MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại rau rất tốt cho huyết áp, tiêu hóa: Người Việt đã ăn từ lâu

12-04-2022 - 13:16 PM | Sống

Loại rau rất tốt cho huyết áp, tiêu hóa: Người Việt đã ăn từ lâu

Thìa là là một loại rau thơm rất phổ biến trong nhiều món ăn của người Việt. Không chỉ là một loại rau thơm, thìa là còn là một vị thuốc chữa nhiều bệnh.

1. Đặc điểm của cây thìa là

Thìa là còn gọi là rau thì là. Tên khoa học Anethum graveolens L. (Peucedanum graveolens Benth et Hook.). Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae.).

Thìa là cho quả dùng làm thuốc.

Thìa là là cây cỏ nhỏ mọc hằng năm, ít phân nhánh, thân nhẵn, cao 0,3-1m, lá xẻ ba thành những phiến nhỏ hình sợi, vò có mùi thơm dễ chịu, nhưng có người cho là khó chịu.

Hoa màu vàng nhạt, mọc thành tán to thường gồm 10 gọng không tổng bao và tiểu bao. Quả hình trứng, dài 3mm, rộng 1,5mm, dẹt ở lưng, phân liệt quả tách nhau dễ dàng, có 3 sống dọc nổi.

Loại rau rất tốt cho huyết áp, tiêu hóa: Người Việt đã ăn từ lâu - Ảnh 1.

Cây thìa là.


Thìa là được trồng khắp nơi ở nước ta nhưng chủ yếu chỉ để lấy lá ăn, thường nấu với cá. Làm thuốc chỉ dùng quả. Ở nước ta không thu hái quả làm thuốc mà dùng quả làm hương liệu cho chè uống. Tại các nước Trung Á, sau lan sang châu Âu người ta trồng và lấy quả làm thuốc. Trước đây, Pháp mua về dùng và bán sang ta, trong khi cây mọc ở nước ta nhưng không dùng. Quả hái về phơi khô là được.

Trong quả thìa là có từ 3-4% tinh dầu . Tinh dầu không màu hay hơi vàng nhạt.

2. Công dụng và liều dùng của thìa là

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, quả thìa là (nhân dân vẫn gọi là hạt thìa là) được dùng làm thuốc kích thích trung tiện, lợi sữa, chữa đau bụng ở trẻ em; dùng dưới hình thức nước cất quả thìa là. Mỗi ngày uống 50 – 100g để giúp tiêu hóa . Hoặc dưới dạng thuốc pha 4 -8g trong 1 lít nước. Nếu dùng tinh dầu thì mỗi ngày 250mg đến 1g, nhỏ vào đường hay nước đường để uống.

Trong công nghiệp hương liệu, quả thìa là được dùng phối hợp với một số quả khác như mùi để làm thơm chè.

Loại rau rất tốt cho huyết áp, tiêu hóa: Người Việt đã ăn từ lâu - Ảnh 2.

Lá thìa là được sử dụng làm rau thơm trong nhiều món ăn của người Việt.

Còn theo Lương y Minh Chánh quả thìa là có 7 công dụng sau:

- Chữa khó tiêu, chướng bụng , nôn mửa, nấc: Dùng 10g quả sắc uống.

- Hỗ trợ chữa tăng huyết áp, xơ vữa động mạch dẫn tới nhức đầu khó ngủ: Quả thìa là 5g giã nhỏ; sắc uống ngày 2 lần; uống liên tục nhiều ngày hỗ trợ làm giảm cholesterol trong máu.

- Chữa viêm thận, sỏi bàng quang, sỏi thận: Giã hạt thìa là 5g hãm như trà; uống 5-6 lần trong ngày.

- Trị ít sữa: Quả thìa là 10g sắc uống hàng ngày.

- Chữa bệnh đường hô hấp: Trong trường hợp cảm lạnh, cúm, hoặc viêm cuống phổi. Dùng khoảng 60g quả chế trong nước sôi, lọc lấy nước hòa với mật ong, chia 3 lần uống trong ngày.

- Chữa rối loạn kinh nguyệt : Thìa là có tác dụng kích thích và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Nó làm giảm đau trong các trường hợp đau bụng kinh ở các thiếu nữ và trong các trường hợp bế kinh gây ra bởi thiếu máu, cảm lạnh hoặc do có thai. Dùng 60g dịch chiết lá thìa là trộn chung với 1 muỗng nước ép rau mùi tây, chia 3 lần uống trong ngày.

- Chữa hơi thở hôi: Nhai quả thìa là mỗi ngày sẽ cải thiện được hơi thở, giúp hơi thở thơm tho hơn.

Loại rau rất tốt cho huyết áp, tiêu hóa: Người Việt đã ăn từ lâu - Ảnh 3.

Quả thìa là là vị thuốc chữa nhiều bệnh.


3. Những người không nên dùng quả thìa là

- Phụ nữ mang thai: Quả thìa là có thể gây sảy thai. Vì vậy tránh dùng quả thìa là như là một loại thuốc trong quá trình mang thai.

- Những người dị ứng với các cây thuộc họ cà rốt: Thìa là có thể gây ra các triệu chứng dị ứng ở những người quá mẫn cảm với các loại cây thuộc họ cà rốt. Một vài trong số này bao gồm cần tây, rau mùi.

- Người bệnh đái tháo đường: Chiết xuất thìa là có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Vì vậy đối với người bệnh đái tháo đường không nên sử dụng chiết xuất thìa là với lượng lớn hơn lượng thường có trong thực phẩm.

- Người chuẩn bị phẫu thuật: Chiết xuất thìa là có thể làm giảm lượng đường trong máu. Có một vấn đề là việc sử dụng chiết xuất thìa là có thể cản trở việc kiểm soát lượng đường trong máu trong và sau khi phẫu thuật. Vì vậy những người chuẩn bị phẫu thuật nên ngừng sử dụng chiết xuất từ quả thìa là ít nhất 2 tuần ngay trước lịch phẫu thuật.

Theo Hải Long

Sức khỏe và đời sống

Từ Khóa:
Trở lên trên