MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạn thị trường cây giống hồ tiêu, nhà vườn không biết tin ai

25-08-2017 - 22:00 PM | Thị trường

Mặc dù người bán hàng "hứa đứt lưỡi" giống của mình đạt tiêu chuẩn, được kiểm định và chứng nhận rõ ràng, giống sẽ cho năng suất cao nếu trồng đúng quy trình…Nhưng...

Nhưng sự thật vẫn chưa có bất kỳ cơ quan nào dám khẳng định giống tiêu đang bán tràn lan ngoài thị trường ở Chư Sê (Gia Lai) là giống chuẩn.

Giống tiêu bán tràn lan

Mùa này ở Tây Nguyên, việc trồng mới hồ tiêu đã đi vào cuối vụ, người mua thưa thớt. Thế nhưng, người dân vẫn cứ bàn tán xôn xao rằng tiêu năm nay xuống giá, giá con giống cũng theo đó hạ nhiệt, giống tiêu sẻ Vĩnh Linh hay Lộc Ninh chỉ còn dao động 7- 8 ngàn đồng một dây, quá rẻ cho việc chọn giống xuống đồng. Nếu tiêu chết thì cũng không lỗ bao nhiêu.

Một chợ di động bán cây giống hồ tiêu

Một "chợ di động" bán cây giống hồ tiêu

Theo đó, thị trường tiêu giống vẫn cứ nóng sốt. Dọc quốc lộ 14, khu vực qua thị trấn Chư Sê, Chư Pưh, rất dễ bắt gặp những “chợ” tiêu giống “di động”. Hỏi thăm về các loại giống, người bán nhiệt tình giới thiệu cho khách hàng loạt cây giống các loại từ nội địa như Lộc Ninh, Vĩnh Linh cho đến “ngoại nhập” từ Sri Lanka, Malaysia…

Anh Cường (Chư Sê)- một thương lái tiêu giống, cho biết anh nhờ một người bà con ở Bình Phước tuyển chọn các dây tiêu từ các vườn tiêu trên địa bàn Bình Phước rồi cắt, gửi về Chư Sê bằng xe đò cho anh bán. Hằng ngày, gia đình anh nhập khoảng 3.000 dây tiêu các loại. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn đến tại vườn để trực tiếp xem chất lượng giống tiêu, được thì mới mua, anh Cường tỏ vẻ khó chịu: “Anh mà lên đó mua sẽ tốn tiền xe, tiền cước, tiền cò. Mua ở chỗ tôi cho ngon hơn”.

Nhiều người bán tiêu tại “chợ” tiêu này, khi được hỏi cũng nói họ nhập tiêu giống từ Bình Phước với phương thức nhờ người bà con chọn cắt tiêu giống từ vườn rồi gửi xe về. Giống tiêu họ chào mời là những dây tiêu to, khỏe vì theo “kinh nghiệm” thì họ cho rằng những loại này có sức đề kháng mạnh….

Một điểm bán dây tiêu giống khác của anh Nguyễn Hoàng Sơn (35 tuổi, trú Bù Đăng, Bình Phước). Theo anh Sơn thì bản thân anh có kinh nghiệm 5 năm buôn bán giống và đã 10 năm trồng trọt các loại giống nhằm thử nghiệm chất lượng với hơn 2.500 trụ tiêu, hiện đã cho thu hoạch.

Anh Sơn nói: “Năm nay tiêu mất giá, thị trường tiêu giống chậm hơn những năm trước nên tôi mới phải tìm kiếm thị trường để bán giống, Chư Sê được biết đến là thủ phủ hồ tiêu của cả nước nên tôi mới phải lặn lội lên đây. Giống tiêu được bán chủ yếu là Vĩnh Linh, Lộc Ninh và một ít giống Srilanka được nhập về từ... Campuchia, thông qua cửa khẩu Hoa Lư.

Nguồn giống năm nay khá dồi dào, giá cả lại rẻ, với các hộ khác thì tôi không biết nhưng với tôi, những ngày cao điểm có thể bán được 2.000- 3.000 dây giống các loại. Tôi sẵn sang làm hợp đồng với nông dân, đảm bảo kỹ thuật đến khi tiêu lên sải tay mới nhận tiền".

Người mua nên tỉnh táo

Đó là khuyến cáo của các nhà chuyên môn, của những người có kinh nghiệm trồng hồ tiêu lâu năm ở Tây Nguyên.

Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Chư Sê- ông Nguyễn Văn Thương, cho biết, việc mua bán giống tiêu là do nhu cầu của thị trường nên không cấm được. Tuy nhiên, về nguồn gốc cây giống thì phần lớn cũng chưa được xác định rõ ràng vì thực ra giống tiêu không chỉ được lấy từ Bình Phước mà còn từ các tỉnh khác như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông,…

Thông qua các đợt kiểm tra, rà soát về nguồn gốc, chất lượng tại những điểm bán tiêu giống bày bán giữa đường, giữa chợ, các hộ thương lái đa phần không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ giống tiêu mình đang bán. Họ cứ nói bừa là tiêu đảm bảo chất lượng nhưng không ai chứng minh được.

Vài năm trước đây, khi giá tiêu lên đến đỉnh điểm, người dân đổ xô đi trồng. Do vậy nguồn cung thiếu, một vài người bán lại dùng cách cắt giống tiêu nhà, mang ra tiêu thụ vào các đợt cao điểm.

Phần lớn các sản phẩm này là giống tiêu ác, sản phẩm không được đảm bảo chất lượng, thậm chí mầm mống sâu bệnh ẩn chứa bên trong, người dân mua bán bằng niềm tin, bằng cảm quan một cách tự phát. Đến khi mang về trồng, phần thì chết, phần lại nhiễm bệnh, dân không biết kêu ai, có người phải bán nhà, bán đất vì nợ nần đổ vỡ.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), cho biết: "Hiện chưa có bộ tiêu chuẩn về giống nên dù tiêu giống bán tràn lan trên đường nhưng cơ quan chức năng không làm gì được".

Còn ông Nguyễn Văn Thương thì không khỏi lo ngại khi bày tỏ: “Nhận biết tình hình trên, Phòng NN- PTNT Chư Sê đã nhiều lần khuyến cáo người dân phải sáng suốt trong quá trình chọn cây giống. Nếu có thể, bà con nên tự mình đến tận vườn để xem xét, tuyển chọn giống cung ứng chuẩn để mua, cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc của nhà vườn để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ông Ngọc khuyến cáo: "Bà con cũng nên tham gia các buổi tập huấn do các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp tổ chức, nhằm học hỏi những khuyến cáo và những kinh nghiệm thực tiễn từ những người thành công, tránh việc trồng trọt theo cảm tính, chạy đua gây ảnh hưởng đến tài sản… Nếu mua giống tại các vườn ươm thì chọn các vườn ươm có uy tín hoặc nên đến tận vườn để xem xét, để tránh rủi ro mua phải giống tiêu bệnh, kém chất lượng”.

Theo Lam Giang - Kim Sơ - Ngọc Khanh

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên