MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt điện gió, mặt trời phải kiểm điểm đang được khắc phục thế nào?

Có dự án điện mặt trời tại Đắk Lắk chưa được cấp phép đã ghi nhận sản lượng điện - Ảnh: TRUNG TÂN

Có dự án điện mặt trời tại Đắk Lắk chưa được cấp phép đã ghi nhận sản lượng điện - Ảnh: TRUNG TÂN

Việc triển khai nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được xác định là có hạn chế, tồn tại, nên Kiểm toán Nhà nước yêu cầu phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước báo cáo về kết quả thực hiện thông báo kết quả kiểm toán liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm với những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về năng lượng tái tạo.

Có tồn tại trong quản lý nhà nước về điện gió, điện mặt trời

Cụ thể, một số dự án như Điện mặt trời Bình Hòa (An Giang) và Nhà máy điện mặt trời Tuy Phong - Bình Thuận được bổ sung vào quy hoạch tỉnh nhưng chưa có quy hoạch phát triển cho các dự án năng lượng tái tạo; phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch Nhà máy điện gió Nhơn Hội vượt công suất được phê duyệt theo thẩm quyền…

Bộ Công Thương cho hay Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tổ chức họp kiểm điểm với phòng kế hoạch - quy hoạch về vấn đề này theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.

Về việc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong thẩm định, cấp phép đối với một số dự án còn chưa logic hợp lý, thiếu nội dung thẩm định, Bộ Công Thương cho biết Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có ba văn bản gửi Cục Điều tiết điện lực để đôn đốc thực hiện.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng có một số đề nghị tới Bộ Công Thương liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc Tổng công ty Điện lực miền Trung mua điện, ghi nhận sản lượng điện từ các nhà máy tại tỉnh Đắk Lắk khi dự án chưa được cấp phép hoạt động điện lực.

Chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc ra văn bản chưa phù hợp với trách nhiệm thực hiện của tập đoàn, dẫn tới việc ký hợp đồng mua bán điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.

Rà soát hợp đồng điện tái tạo

Đồng thời, EVN được yêu cầu phối hợp với các địa phương rà soát tất cả các hợp đồng đối với các dự án năng lượng tái tạo khi chưa đủ thủ tục pháp lý, hoặc không đúng về trình tự thủ tục, nhưng đã được đưa vào vận hành bán điện, có giải pháp khắc phục, đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản gửi EVN, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo triển khai thực hiện, đôn đốc việc gửi báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu như trên.

Đối với các yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến việc sửa đổi hệ thống văn bản năng lượng tái tạo, trọng tâm là có chính sách dài hạn, lưu ý đến phát triển điện mặt trời mái nhà để có lộ trình phù hợp, Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm nhất trí về vấn đề này.

Theo bộ này, việc áp dụng chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo chỉ nên áp dụng trong thời gian nhất định. Đặc biệt khi giá điện gió, điện mặt trời có xu hướng ngày càng giảm, quy mô ngày càng mở rộng, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Việc phát triển theo hướng tiệm cận thị trường là phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, nên các chính sách hỗ trợ là không phù hợp. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng sau khi kết thúc các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, cần thực hiện theo cơ chế đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành. Sau khi có khung giá, các bên liên quan sẽ tiến hành đàm phán theo đúng quy định.

Theo Ngọc An

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên