MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạn thị trường nước uống đóng chai: "Vàng thau lẫn lộn"

31-12-2018 - 08:15 AM | Thị trường

Nước uống đóng chai trở thành nhu yếu phẩm đối với người tiêu dùng bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, giữa một “rừng” nhãn hiệu, cơ sở sản xuất nước đóng chai, thật khó để nhận biết đâu là sản phẩm an toàn, không gây hại cho sức khỏe.

Theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường hiện nay có không ít các loại nước đóng chai với đủ chủng loại, mẫu mã phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tại các cửa hàng tạp hóa, chợ, cổng bệnh viện, bến xe,... có thể thấy bên cạnh các sản phẩm nước đóng chai uy tín có thương hiệu lâu năm như Lavie, AquaFina, Coca cola, Miru… xuất hiện không ít sản phẩm nước đóng chai của các cơ sở tư nhân hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hầu hết các sản phẩm này đều ăn theo tên của những sản phẩm, thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng. Nếu chỉ nhìn qua, khách hàng rất có thể nhầm lẫn bởi có rất nhiều điểm giống nhau về màu sắc, hình ảnh in trên bao bì,cùng kích cỡ, dung tích, màu sắc,...

Giá của nước uống đóng chai trên thị trường hiện nay chênh lệch khá nhiều. Các nhãn hiệu có uy tín như Lavie, Vital, Miru, Kim Bôi… thường có giá ổn định. Cùng loại 19 lít nước khoáng, trong khi Lavie, Proh2o có giá bán 55.000 đồng/bình; Kim Bôi có giá thành khoảng 50.000 đồng/bình thì Vinawa có giá 35.000 đồng/bình, Fresh được bán với giá 15.000 đồng/bình, Milowa 20.000 đồng/bình. Các loại nước khác cũng có giá dao động từ 15.000-50.000 đồng/bình khi giao tận nhà. Với mức giá chênh lệch lớn như trên, nhiều người tiêu dùng tiết kiệm sẽ chọn ngay sản phẩm rẻ tiền mà không cần đắn đo.

Khi tung sản phẩm ra thị trường, cơ sở nước uống nào cũng quảng cáo rằng sản phẩm được sản xuất theo quy trình tiên tiến, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoại trừ những loại nước uống đã khẳng định thương hiệu trên toàn quốc, được sản xuất và đóng chai trên công nghệ hiện đại, đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế thì phần lớn các loại nước khác đều được sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và khó có thể kiếm chứng chất lượng.

Không chỉ với mặt hàng nước tinh khiết, các loại nước tăng lực, nước ngọt cũng xuất hiện hiện tượng làm “nhái” thành các sản phẩm như Red star, Red Domino, O2,..

Chị Hương (Thanh Xuân) cho biết, "lần trước vào viện chăm người ốm, tôi ra ngoài cổng mua mấy lon nước tăng lực, nhìn màu sắc, mẫu mã giống như những lon nước hay mua nên tôi cũng không để ý. Tuy nhiên, khi mở ra và sử dụng thấy vị lạ, đọc kỹ tên sản phẩm mới phát hiện ra là mình mua nhầm".

Thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn còn có thái độ chủ quan, thiếu hiểu biết đối với hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là ở khu vực nông nông, miền núi, sinh viên, người lao động phổ thông...khi mua sản phẩm họ thường có tâm lý chung là lựa chọn giá thành rẻ hợp với túi tiền để sử dụng chứ không quan tâm đến thương hiệu, xuất xứ hàng hóa.

Trong khi thị trường nước đóng chai vẫn còn "vàng thau lẫn lộn", người bán lẫn người mua đều lập lờ về sản phẩm mà họ tiêu thụ và người tiêu dùng sẽ là nạn nhân gánh chịu mọi hậu quả khi sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng. Người tiêu dùng nên có kiến thức về hàng giả hàng nhái, khi mua nước uống đóng chai, chỉ nên chọn sản phẩm của những thương hiệu có uy tín, nước phải trong suốt không màu, không rêu cặn, vỏ chai còn mới, không bị trầy xước, được đóng chai, in và dán nhãn mác cẩn thận.

Nhiều chuyên gia cho biết, để xác định nước có nhiễm bẩn hay không, thường dựa trên các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và độc chất - kim loại nặng. Các chỉ tiêu lý hóa thông thường như màu, độ dẫn, kiềm Mg, Ca…, chỉ tiêu kim loại nặng hoặc chỉ tiêu vi sinh như E. Coli, Clostridium perfringens,… nếu những chỉ tiêu này vượt mức cho phép sẽ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khi uống trực tiếp những loại nước đóng bình kém chất lượng người dùng sẽ nhiễm các kim loại nặng, vi sinh vật, thậm chí là có cả những sinh vật mủ xanh (loại vi khuẩn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người như viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng máu… ). Những loại chai nhựa, bình nhựa kém chất lượng khi đựng nước cũng sẽ rất gây hại.

Trước đó, theo báo An ninh thủ đô đưa tin, ngày 2712, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đã tiến hành kiểm tra khẩn tại cơ sở sản xuất nước uống đóng bình nhãn hiệu Việt Xưa – loại nước đang được sử dụng tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) bị phát hiện nhiễm trực khuẩn mủ xanh.

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, chiều cùng ngày (27-12), Chi cục ATVSTP Hà Nội phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của quận Hoàng Mai đã khẩn trương đến tận công ty cung cấp nước này để kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện sản xuất, nguồn nước đầu vào và lấy mẫu nước của công ty để xét nghiệm.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cũng cho biết, Chi cục đã đề nghị UBND quận Hoàng Mai yêu cầu toàn bộ trường học trên địa bàn quận tạm dừng sử dụng nước uống đóng bình Việt Xưa, loại nước có mẫu bị phát hiện nhiễm khuẩn mủ xanh độc hại.

Công ty sản xuất nước nhãn hiệu Việt Xưa có địa chỉ tại Ba Vì, Hà Nội. Trước khi đưa vào sử dụng tại một số trường học trên địa bàn, loại nước này đã được UBND quận Hoàng Mai thẩm định.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên