Loạt cổ phiếu của các công ty hàng tiêu dùng như Masan Group, BAF, Dabaco, HAGL... bật tăng mạnh đầu phiên 10/9, điều gì đang xảy ra?
Các cổ phiếu của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, trong đó phần lớn đang chăn nuôi heo như HAG, DBC, BAF hay MML hưởng lợi khi giá của một mặt hàng đang tăng còn nguồn cung bắt đầu giảm
- 15-05-2024Xu hướng mới nhìn từ Pizza 4P’s, Starbucks, Bánh Tráng Thịt Heo Giang Mỹ: Nguồn cầu thuê mặt bằng lớn, tập trung vào trải nghiệm
- 14-05-2024Sau DBC, đến BAF của “Heo ăn chay” tăng kịch trần: Giá heo hồi phục 25% lên 64.000 đồng/kg, các đại gia chăn nuôi đang ráo riết cho một cuộc đua mới
- 10-05-2024Giá heo tăng vùn vụt, bầu Đức lại ngậm ngùi 'nhỡ sóng' vì lỡ dừng nuôi từ 2023
Đầu phiên ngày 10/9, thị trường chứng khoán tiếp tục giằng co quanh mốc 1.270 điểm. Tuy nhiên, cổ phiếu của một số công ty trong ngành tiêu dùng đã trở thành tâm điểm khi bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên.
Nổi bật trong số này phải kể đến cổ phiếu BAF của Nông nghiệp BAF khi đã có lúc tăng kịch trần. Một số cái tên nổi bật của ngành như PAN, DBC, HAG, NAF, MCH hay MSN cũng ghi nhận sắc xanh.
Các cổ phiếu của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, trong đó phần lớn đang chăn nuôi heo như HAG, DBC, BAF hay MML hưởng lợi nhờ giá thịt heo tăng tại nhiều địa phương. Cụ thể, theo ghi nhận mới nhất, thị trường heo hơi miền Bắc hôm nay điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg tại Yên Bái, đạt 66.000 đồng/kg. Hà Nội vẫn giữ mức giá cao nhất khu vực là 67.000 đồng/kg.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng điều chỉnh nhích nhẹ 1 giá tại Quảng Trị, lên 63.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại dao động 62.000 - 64.000 đồng/kg, riêng Thanh Hóa thu mua giá 66.000 đồng/kg - cao nhất khu vực.
Khu vực miền Nam cùng ghi nhận tăng 1.000 đồng/kg tại TP HCM và Bến Tre, đạt cùng mức 63.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay tiếp tục có xu hướng tăng trên cả nước . Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh, thành dao động trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg.
Ngoài ra, nguồn cung thịt heo cũng có thể gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo chứng khoán DSC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Công văn nêu rõ, nguy cơ cao của việc phát sinh dịch bệnh sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) do lượng mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng từ ngày 7/9, khiến nhiều địa phương phía Bắc phải đối mặt với nguy cơ lây lan bệnh tật trên gia súc, gia cầm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng… Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung heo trong thời gian tới.
Trên thực tế, theo thống kê của DSC, giá heo hơi bắt đầu xu hướng tăng trở lại kể từ cuối năm 2023 và đang đi ngang quanh mức 65.000 VND/kg do nguồn cung heo giảm. Năm 2023, người chăn nuôi heo, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ khá e ngại với việc tái đàn do giá heo hơi liên tục giảm và giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Bên cạnh đó, dịch dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý người chăn nuôi.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và công ty chăn nuôi, nguồn cung thịt heo dự kiến sẽ chưa thể hồi phục ngay bởi việc tái đàn cần nhiều thời gian, lượng heo giống nhập khẩu năm 2024 khá nhỏ giọt. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương khiến số heo bệnh, chết và tiêu huỷ tăng. Ngoài ra, lượng nhập khẩu thịt heo không tăng mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, mặt bằng giá heo dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2024.
Nhịp Sống Thị Trường