Tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một nghiêm trọng tại Hà Nội, đặc biệt tại một số quận đang phát triển đô thị nhanh và là cửa ngõ vào trung tâm Thủ đô. Nguyên nhân một phần bởi tình trạng quy hoạch bị "băm nát", với hàng loạt tòa nhà chung cư cao tầng nhồi nhét cùng mật độ dày đặc.
Trước đó, vào đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Thực hiện chủ trương trên, năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành và đã tổ chức phân nhóm tiêu chí và thứ tự di dời.
Một trong các mục tiêu của việc di dời là giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội. Theo lộ trình là vậy nhưng trên thực tế, hiện nay trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất không di dời. Còn những trường hợp đã di dời hầu hết đất vàng để lại đều được các doanh nghiệp bất động sản lớn thâu tóm, thế vào đó là các tòa cao ốc, khu đô thị, nhà ở thương mại bán với giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
Thực trạng này cho thấy, quy hoạch đô thị tại Hà Nội đã và đang bộc lộ những bất cập, thiếu đồng bộ giữa việc phát triển khu đô thị và hạ tầng giao thông. Thực trạng dễ thấy nhất là nhiều tuyến đường đang bị "bóp nghẹt" bởi hàng loạt chung cư đang trực tiếp gây nên sự quá tải về hạ tầng, với các hiện tượng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm.
Dưới đây là một số dự án chung cư thương mại "mọc" trên đất vàng trước đó là vị trí xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất và đã được di dời:
Dự án Hoàng Thành Pearl (địa chỉ K2 Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Dự án Hinode City (địa chỉ 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Dự án Mipec Xuân Thủy (địa chỉ 122-124 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội)