Loạt ảnh và bí mật hiếm hoi về “khách sạn nổi” đầu tiên ở Việt Nam – công trình du lịch có số phận hẩm hiu nhất thế giới
Hiếm ai biết rằng ở Sài Gòn năm xưa từng có một khách sạn nổi lênh đênh trên sông, được đánh giá là một trong những công trình lưu trú vĩ đại và độc đáo nhất trên thế giới.
- 25-07-2020Du lịch nội địa tăng nhưng "có sạn": Vấn nạn chèo kéo khách trở lại, không mua thì bị dọa đánh, "móc túi" ngay giữa ban ngày
- 20-07-2020Loạt lưu ý tối quan trọng bạn cần biết để không rơi vào tình thế khó xử khi đặt phòng khách sạn, có quá nhiều “cạm bẫy” chờ sẵn
- 29-06-2020Khách sạn xa hoa nằm trên đường ray tàu hỏa sắp khai trương vào cuối năm 2020: Có giá tận 11 triệu đồng chỉ cho một đêm!
Sài Gòn xưa quả có biết bao địa điểm thú vị mà cứ mỗi lần nhắc đến, thế hệ đi trước sẽ cảm thấy không khỏi bồi hồi và xúc động, trong khi những người trẻ như chúng ta lại được dịp "mắt tròn mắt dẹt" ngạc nhiên. Điển hình trong số đó chính là Saigon Floating Hotel - khách sạn nổi trên sông đầu tiên của Việt Nam cũng như trên thế giới.
Tọa lạc tại Bến Bạch Đằng (số 1A Mê Linh) ngay bên bờ sông Sài Gòn, Saigon Floating Hotel từ lâu đã là niềm tự hào lớn của người dân Sài Gòn trong những năm 1989 - 1997. Dù có tên chính thức là Khách sạn Sài Gòn (Saigon Hotel), nhiều người vẫn quen gọi nơi đây là "khách sạn nổi", trong khi khách nước ngoài lại sử dụng cái tên "The Floater" mỗi khi nhắc đến tòa nhà 5 tầng nằm bên sông này.
Khách sạn nổi Sài Gòn toạ lạc ở vị trí cực kỳ đắc địa ngay tại bến Bạch Đằng, tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 1989 - 1997. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính)
Trước khi cập bến Sài Gòn, khách sạn nổi được đóng tại Singapore vào năm 1988 bởi Doug Tarca – một thợ lặn người Ý và cũng là kỹ sư thiết kế nên công trình đồ sộ này. Thời điểm đó, khách sạn mang tên The John Brewer Reef Floating Hotel, hoạt động tại rạn san hô Great Barrier ngoài khơi bờ biển Queensland, Australia và thuộc quyền quản lý của tập đoàn khách sạn lừng danh Four Seasons.
Khách sạn này được tạo ra ở Singapore, lần đầu tiên hoạt động đón khách ở Australia với cái tên The John Brewer Reef Floating Hotel vào năm 1988. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính)
Thoạt nhìn, khách sạn này trông chẳng khác nào một con tàu biển khổng lồ đang neo đậu ngoài khơi. Đây được xem là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới có chiều dài 89,2 mét, chiều cao 27,6 mét so với mực nước biển.
The John Brewer Reef Floating Hotel gồm tổng cộng 5 tầng với gần 200 phòng, sức chứa lên đến 356 khách cùng một lúc. Trong đó có 140 phòng đôi, 34 căn suite cực kỳ sang trọng cùng rất nhiều hạng mục đẳng cấp khác như: hồ bơi, câu lạc bộ đêm, quán bar, nhà hàng, sân tennis, sân đỗ trực thăng và đài quan sát dưới nước để ngắm các rạn san hô.
Khách sạn trông chẳng khác nào một con tàu "siêu to khổng lồ" neo đậu giữa chốn thành thị, có gần như đầy đủ mọi tiện nghi đẳng cấp ở thời điểm đó. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính)
Tuy nhiên, số phận của khách sạn này cũng "trôi nổi" và hẩm hiu như chính cái tên của nó. Ngay trong năm đầu ra mắt, The John Brewer Reef Floating Hotel đã bị tấn công bởi một cơn lốc xoáy có tên Cyclone Charlie, gây ra thiệt hại tổng cộng gần 2,3 triệu đô la. Tính đến lúc rời khỏi "quê nhà", khách sạn nổi này đã để lại một khoản lỗ tài chính lớn cho công ty với con số lên đến gần 8 triệu đô la.
Sự cố đó cùng với việc không thu hút được lượng khách du lịch như kỳ vọng khiến công ty sở hữu khách sạn quyết định bán lại nó cho tập đoàn EIE của Nhật Bản. Đây cũng chính là "bước ngoặt" giúp khách sạn nổi này có mặt tại Việt Nam vào năm 1989 với tham vọng sẽ trở thành điểm đến hút khách tại một trong những khu ăn chơi đêm sầm uất nhất Sài Gòn thời điểm đó.
Vị trí của khách sạn nổi Sài Gòn khi nhìn từ trên cao. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính)
Trong nhiều năm liên tiếp, khách sạn này đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các nhà đầu tư và du khách nước ngoài khi đặt chân đến Sài Gòn, đáp ứng tiêu chuẩn 5 sao của một khách sạn quốc tế. Giá phòng thời điểm đó có khi lên đến 335 đô la một đêm và lúc nào cũng gần như kín khách. Ngoài tiện nghi ăn ở, khách sạn nổi Sài Gòn còn mở thêm 2 địa điểm giải trí ban đêm là Downunder Disco và Q Bar cho khách giải trí sau một ngày dài bận rộn.
Ngay khi bước qua chiếc cầu có mái che dẫn từ đất liền tới tòa nhà nổi 6 tầng, du khách sẽ bắt gặp khu vực tiếp tân của khách sạn với những chiếc cầu thang xoắn ốc và lan can xung quanh. Tất cả đều dùng những thanh inox sáng bóng, tạo cho người ta cảm giác như đang được lênh đênh trên một chiếc tàu biển thật sự.
Ảnh chụp khu vực lễ tân, hồ bơi và quầy bar của khách sạn nổi Sài Gòn năm xưa. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính)
Cho đến ngày 1/4/1997, khách sạn nổi Sài Gòn tiếp tục có cuộc hành trình dài trên biển và cuối cùng lại trở về Singapore – nơi nó được tạo ra. Tại đây, nó tiếp tục được bán lại cho Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc với giá 12,7 tỉ won, tương đương khoảng hơn 18 triệu đô la.
Hyundai Asan – một công ty con chuyên về du lịch của tập đoàn Hyundai đã trực tiếp quản lý khách sạn này vàđặt tên mới cho nó là Hotel Haekumgang. Khách sạn nổi Haekumgang được đặt tại bến cảng Changjon, gần khu nghỉ mát núi Kumgang (Bắc Triều Tiên) với mục đích thu hút du khách quốc tế khi đến đây.
Sau gần 10 năm hoạt động, Hotel Haekumgang tiếp tục phải đóng cửa vào năm 2008. Cho đến nay, vì tình trạng rỉ sét và xuống cấp trầm trọng nên khách sạn đình đám này đã bị bỏ hoang, chấm dứt chuỗi hành trình vượt hơn 14.000 km đường biển đi qua nhiều quốc gia trong hàng thập kỷ của nó. Quả là một khách sạn có số phận "nổi trôi" và hẩm hiu nhất trên thế giới!
Khách sạn Haekumgang lúc còn hoạt động và sau khi đã bị bỏ hoang ở Bắc Triều Tiên. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính)
Đúng như cái tên của nó, đây quả là một khách sạn có số phận "nổi trôi" và hẩm hiu nhất trên thế giới!
Nguồn: Nguyễn Ngọc Chính, Bored Panda
Pháp luật & Bạn đọc