Loạng choạng trên "sợi dây địa chính trị", HSBC tiến thoái lưỡng nan giữa căng thẳng Đông - Tây
Hình ảnh trung lập và rất cẩn trọng mà HSBC đã duy trì suốt hơn 1 thế kỷ đã bị sứt mẻ ít nhiều, xóa tan bao nỗ lực vượt bậc để duy trì mối quan hệ cân bằng với các chính phủ ở cả phương Đông và phương Tây.
- 18-02-2020HSBC dự kiến cắt giảm 35.000 nhân sự do tái cấu trúc hoạt động
- 10-02-2020HSBC, Standard Chartered và các ngân hàng ở Hồng Kông vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của nCoV
- 13-12-2019HSBC nộp phạt gần 200 triệu USD, chấm dứt kỷ nguyên các ngân hàng Thụy Sĩ giúp nhà giàu trốn thuế
Không hề khoa trương ầm ĩ và cũng không có thông cáo báo chí. Thay vào đó, tuần trước trên tài khoản WeChat của ngân hàng HSBC xuất hiện bức ảnh lãnh đạo cao nhất phụ trách khu vực châu Á ký vào biên bản ủng hộ luật an ninh mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.
Hành động nhỏ này đã phá vỡ hình ảnh trung lập và rất cẩn trọng mà HSBC đã duy trì suốt hơn 1 thế kỷ, xóa tan bao nỗ lực vượt bậc để duy trì mối quan hệ cân bằng với các chính phủ ở cả phương Đông và phương Tây.
Với tổng tài sản 2.700 tỷ USD và 235.000 nhân viên trên khắp 64 quốc gia, HSBC đang đối mặt với một trong những thời kỳ thử thách nhất trong lịch sử 155 năm của mình. Căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc – Anh – Mỹ đang buộc ngân hàng phải chọn đứng về một phe nào đó.
Bên ngoài, quyết định đứng về phía Bắc Kinh của HSBC tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Anh và Mỹ, nơi mà luật an ninh mới được cho là đe dọa mức độ tự chủ của Hồng Kông. Còn bên trong nội bộ ngân hàng, cuộc tranh luận thậm chí còn gay gắt hơn. "Chúng tôi đã mất thăng bằng và ngã nhào khỏi dây. Chúng tôi phá vỡ bản thỏa thuận với Hồng Kông", một cựu lãnh đạo cấp cao của HSBC nói.
Tuy nhiên, Financial Times trích dẫn nguồn tin thân cận cho rằng với những di sản và quy mô hoạt động kinh doanh của HSBC ở Hồng Kông, ngân hàng này "gần như không có lựa chọn nào khác" ngoài ủng hộ Bắc Kinh.
Chủ tịch HSBC, Mark Tuker và CEO Noel Quinn đang phải rất khôn khéo để có thể cân bằng giữa 1 bên là bộ phận châu Á - mảng đóng góp tới 90% lợi nhuận trước thuế, có tham vọng đầu tư hàng trăm tỷ USD vào Trung Quốc đại lục – và 1 bên là bảng cân đối kế toán niêm yết bằng USD và các nhà quản lý nước Anh, nơi ngân hàng đặt trụ sở.
Tệ hơn, luật an ninh mới lại được đưa ra chỉ 2 tháng sau khi HSBC trước những áp lực từ NHTW Anh đã phải đưa ra quyết định đau thương là không chi trả cổ tức lần đầu tiên trong 74 năm.
Các cổ đông nhỏ lẻ ở Hồng Kông, nhóm sở hữu khoảng 1/3 ngân hàng, đã đe dọa sẽ đâm đơn kiện vì thu nhập của họ bị sụt giảm và vụ việc cũng thổi bùng lên cuộc tranh luận về chuyện liệu HSBC có nên chuyển trụ sở từ London về châu Á hay không. Trong khi đó quyết định không trả cổ tức cũng khiến một số giám đốc và thành viên hội đồng quản trị nổi giận. Họ cho rằng số tiền kiếm được ở châu Á đang bị giữ lại một cách miễn cưỡng để hỗ trợ các doanh nghiệp Anh vượt qua khủng hoảng Covid-19.
Tất cả những sự kiện này vạch rõ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ HSBC. Trong 12 tháng qua, giá cổ phiếu HSBC đã giảm hơn 1/3.
Chia sẻ về tình thế hiện nay, 1 giám đốc của HSBC nói: "Điều này vẫn luôn xảy ra và lặp đi lặp lại. Chúng tôi là 1 công ty kinh doanh đa cực, chúng tôi không chọn đứng về bên nào cả, chúng tôi là tổ chức phi chính trị, là khách ở tất cả các quốc gia. Nhưng tính chất phức tạp của HSBC khiến cho chúng tôi bị mắc kẹt nhiều hơn và nghiêm trọng hơn so với bất kỳ ai khác. Chúng tôi vẫn đang cố gắng cân bằng. Một nửa cổ đông là người châu Á nhưng một nửa còn lại vẫn là phương Tây".
HSBC vẫn phải phụ thuộc nhiều vào Hồng Kông. Hơn một nửa lợi nhuận của tập đoàn đến từ thành phố này, và 13% khác đến từ Trung Quốc đại lục. Hơn nữa, tương lai của HSBC sẽ phải phụ thuộc vào châu Á nhiều hơn vì theo kế hoạch tái cấu trúc thì mảng bán lẻ đang thua lỗ ở Mỹ sẽ phải đóng cửa hoặc bị bán đi, trong khi mảng kinh doanh ở châu Âu cũng co cụm.
Một giám đốc khác cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với HSBC không phải là căng thẳng đông – tây mà là "áp lực từ Trung Quốc và sự phản đối từ phía Hồng Kông". "Nếu bạn làm phật lòng Bắc Kinh, tương lai của ngân hàng bị đe dọa, trong khi nếu bạn làm phật lòng Hồng Kông, nơi kiếm tiền chính, thì đó cũng không phải là 1 ý hay".
Không chỉ riêng HSBC, ngân hàng Standard Chartered cũng rơi vào tình trạng tương tự và đã quyết định ủng hộ luật an ninh mới. Jonathan Pierce, chuyên gia phân tích tại Numis (London), nhận định: "Với mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng, các ngân hàng này có nguy cơ trở thành những quả bóng chính trị".
Hôm 9/6, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo chỉ trích HSBC "quỳ gối" trước Bắc Kinh và rằng ví dụ này thể hiện Trung Quốc đang sử dụng "chiến lược bắt nạt cưỡng ép", do đó các doanh nghiệp cần phải tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những nhà đầu tư định chế từ phương Tây – vốn ngày càng quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – cũng bày tỏ sự lo ngại.
Tuy nhiên, một trong những cổ đông lớn nhất của HSBC cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên trước quyết định của ngân hàng. "Sự thật là điều này [Trung Quốc kiểm soát Hồng Kông nhiều hơn] cuối cùng cũng sẽ xảy ra – bây giờ hoặc 27 năm nữa. Sự việc này cũng phản ánh điều đáng buồn là quyền lực của nước Anh đang suy yếu".
Mối quan hệ giữa HSBC và Trung Quốc – vốn ngày càng chịu nhiều áp lực trong mấy năm gần đây - càng trở nên xấu đi sau vụ tranh cãi ngoại giao xung quanh ông lớn viễn thông Huawei. Bắc Kinh đã đổ lỗi cho các lãnh đạo của HSBC cung cấp thông tin cho các nhà hành pháp Mỹ, dẫn đến sự việc giám đốc tài chính của Huawei, Meng Wanzhou, bị bắt ở Canada tháng 12/2018. Đến tháng 1 năm ngoái, lời xin lỗi mà cựu CEO John Flint gửi đến đại sứ quán Trung Quốc ở London đã xoa dịu căng thẳng này. Tuy nhiên, vài tháng sau, tờ Thời báo Hoàn cầu lại đưa tin HSBC có thể bị Trung Quốc đưa vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy" nhằm trả đũa vụ Huawei.
Tham khảo Financial Times