MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt công ty chứng khoán muốn tăng vốn

Loạt công ty chứng khoán muốn tăng vốn

Nhiều công ty chứng khoán đã tung ra kế hoạch tăng vốn khủng thông qua phát hành thêm cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu khởi sắc cả về điểm số lẫn thanh khoản.

Rục rịch kế hoạch tăng vốn khủng

CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect - Hose: VND) mới đây đã bổ sung tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 về việc chào bán và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Cụ thể, VNDirect dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán hơn 24,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, đồng thời phát hành gần 12,2 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động; và chào bán 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1.

Ngoài ra, theo tờ trình phân phối lợi nhuận, VNDirect còn có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành gần 61 triệu cổ phiếu mới.

Như vậy, nếu hoàn tất 100% các kế hoạch, công ty này sẽ phát hành thêm hơn 585 triệu cổ phiếu mới. Vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng từ 12.178 tỷ đồng lên mức trên 18.000 tỷ đồng, qua đó trở thành quán quân vốn điều lệ trong nhóm chứng khoán. Hiện tại, công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất là SSI (15.011 tỷ đồng), xếp sau là VPBank Securities (15.000 tỷ đồng).

Không chỉ riêng VNDirect, một số công ty chứng khoán khác cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn khủng. Chẳng hạn, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (Hose: ORS) lên phương án phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn sẽ thực hiện theo hai phương án gồm phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán riêng lẻ.

Tương tự, CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) đã thông báo phát hành thêm hơn 57 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 3.806 tỷ đồng lên 4.377 tỷ đồng. Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đặt mục tiêu phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, việc tăng vốn sẽ được thực hiện cuối quý II đến đầu quý III/2023. Hiện vốn điều lệ của TCBS đạt xấp xỉ 1.127 tỷ đồng, nếu thành công sẽ được nâng lên khoảng 11.100 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) thông qua kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 2.400 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu chào bán riêng lẻ và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 1:1. Nguồn vốn tăng thêm được công ty dự kiến phục vụ cho hoạt động tự doanh chứng khoán và cho vay ký quỹ.

CTCP Chứng khoán VIX cũng đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20:1 (tỷ lệ 5%) và chốt danh sách thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10:1 (10%). Như vậy, Chứng khoán VIX sẽ phát hành thêm 29,11 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 58,21 triệu cổ phiếu thưởng, nếu phát hành thành công sẽ nâng vốn điều lệ từ 5.821,39 tỷ đồng lên 6.694,6 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) với phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2023 - 2024 lên gấp 2,5 lần hiện tại, dự kiến từ 830 tỷ đồng lên hơn 913 tỷ đồng. Trước đó, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) cũng đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30%, để nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng. Hay như CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) dự kiến phát hành gần 15 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng, trong đó 9,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 5% và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3%.

Kỳ vọng sóng cổ phiếu chứng khoán

Động thái chào bán cổ phiếu qua đó tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp công ty chứng khoán sẵn sàng cho các hoạt động và nâng cao kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm, điểm số và thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện, lượng tài khoản mở mới tăng vọt, nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán sẽ tích cực khi các nguồn thu đến từ phí môi giới, cho vay margin, tự doanh đều tăng.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, công ty chứng khoán Agriseco nhận định, dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiền gửi sang kênh chứng khoán giúp thanh khoản thị trường tăng lên, tác động tích cực đến lợi nhuận các công ty chứng khoán. Bởi khi mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, các nhóm ngành có độ nhạy với sự thay đổi lãi suất sẽ là các nhóm được hưởng lợi trước tiên.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng với bối cảnh lãi suất giảm, chi phí vốn giảm, nhóm chứng khoán sẽ hưởng lợi trong dài hạn.

Trong báo cáo phân tích mới đây, VNDirect đánh giá lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vốn, trong đó nổi bật là ngành chứng khoán khi đây là ngành được hưởng lợi cả đầu vào (giảm chi phí vốn) cũng như đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu sử dụng margin tăng lên khi mặt bằng lãi suất giảm.

Ở góc nhìn thận trọng, SSI Research cho biết, triển vọng lợi nhuận của ngành chứng khoán vẫn phụ thuộc nhiều vào giá trị giao dịch trên thị trường. SSI ước tính lợi nhuận của hầu hết các công ty chứng khoán có thể (hoặc đã) chạm đáy trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn đối với những doanh nghiệp liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp, vì các khoản phải thu tương đối cao, điều này có thể khiến kết quả kinh doanh kém khả quan. Về mặt định giá, giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh phần nào triển vọng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2023 nhưng chưa phản ánh năm 2024 do những thách thức kéo dài vẫn còn phía trước.

Theo Ngọc Khoa

Thời Báo Ngân Hàng

Trở lên trên