MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt câu hỏi của các Tập đoàn lớn Nhật Bản và đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đưa Nhật Bản quay trở lại là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam

"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để tận dụng những lợi thế từ hai hiệp định CPTPP và EVFTA, đưa Nhật Bản quay trở lại là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong thời gian tới", Thủ tướng nói tại buổi gặp gỡ các tập đoàn hàng đầu nước này.

Sáng 28/6, trước khi tham gia vào các hoạt động chính của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka (Nhật Bản), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng một số bộ trưởng đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với 30 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng đã chia sẻ một số nét lớn về kinh tế Việt Nam, về vấn đề chuyển đổi số quốc gia.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắc đến việc EU và Việt Nam sắp ký kết hiệp định EVFTA vào ngày 30/6 tới. Như vậy, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tư do ưu đãi cao với 55 đối tác, bao gồm các nước G7, 15 nước thuộc nhóm G20. 

Hiệp định CPTPP và EVFTA được dự đoán sẽ mang lại những lợi ích hai chiều lớn cho Việt Nam và Nhật Bản. CPTPP sẽ cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào thị trường mua sắm chính phủ đang phát triển rất nhanh của Việt Nam. 

Mặt khác, các ngành dịch vụ vốn là thế mạnh của Nhật Bản như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, logistics, kế toán, thiết kế đồ họa cũng sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Còn Hiệp định EVFTA sẽ là sự bảo đảm cho một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn đối với các nhà đầu tư EU nói riêng và toàn cầu nói chung, trong đó có Nhật Bản.

Thủ tướng nhận định CPTPP và EVFTA sẽ củng cố vai trò của Việt Nam như cứ điểm sản xuất, xuất khẩu, hướng đến thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Công nghệ chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao…

"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để tận dụng những lợi thế từ hai hiệp định này, đưa Nhật Bản quay trở lại là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong thời gian tới", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, ông cho biết Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp luật và môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Hàng loạt câu hỏi về nhân sự công nghệ thông tin 

Mối quan tâm được các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản đặt ra là vấn đề nhân lực khi họ có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Naoyoshi Takatsuna, CEO, Phó Chủ tịch Tập đoàn Fujitsu, ngành công nghệ thông tin (CNTT) luôn có sự thay đổi mạnh mẽ, cần có nguồn nhân lực sắc bén, thích ứng nhanh. Do vậy, việc phát triển, bồi dưỡng nhân lực CNTT là không thể thiếu đối với xây dựng hạ tầng xã hội ở Việt Nam.

"Chúng tôi mong cung cấp nguồn nhân lực IT sẽ ổn định, có chất lượng", ông nói và cho biết ông đã nhận được báo cáo cho thấy tình trạng thiếu nhân lực IT tại Việt Nam. Ông cũng đề nghị Thủ tướng Phúc chia sẻ định hướng phát triển nguồn nhân lực này.

Trả lời đại diện Fujitsu, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã xác định nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của ngành CNTT nói riêng. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực số, phấn đấu có 1 triệu nhân lực số trình độ cao giai đoạn 2020-2025.

Việt Nam đã có nhiều chiến lược, chương trình phát triển nhân lực CNTT với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho khu vực và thế giới.

Trong thời gian tới, chiến lược phát triển nhân lực CNTT Việt Nam sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT các lĩnh vực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo sự bứt phá đối với ngành CNTT Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Việt Nam cũng nghiên cứu, cập nhật các tiêu chuẩn về nhân lực CNTT nhằm đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp và các chuẩn quốc tế.

Ông Hironobu Nishikori CEO của Toshiba cho biết Tập đoàn coi Việt Nam là một trong những cứ điểm quan trọng trong phát triển CNTT. Ông đặt câu hỏi với Thủ tướng về kế hoạch đào tạo 1 triệu nhân lực IT.

"Không biết Việt Nam có chiến lược hợp tác giữa Chính phủ-Doanh nghiệp-Giới học thuật trong việc tăng cường và đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực IT hay không?", ông hỏi.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng việc hợp tác giữa Chính phủ - Doanh nghiệp - Giới học thuật trong việc tăng cường và đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực CNTT, coi đây là một trong những giải pháp chủ chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, kịp thời đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi mới của ngành công nghiệp CNTT, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Watanebe, CEO Cấp cao Tập đoàn Nidec, kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1998, cho biết, Tập đoàn có kế hoạch "rót" vốn đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ông cho biết kinh doanh có tốc độ phát triển nhanh và thời gian là vàng nhưng, việc xin giấy phép xây dựng còn mất thời gian hơn dự kiến. "Chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam cải thiện quy trình cấp phép để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài", ông nói. Ngoài ra, tương tự các Tập đoàn khác, ông đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực.

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì nghiên cứu, rà soát và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quy trình cấp phép xây dựng theo hướng đơn giản hóa hồ sơ cấp giấy phép xây dựng đối với một số loại công trình, giảm thời gian thực hiện đối với các thủ tục thẩm định…

"Chúng tôi luôn lắng nghe, sửa chữa, hoàn thiện các loại thủ tục để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư", Thủ tướng nói và mong muốn Nidec đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghệ cao mà Việt Nam có ưu đãi rất lớn.

Đại diện Tập đoàn Yamaha bày tỏ mong muốn hợp tác với phía Việt Nam trong giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông. Tập đoàn này mong Việt Nam có chính sách hợp lý dựa trên nhận thức xe máy là một phương tiện đi lại quan trọng của người dân thay vì cấm xe máy đi vào trung tâm các đô thị lớn.

Thủ tướng hoan nghênh sự hợp tác của Nhật Bản trong xử lý vấn đề này, nhất là khi Việt Nam gặp tình trạng quá tải về giao thông, lượng xe máy quá nhiều. Việt Nam - Nhật Bản hợp tác giải quyết vấn đề này bằng phương thức, cách làm mới từ kinh nghiệm Nhật Bản là rất quan trọng. Đây cũng là vấn đề Việt Nam quan tâm.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng hoan nghênh ý kiến của đại điện Tập đoàn AEON về đưa nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư Nhật Bản, quốc gia công nghiệp phát triển cao có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp là những nhà đầu tư lớn có tiềm lực mạnh, có công nghệ tiên tiến và quản lý trình độ cao.

T.Công

Theo VGP

Trở lên trên