Loạt công ty năng lượng tái tạo báo lỗ
Nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo đã đồng loạt báo lỗ trong năm vừa qua khi phải đối diện với nhiều thách thức như thay đổi của chính sách mua điện và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19.
- 10-03-2023Đầu tư 2 tỷ USD vào năng lượng tái tạo Việt Nam trong 5 năm, công ty năng lượng mặt trời số 1 Thái Lan chưa có dấu hiệu chậm lại
- 19-10-2022Công ty năng lượng 140 năm tuổi ExxonMobil đứng trước thay đổi lớn
- 12-05-2022Nga trừng phạt 31 công ty công ty năng lượng Mỹ, EU, Singapore
Dữ liệu Nhadautu.vn thể hiện, tính đến ngày 5/4, đã có 23 công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo công bố các chỉ tiêu tài chính năm 2022 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Trong số này có đến 13 công ty báo lỗ, điển hình như CTCP Đầu tư Năng lượng Nam Phương lỗ sau thuế 372,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đó lãi 1,6 tỷ đồng.
Chuyển từ lãi 2021 sang lỗ trong năm 2022 cũng là kịch bản tại một số công ty khác như CTCP Phong điện IA Pết Đak Đoa số Một báo lỗ 209,5 tỷ đồng; CTCP Phong điện IA Pết Đak Đoa số Hai lỗ 201 tỷ đồng; Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu –Duyên Hải 1 lỗ 60,3 tỷ đồng; CTCP Phong điện Chơ Long lỗ 35,6 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 14,6 tỷ đồng; CTCP Phong Điện Yang Trung lỗ 91 tỷ đồng.
Cùng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, một số công ty khác thậm chí còn chìm trong thua lỗ qua nhiều năm như CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận lỗ hơn 106 tỷ đồng năm 2022, cùng kỳ năm trước đó, công ty này cũng báo lỗ 22,76 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn 2 lỗ ròng năm 2021 là 80 tỷ đồng, sang năm 2022 tiếp tục lỗ 66,5 tỷ đồng hay CTCP BB Power Holdings lỗ 153 tỷ đồng, trong khi cùng 2021 lỗ 79 tỷ đồng.
Khó khăn nối tiếp
Khó khăn của loạt doanh nghiệp trên diễn ra trong bối cảnh ngành năng lượng tái tạo năm vừa qua đối diện với nhiều thách thức điển hình như chủ đầu tư điện gió không kịp đóng điện kịp tiến độ sau khi quy định FIT hết hiệu lực, thay đổi của chính sách mua điện và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo thường có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài, trong khi đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao. Chưa kể, những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã buộc doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn trong khi dự án không có dòng tiền về, từ đó khiến nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo có nguy cơ khủng hoảng dòng tiền.
Ngoài ra, thay đổi về mặt chính sách cũng là nguyên nhân các nhà đầu tư nản lòng. Mới đây nhất, vào đầu năm 2023, dựa trên những tính toán từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023, sau một thời gian dài các dự án rơi vào đình trệ. Song lưu ý rằng khung giá này thấp hơn từ 21-29% so với cơ chế giá FIT và không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả.
Sau khi chạy thử mô hình tài chính cùng một số giả định, Chứng khoán ACBS cho rằng mặt bằng giá mới cho năng lượng tái tạo chuyển tiếp giảm quá sâu sẽ dẫn đến dòng tiền và lợi nhuận âm, không đủ chi trả cho các khoản chi phí hoạt động, nhất là chi phí lãi vay và nợ gốc trong cùng kỳ theo năm tài chính. Theo đó, tổng chi phí lãi vay và nợ gốc trong kỳ lên tới gần 10.000 tỷ đồng trong khi đó EBITDA chỉ đạt quanh mốc 9.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có dòng tiền âm trung bình hàng năm lên tới 1.000 tỷ đồng chưa kể đến các chi phí khác như sửa chữa và bảo dưỡng, trượt giá, thuế và lạm phát.
ACBS lưu ý trong bối cảnh vẫn lãi suất đang ở mức cao như hiện nay, cùng tỷ giá USD/VND vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt về dài hạn, mô hình tài chính không ổn định và đảm bảo sinh lợi đầu ra sẽ rất khó khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cam kết giảm phát thải carbon ròng bằng 0 vào 2050 như các cam kết của Chính Phủ tại COP26 & 27.
Trong khi đó, VNDirect đánh giá khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Tuy nhiên, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả.
Theo nhóm phân tích này, chính sách giá NLTT chuyển tiếp sẽ là tiền đề để Bộ Công thương tiếp tục đưa ra những hướng đi tiếp theo cho các dự án phát triển mới dựa trên khung giá này và đây sẽ là một phép thử cần thiết để Bộ Công thương có cơ sở đánh giá cũng như điều chỉnh khung giá mới một cách cẩn thận và hợp lý.
"Với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26 cũng như những điều chỉnh đáng kể trong dự thảo Quy hoạch điện VIII - nâng cao tỉ trọng công suất điện NLTT, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào một chính sách giá đủ hấp dẫn nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này", VNDirect nhận định.
Từ đó, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp có khả năng cải thiện chi phí phát triển, vận hành, cũng như có năng lực huy động nguồn vốn rẻ sẽ nắm ưu thế trong giai đoạn này.
Nhà đầu tư