Loạn thị trường yến
Việt Nam hướng tới xuất khẩu 300 triệu USD sản phẩm yến vào năm 2030...
- 29-09-2016Hạt nhựa biến thành… tổ yến
- 08-04-2016Coi chừng mắc bẫy với tổ yến giả
- 22-09-2014Giá tổ yến nhập khẩu thấp đáng ngờ
Việt Nam là số ít quốc gia khai thác nguồn lợi từ yến. Ngoài khai thác tổ yến tự nhiên ở các đảo, Việt Nam còn tổ chức nuôi yến. Cả nước hiện có 36 tỉnh, thành nuôi yến với khoảng 5.000 nhà yến, tổng đàn ước khoảng 6 triệu con.
Yến là loài chim biển hoang dã chỉ có ở Đông Nam Á. Tổ yến là sản phẩm cao cấp không chỉ được chế biến thành thực phẩm bổ sung sức khoẻ mà còn được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm.
“Kinh đô” yến Việt Nam là Khánh Hoà nơi hiện có trên 90 nhà nuôi yến. Một số nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan,... cũng tổ chức khai thác yến tự nhiên và nuôi yến.
Nhà nhà nuôi yến
Nghịch lý là, chất lượng tổ yến Việt Nam được đánh giá rất cao nhưng sản lượng khai thác yến thì lại thấp hơn các nước rất nhiều. Sản lượng tổ yến khai thác được của Việt Nam chỉ khoảng 10 tấn/năm. Các quốc gia quanh Việt Nam, như Indonesia là 100 tấn/năm, Malaysia là 70 tấn/năm, Thái Lan là 60 tấn/năm,...
Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế khai thác yến với chiều dài bờ biển trên 4.000km và hàng trăm đảo lớn nhỏ có yến sinh sống.
Không chăn nuôi con gì nhàn hạ và khỏi tốn chi phí thức ăn, chăm sóc mà thu nhập lại rất cao như nuôi yến. Thức ăn của yến là côn trùng ngoài tự nhiên, chỉ cần xây nhà đúng kỹ thuật và dẫn dụ yến vào nuôi rồi thu hoạch tổ yến. Giá trị tổ yến rất cao, hàng chục triệu đồng/kg nên nếu nuôi yến “gặp thời” thì bỗng chốc thành tỷ phú.
Từ 3 năm nay, phong trào xây nhà nuôi yến nở rộ khắp nơi, không chỉ ở các tỉnh ven biển mà tại các tỉnh nằm sâu trong nội địa như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An,... của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đổ xô xây nhà nuôi yến. Phong trào nuôi yến còn lan ra phía Bắc. Tuy nhiên, nuôi yến ở miền Bắc gặp trở ngại mùa đông, những đợt rét đậm rét hại yến không ra khỏi nhà kiếm ăn được chết hàng loạt vì đói.
Nghề nuôi tự phát, tăng nhanh chóng mặt. Năm 2013 cả nước chỉ có 2.000 nhà nuôi yến thì cuối năm 2016 đã tăng lên 5.000 nhà yến, không kể những nhà yến “cô đơn” lọt thỏm trong các khu dân cư. Việc ngành nông nghiệp thả nổi nghề nuôi yến đã tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh trên yến, nhất là cúm gia cầm và gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, thách thức công tác bảo vệ môi trường, an toàn sinh học, tiếng ồn (âm thanh gọi yến) và kiểm soát dịch bệnh. Hiện cả nước mới chỉ có 6/36 tỉnh, thành có qui hoạch và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi yến.
Thả nổi thị trường
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 35 quy định tạm thời việc quản lý nuôi yến giúp dẫn dụ, khai thác sản phẩm yến bền vững đồng thời giúp cơ quan quản lý quy hoạch, quản lý cơ sở kinh doanh yến.
Thông tư 35 chỉ quy định trên giấy tạm thời việc nuôi yến, chứ không triển khai đi vào thực tiễn nuôi yến đến từng hộ, không có chính sách hỗ trợ cụ thể nào để thúc đẩy nghề nuôi yến phát triển bền vững. Việc chế biến, kinh doanh sản phẩm yến được thả nổi để mặc cho thị trường yến náo loạn như chỗ không người.
Tổ yến không chỉ làm thực dưỡng mà còn được làm nguyên liệu trong sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm. Sản phẩm yến được chia làm 2 loại, loại chất lượng cao có giá 1.300 - 1.500 USD/kg và loại chất lượng thấp giá chỉ 230 - 250 USD/kg. Yến chất lượng cao của các nước khai thác yến hầu hết được xuất khẩu vào Trung Quốc. Yến chất lượng kém chủ yếu được xuất vào... Việt Nam!
Kim ngạch thương mại sản phẩm yến toàn cầu khoảng 6 tỷ USD/năm, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm phần lớn. Từ Trung Quốc, tổ yến thô được “hoá kiếp” vào thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm tung ra thị trường nội địa và xuất sang nước thứ 3.
Kể từ sau năm 2011, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu yến, kiểm tra gắt gao chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm mới cho thông quan. Yến kém chất lượng không vào thị trường này được.
Tại các nước xuất khẩu yến có số đông người Hồi giáo và người Thái chính gốc cũng không sử dụng sản phẩm có thành phần tổ yến nên loại yến đạt kém chất lượng được xuất chủ yếu vào Việt Nam. Yến “dạt” nhập vào Việt Nam từ tiểu ngạch đến “xách tay” với nhiều bậc chất lượng. Hàm lượng đạm của yến đạt dưới 30%, thậm chí chỉ 10% nếu tại nơi khai thác xử lý, bảo quản không đúng cách.
Tất cả yến dạt vào Việt Nam đều đổ dồn về Tp.HCM rồi “chạy” vào các cơ sở, công ty chế biến, sau đó “hoá kiếp” rồi đóng gói mang nhãn mác yến sào cao cấp “Made in Vietnam”! Nhìn bằng mắt thường không ai biết đó là yến chất lượng kém được nhập khẩu. Mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 20 tấn yến dạt, trị giá 4,5 - 5 triệu USD và đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm đã “hoá kiếp”.
Việc nhập khẩu yến chính ngạch cũng lãi to, bởi theo Hiệp định thương mại trong khối ASEAN, thuế suất mặt hàng này bằng 0%, thuế VAT cũng rất thấp. Trong khi đó, theo các chuyên gia, tổ yến dù chứa nguồn dinh dưỡng cao nhưng yến dạt ngoài chất lượng kém còn là môi trường phát triển của nhiều loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh có thể lây lan trong cộng đồng.
Được biết, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã giao Cục Chăn nuôi phối hợp Hiệp hội Yến sào Việt Nam và các doanh nghiệp tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý ngành yến ở nước ngoài, nhất là Malaysia được xem là hoàn thiện nhất. Tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm rạch ròi, làm tốt khâu kiểm định, áp dụng khoa học kỹ thuật ấp nở tạo giống mới bổ sung đàn, xây dựng chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm yến.
Đây là một tin vui cho ngành yến nước nhà. Tuy nhiên, từ “loạn thị trường”, đi vào luật đến triển khai thực tế là một quãng thời gian dài và chưa biết sẽ được triển khai như thế nào, có “đánh trống bỏ dùi” không? Bởi theo các chuyên gia, nếu có chính sách và tổ chức sản xuất kinh doanh yến tốt thì đến năm 2020, Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm yến và đến sau năm 2030 xuất khẩu yến có thể đem về 300 triệu USD/năm.
Vneconomy