Loạt cá mập, cá voi đua "bơm máu" vào thị trường, "game" vẫn còn nhưng xuống tiền phải "đắn đo 80 lần, chớp mắt 800 lần"
Năm 2022 chắc chắn không dễ ăn như năm ngoái. Trong bất cứ giai đoạn nào của thị trường kể cả giai đoạn xấu nhất luôn có ngành nghề, cổ phiếu đột phá. Để tìm ra nó phải có kỹ năng quan sát tốt dòng tiền di chuyển trên thị trường. Nói cụ thể hơn mỗi khi xuống tiền cần phải đắn đo 80 lần, chớp mắt 800 lần để đảm bảo tốt nhất là đồng tiền của chính mình còn tiền vô thì chỉ cần suy nghĩ 1-2 lần thôi.
VN-Index đang rất cần thêm một liều doping mạnh hơn để bứt phá vượt 1.500 điểm một cách dứt khoát hơn sau khi nhiều lần gây thất vọng, 5 lần 7 lượt đánh mất mốc tâm lý này trong sự nuối tiếc của giới đầu tư.
Loạt cá mập, cá voi đua "bơm máu" vào thị trường chứng khoán
Cuộc đua tăng vốn hàng chục ngàn tỷ của các công ty chứng khoán đang được "đốt nóng" trong năm 2022, giới đầu tư cho rằng "game" vẫn còn khi nguồn vốn chục ngàn tỷ này sẽ chảy vào thị trường thời gian tới.
Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho Công ty Chứng khoán VNDirect được chào bán 782,9 triệu cổ phiếu ra công chúng. Vốn điều lệ VNDirect hiện đạt 4.349 tỷ đồng. Sau đợt phát hành tăng vốn này, vốn điều lệ VNDirect sẽ tăng lên 12.178 tỷ đồng, trở thành một trong những công ty có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Việc tăng vốn sẽ giúp VNDirect gia tăng nguồn lực, cải thiện room cho vay bởi theo quy định hiện hữu, công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay tối đa 2 lần Vốn chủ sở hữu. Số liệu cuối năm 2021 cho biết VNDirect có dư nợ cho vay lên tới 15.474 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay margin là 14.418 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán sẽ được "bơm máu" với lượng tiền lớn sẽ chảy vào thị trường.
Theo một nguồn tin của chúng tôi, một công ty chứng khoán đầu ngành cũng sắp được UBCK chấp thuận cho tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng. Hiện dư nợ margin đến cuối năm 2021 của công ty này đã đạt gần 23.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với dư nợ margin bung ra thị trường sẽ lớn hơn.
Mới đây Công ty Chứng khoán SSI đã công bố một khoản vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng. Đây là hợp đồng hạn mức tín dụng có giá trị lớn nhất của SSI đến thời điểm hiện tại với một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam. Một công ty khác là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (CTS) cũng vừa công bố ký kết khoản vay 100 triệu USD.
Không chỉ các công ty chứng khoán đầu ngành, gần đây một số các công ty chứng khoán tầm trung đã lần lượt công bố tăng vốn khủng, nhiều cái tên rất mới.
Sau khi M&A mua lại 97,42% cổ phần tại Công ty Chứng khoán ASC, VPBank đã quyết định "bơm vốn" khủng cho ASC và chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank. ASC từ công ty chứng khoán vô danh được bơm vốn trở thành một thế lực mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. VPBank Securities sẽ tăng gấp hơn 33 lần, từ gần 269 tỷ đồng lên mức 8.920 tỷ đồng. Điều này còn đồng nghĩa với việc công ty chứng khoán này sẽ lập tức trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ hàng đầu trong ngành.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đang có kế hoạch phát hành thêm là 300 triệu cổ phiếu thông, vốn điều lệ của TPS sẽ tăng 2,5 lần lên 5.000 tỷ đồng.
Một dấu hiệu rõ nét cho thấy một số công ty chứng khoán có các ngân hàng tư nhân "chống lưng" sẽ có nguồn vốn dồi dào hơn.
Ngoài ra, hàng loạt các công ty chứng khoán khác cũng lần lượt công bố tăng vốn năm 2022 như: SHS tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng, DNSE tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, VIG cũng tăng vốn lên 700 tỷ đồng, VIX...
Nhu cầu tăng vốn của các công ty chứng khoán đã được dự báo trước bởi lượng cho vay margin đã chạm trần của nhiều công ty chứng khoán. Theo thống kê, dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán vào cuối năm 2021 lên tới gần 200.000 tỷ đồng. Đây gần như là mức trần cao nhất, nhiều công ty đã chạm giới hạn cho vay. Do đó việc tăng vốn là chuyện sớm muộn phải làm.
Hai năm qua thị trường có xu hướng đi lên, các công ty chứng khoán có doanh thu và lợi nhuận tăng rất mạnh, đây là điều kiện thuận lợi cho mỗi đợt phát hành thêm tăng vốn nên các công ty chứng khoán đã chớp thời cơ rất nhanh. Đồng thời, lượng vốn tăng thêm này lại quay lại bổ sung vào thị trường, nới trần margin lên tầm cao mới. Thị trường chứng khoán có thêm nguồn vốn là "động lực" để đi lên.
Không chỉ các "cá mập" trong nước bơm tiền vào thị trường. Các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt dòng tiền từ Đài Loan (Trung Quốc) đang rất kỳ vọng vào chứng khoán Việt Nam.
Theo thông tin mới nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị chào đón thêm một quỹ đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là quỹ Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV Fund). JSV Fund đã tiến hành IPO từ ngày 10/1/2022 với số vốn huy động ước tính khoảng 6 tỷ Đài tệ (tương ứng 5.000 tỷ đồng). Quỹ chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán vào ngày 26/1/2022. VinaCapital là bên tư vấn.
JSV Fund đánh giá thị trường Việt Nam đang trở thành "ngôi sao mới ở châu Á" với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Tốc độ tăng trưởng EPS của Việt Nam vào năm 2022 ước tính đạt 23,4% và tỷ lệ P/E ước tính bằng 16,8 lần - mức định giá hấp dẫn nhất so với các nước châu Á nói chung.
Các cá mập, cá voi liên tục bơm vốn vào thị trường, "game" vẫn còn? Ảnh minh hạo
"Game" vẫn còn, tiền vẫn bơm vào thị trường nhưng thanh khoản tháng 2 thấp nhất 4 tháng qua
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment cho rằng việc tăng vốn, bơm tiền vào thị trường thoạt nghe có vẻ tốt nhưng thanh khoản thị trường trong tháng này lại thấp nhất trong 4 tháng gần nhất. Nhà đầu tư rõ ràng đang băn khoăn bởi nhiều yếu tố mới trong năm nay khi Covid-19 vẫn dai dẳng, lo sợ lãi suất tăng và cuộc chiến Nga-Ukraine…Bên cạnh đó sự không chắc chắn của các nhóm nhà đầu tư quan trọng khác như nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2 năm liên tiếp với mức độ cao hàng đầu lịch sử. Dù tác động của họ không còn lớn nhưng có thêm sự tham gia bán của các nhà đầu tư tổ chức trong nước từ cuối năm trước.
Ngoài ra cần lưu ý các công ty chứng khoán tăng vốn phục vụ lớn nhất cho margin thị trường vốn đã "căng đét" và margin thì chỉ có nhà đầu tư cá nhân là đối tượng sử dụng chính. Dù nhóm này là bệ đỡ mạnh nhất cho thị trường trong 2 năm vừa qua, việc "tiếp máu" cho thấy sự hỗ trợ càng lớn hơn. Tuy vậy cần lưu ý số lượng mở tài khoản hàng tháng đang có dấu hiệu giảm đi, thanh khoản giảm cũng như cú sụp của các cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu họ FLC trong giai đoạn đầu năm đã khiến bao nhà đầu tư mất sạch thành quả cả năm trước đã là sự cảnh báo cho nhà đầu tư cần thận trọng hơn.
"Nói như vậy không có nghĩa nhà đầu tư không nên đầu tư mà nên thận trọng hơn trong năm 2022 chắc chắn không dễ ăn như năm ngoái. Trong bất cứ giai đoạn nào của thị trường kể cả giai đoạn xấu nhất luôn có ngành nghề, cổ phiếu đột phá. Để tìm ra nó phải có kỹ năng quan sát tốt dòng tiền di chuyển trên thị trường. Nói cụ thể hơn mỗi khi xuống tiền cần phải đắn đo 80 lần, chớp mắt 800 lần để đảm bảo tốt nhất là đồng tiền của chính mình còn tiền vô thì chỉ cần suy nghĩ 1-2 lần thôi. Trong ngắn hạn nhà đầu tư có thể không cần quá lo lắng về thị trường khi thị trường vẫn còn được hưởng lợi bởi đà tăng 2 năm qua. Tuy nhiên từ trung hạn trở lên khi chính sách và những yếu tố cơ bản đang thay đổi đồng thời luôn có độ trễ sẽ ngăn cản bớt đà tăng của thị trường. Nếu không ảnh hưởng quá tiêu cực thì mức độ tăng của các chỉ số sẽ khó có đà tăng tốt như năm ngoái khi VN-Index tăng gần 36%, HNX-Index tới khoảng 120%", ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Ông Nguyễn Duy Anh - CEO Công ty cổ phần Đầu tư AF1 cho rằng, năm 2021 nhiều doanh nghiệp tranh thủ thời điểm đẹp để tăng vốn, phát hành thêm nên rõ ràng quy mô vốn hỗ trợ đòn bẩy hiện nay của các công ty chứng khoán,quỹ đầu tư bắt đầu có dấu hiệu khan nguồn vào nhiều thời điểm trong nửa cuối năm qua. Việc tăng vốn này để đáp ứng nhu cầu thị trường là điều nên làm và chắc chắn phải làm. Điều này mang ý nghĩa tích cực cho thị trường.
"Giai đoạn tích lũy thường khối lượng giao dịch sẽ không lớn, đặc điểm của giai đoạn này là thị trường đi ngang, thanh khoản vừa phải biên độ nhỏ, thỉnh thoảng có một "cú giật" mạnh và hồi phục ngay. Lý do thanh khoản giảm một phần lớn vì biên độ nhỏ nên các nhà đầu tư khó lướt sóng ngay trong phiên. Bản chất các phiên 30.000 – 40.000 tỷ tôi cho rằng dòng tiền mua bán trong phiên chiếm một trọng số lớn", ông Duy Anh nói.
Ông Tô Quốc Bảo – Trưởng nhóm Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định trong ngắn hạn việc tăng vốn hàng loạt của các công ty chứng khoán sẽ ít có tác động lên thị trường chứng khoán nói chung khi mà thanh khoản hiện nay trên thị trường đang được duy trì ở trang thái trung bình thấp so với giai đoạn tăng nóng trước đó. Dòng tiền tới từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang có xu hướng cẩn trọng hơn trước các diễn biến bất ổn về địa chính trị trên thế giới cũng như lo ngại về rủi ro lạm phát và kế hoạch tăng lãi suất đến từ FED.
Tuy nhiên trong dài hạn đây vẫn sẽ là nền tảng vững chắc quan trọng cho thị trường tài sản rủi ro khi mà xu hướng đầu tư dần phổ biến hơn trong xã hội. Việc các nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn cũng như dễ dàng tiếp cận các nguồn tiền lớn hơn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thị trường chứng khoán.