đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc vì nó tượng trưng cho sự sung túc, thịnh vượng. Được biết, quả cherry đã từng được nhiều người dùng làm quà tặng trong các dịp lễ hội, nhưng sau khi chi phí tăng cao, người dùng mạng xã hội đã nâng tầm loại quả này, coi đó như là một tiêu chuẩn của sự giàu có, và cũng thông qua đó than thở một cách hài hước về tình trạng nghèo khó của bản thân. Giờ đây, cụm từ này đã biến thành “Tự do sầu riêng”.

Loại quả quen thuộc với người Việt nhưng cực xa xỉ ở Trung Quốc, được coi như món quà thời thượng và “bổ dưỡng bằng 3 con gà” - Ảnh 1.

Thị trường sầu riêng tiềm năng ở Trung Quốc

Việc nhập khẩu sầu riêng và nhiều loại quả nhiệt đới khác vào Trung Quốc đã tăng mạnh, thâm nhập sâu vào những thành phố lớn nhỏ ở Trung Quốc. Nguyên nhân là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN đã làm giảm thuế nhập khẩu và tinh gọn thủ tục hải quan.

Ma nói thêm: “Sầu riêng là mặt hàng hot đối với giới trẻ ở vùng tỉnh lẻ. Thậm chí các quán cà phê còn phục vụ bánh sầu riêng ngàn lớp (durian layer cake), latte sầu riêng và dừa. Chúng tôi muốn mua 1 quả sầu riêng mỗi tháng để chia sẻ cùng gia đình.

Mức giá đôi khi dao động khoảng 40 tệ (hơn 131.000 VNĐ) hoặc 60 tệ (gần 200.000 VNĐ) một kg. Giờ đây người ta chỉ quan tâm đến các yếu tố nhận biết sầu riêng ngon: cuống dày, vỏ tròn và gai ngắn. Còn về xuất xứ, chúng tôi không quá để ý”.

Loại quả quen thuộc với người Việt nhưng cực xa xỉ ở Trung Quốc, được coi như món quà thời thượng và “bổ dưỡng bằng 3 con gà” - Ảnh 2.

Sầu riêng được dùng làm quà tặng

3 nước Thái Lan, Malaysia và Việt Nam là thành viên của RCEP, đồng thời cũng là nhà cung cấp sầu riêng chính cho Trung Quốc. Vào năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng nhiều hơn 4 lần so với năm 2017, nâng tổng giá trị lên hơn 4 tỷ đô (94.5 nghìn tỷ VNĐ). Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, vào quý I năm 2023, nhập khẩu sầu riêng tăng hơn 150%.

Do mùa cao điểm xuất khẩu sầu riêng rơi vào tháng 5 và tháng 6, giá bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm và phù hợp với túi tiền người dân.

Zhang Liang, một tài xế xe tải ở Kinh Châu, đã gửi một quả sầu riêng trị giá hơn 300 tệ (hơn 989.000 VNĐ) làm quà tặng sinh nhật cho vợ mình. Zhang chia sẻ: “Những người đàn ông độc thân ở địa phương trước đây hay mang theo nho, đào, rượu trắng tới nhà bạn gái. Nhưng bây giờ họ cầm một hộp carton chứa đầy sầu riêng để lấy lòng mẹ vợ tương lai”.

Theo nhà nhập khẩu Bob Wang, việc tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng đã góp phần khiến sầu riêng nhập khẩu được vận chuyển tới toàn quốc trong vòng 3 ngày, làm tăng thêm lượng sầu riêng ở các chợ. Ông đã ký hợp đồng với trang trại sầu riêng ở Việt Nam và dự định nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng trong năm nay.

Loại quả quen thuộc với người Việt nhưng cực xa xỉ ở Trung Quốc, được coi như món quà thời thượng và “bổ dưỡng bằng 3 con gà” - Ảnh 3.

Nhà sáng lập chuỗi cung ứng TWT, Wang nhận định: “Sầu riêng đã nhanh chóng trở thành loại trái cây nhập khẩu phổ biến nhất Trung Quốc. Nhưng có lẽ, nhu cầu của người dân vẫn còn rất lớn. Theo đà này, rất có khả năng nhu cầu hằng năm sẽ tăng gấp đôi trong vài năm tới”.

Trung Quốc đang cố gắng sản xuất sầu riêng nội địa nhưng giá cả vẫn còn quá cao đối với một số người. Một người dùng Weibo bình luận: “Tại một địa phương xa xôi ở phía tây bắc Trung Quốc, mức giá trung bình là 35 tệ (hơn 115.000 VNĐ) cho 500g, đã giảm so với Tết Nguyên Đán nhưng có lẽ vẫn đắt nhất trên toàn quốc. Nếu không phải vì bạn gái tôi thích ăn sầu riêng thì tôi cũng không muốn phải bỏ một số tiền quá lớn để mua mặt hàng này đâu”.

Theo Hạ Khương

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên