MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt doanh nghiệp liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bị xử lý vi phạm về công bố thông tin

17-09-2022 - 09:53 AM | Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Quyết vi phạm công bố thông tin. Ảnh minh họa: FLC.

Nhiều doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Quyết vi phạm công bố thông tin. Ảnh minh họa: FLC.

Tính đến nay, đã có 7 doanh nghiệp liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin.

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố quyết định đưa cổ phiếu của Công ty CP đầu tư và khoáng sản FLC Stone (MCK: AMD) vào diện cảnh báo từ ngày 21/9.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng có quyết định đưa cổ phiếu của Công ty CP chứng khoán BOS (MCK: ART) và cổ phiếu của Công ty CP đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS (MCK: KLF) vào diện bị cảnh báo.

Nguyên nhân là vì những doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niêm năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Ngoài 3 mã nói trên, trước đó, HoSE cũng tiến hành hủy niêm yết cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros từ ngày 5/9.

Trong khi đó, cổ phiếu FLC và mã HAI của CTCP Nông dược HAI bị đình chỉ giao dịch; cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC rơi vào diện cảnh báo vì những vi phạm nghiêm trọng trong việc công bố thông tin.

Đây đều là các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" CTCP Tập đoàn FLC (MCK: FLC). Tính đến nay, đã có 7 doanh nghiệp liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị xử lý vi phạm về công bố thông tin.

Trong văn bản giải trình cơ quan quản lý, những doanh nghiệp này cho biết đang nỗ lực để khắc phục vi phạm. Các công ty cùng đối mặt khó khăn là đã liên hệ nhiều đơn vị kiểm toán nhưng bị từ chối hợp tác.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/9, Tập đoàn FLC nhận được Quyết định số 44135/QĐ-CTHN-QLN ngày 8/9/2022 của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn FLC.

Nguyên nhân là vì doanh nghiệp này có số tiền quá hạn nộp gần 325,8 tỷ đồng phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Điều này đồng nghĩa với việc Tập đoàn FLC sẽ không thể xuất hóa đơn cho các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ.

Trước đó, Cục Thuế một số địa phương cũng ban hành quyết định cưỡng chế thuế Tập đoàn FLC bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Theo Quang Thành

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên