Loạt doanh nghiệp tay ngang đem tiền đầu tư chứng khoán lời lãi ra sao trong quý 3/2023?
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp kiếm lời từ đầu tư chứng khoán đã khó, doanh nghiệp “tay ngang” cũng đành ngậm ngùi nếm trái đắng.
- 05-11-2023Nhịp điều chỉnh của chứng khoán liệu đã kết thúc?
- 05-11-2023Góc nhìn chuyên gia: VN-Index khó hồi phục mạnh ngay lúc này, nhà đầu tư chậm chân vẫn còn cơ hội "lên tàu"
Trong bối cảnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp "tay ngang" mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư kiếm lời ngắn hạn. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp kiếm lời từ đầu tư chứng khoán đã khó, doanh nghiệp “tay ngang” cũng đành ngậm ngùi nếm trái đắng.
Được biết đến là doanh nghiệp trong ngành đá xây dựng, CTCP Hoá An (mã: DHA) lại là một tay ngang chứng khoán khi đầu tư vào cổ phiếu Hoà Phát (HPG) từ thời điểm cuối năm 2021, giai đoạn cổ phiếu trên đỉnh. đã miệt mài trung bình giá xuống.
Sau khoảng thời gian gần 2 năm miệt mài trung bình giá xuống, tại thời điểm 30/9/2023, danh mục đầu tư chứng khoán của DHA đã sạch bóng HPG. Trước đó, khoản đầu tư này có giá gốc hơn 80 tỷ đồng, tương đương 2,64 triệu cổ phiếu vào cuối quý 2.
Từ khoản trích lập hơn 14 tỷ đồng cho toàn bộ danh mục hồi cuối quý 2, Đá Hoá An chỉ còn trích lập dự phòng gần 3 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2023. Như vậy, phần lớn khoản dự phòng đến từ việc trích lập cho cổ phiếu HPG, doanh nghiệp đã cắt lỗ khoản đầu tư này sau gần 2 năm đầu tư.
Trong khi ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Thép Tiến Lên (mã: TLH) đem tiền đầu tư chứng khoán cũng “kẹp nặng”. Thời điểm 30/9, khoản mục chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp này có giá gốc hơn 88 tỷ đồng. Con số này giảm so với mức hơn trăm tỷ hồi đầu năm, nhiều khả năng đến từ việc bán bớt lượng lớn cổ phiếu SHB trong quý 3. SHB trước đó từng là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục tại ngày 30/6 với giá gốc 23,5 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý chỉ 14,4 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, Thép Tiến Lên đã rót hơn 12 tỷ đồng để mua mới cổ phiếu NVL của Novaland trong quý 3. Thời điểm 30/9, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chỉ còn 10,3 tỷ đồng tương ứng mức tạm lỗ khoảng 14%. Chiếu theo thị giá NVL, ước tính Thép Tiến Lên đang nắm khoảng 660.000 cổ phiếu với giá gốc khoảng 18.200 đồng/cp.
Ngoài NVL, Thép Tiến Lên còn đang nắm giữ cổ phiếu IJC với giá gốc gần 5,6 tỷ đồng, VIX với giá gốc 4,6 tỷ đồng và các cổ phiếu khác với tổng giá gốc hơn 66 tỷ đồng. Đa phần các khoản đầu tư của TLH đều tạm lỗ vào cuối quý 3 khiến doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng giảm giá 13,5 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 15% cho toàn bộ danh mục.
Mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị trường học nhưng Sách và Thiết bị trường học Long An (LBE) lại được biết đến nhiều với cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán. Đến cuối quý 3/2023, khoản mục chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp này có giá gốc hơn 5,7 tỷ đồng trong khi tiền mặt (tiền và tương đương tiền) cùng thời điểm chỉ còn vỏn vẹn dưới 300 triệu đồng.
Danh mục chứng khoán kinh doanh của công ty sách này bao gồm 8 cổ phiếu, tăng thêm 3 cổ phiếu so với hồi đầu năm. LBE đã bán gần hết số cổ phiếu S55 của CTCP Sông Đà 505, bán một phần TNA của CTCP TM XNK Thiên Nam và mua mới nhiều cổ phiếu, trong đó tỷ trọng lớn có VDL của CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (3,6 tỷ đồng), QTC của CTCP Công trình GTVT Quảng Nam (1,7 tỷ đồng). LBE đang dự phòng giảm giá khoảng 805 triệu đồng cho toàn bộ danh mục tại ngày 30/9/20023, tạm lỗ 14% .
Tương tự, CTCP Sách Giáo dục tại Tp. Đà Nẵng (mã DAE) ghi nhận khoản chứng khoán kinh doanh có giá gốc gần 5,7 tỷ đồng tại thời điểm 30/9, không đổi so với cuối quý 2; trong đó, danh mục đầu tư của DAE chỉ có duy nhất cổ phiếu HHS với khối lượng 564.753 đơn vị.
Tại thời điểm 30/9/2023, DAE phải trích lập dự phòng giảm giá gần 3 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ lên đến 53% . Con số này đã giảm đôi chút so với thời điểm đầu năm tuy nhiên vẫn còn rất “xa bờ”.
Thuộc lĩnh vực xây dựng, CTCP Địa ốc Sacom (Samland) tiếp tục vào "cuộc chơi" trading cổ phiếu trong quý 3 vừa qua. Khoản chứng khoán kinh doanh của Samland có giá gốc gần 22,4 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2023, giảm hơn 34 tỷ so với thời điểm đầu năm và giá trị không có nhiều thay đổi so với cuối quý 2.
Tuy nhiên, danh mục đầu tư của Samland đã thay đổi khi Samland hiện “all-in” hơn 22 tỷ đồng vào cổ phiếu DNP của Công ty Cổ phần DNP Holding và phải trích lập dự phòng gần 2 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ gần 9%.
Trước đó tại thời điểm 30/6/2023, doanh nghiệp này tất tay đầu tư 22 tỷ vào cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà, giá trị hợp lý hơn 12,5 tỷ và trích lập dự phòng gần 10 tỷ, và đã bán hết cổ phiếu này trong quý 3. Xét từ thời điểm đầu năm 2023, Samland từng nắm cổ phiếu SSI, HPG nhưng đã bán ra trong 6 tháng đầu năm.
Trong khi đó, một doanh nghiệp bất động sản khác từng “bỏ cuộc” quý đầu năm đã trở lại với cuộc đua. Thời điểm cuối quý 3/2023, Licogi 14 (mã: L14) đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 56 tỷ đồng, tăng 14 tỷ so với cuối quý 2, L14 dự phòng giảm giá đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không thuyết minh cụ thể.
Hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản, đầu tư chứng khoán có thể coi như “nghề tay phải” của Trí Việt (TVC). Phần lớn tài sản TVC là các khoản đầu tư chứng khoán, chiếm gần 69% tổng tài sản (tính đến cuối quý 3/2023). Theo đó, TVC đang đầu tư gần 1.314 tỷ đồng vào các mã cổ phiếu HPG (746 tỷ), FPT (273 tỷ), MWG (212 tỷ), TDH (11 tỷ), NKG (13 tỷ), MBB (48 tỷ)... Nếu như hồi đầu năm, tất cả các cổ phiếu TVC đang nắm giữ đều đang tạm lỗ, đến hiện tại đã có FPT, MWG, NKG, DDV có lãi.
Trong quý 3, TVC cũng đã giảm bớt khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG, FPT, và mua mạnh MWG. Khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán ghi nhận hơn 95 tỷ đồng, trong đó dự phòng cho HPG đạt hơn 93 tỷ đồng (giảm gần 266 tỷ đồng so với đầu năm).
Đáng chú ý, trường hợp hiếm hoi có được "tay chơi" lãi lớn sau khi bơm thêm cả trăm tỷ đồng trong quý 3 để đầu tư chứng khoán là Nhà Đà Nẵng (mã: NDN). Khoản mục chứng khoán kinh doanh tại thời điểm 30/9 có giá gốc gần 469 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng so với hồi cuối quý 2 và chiếm hơn 1/3 tổng tài sản. Các cổ phiếu có tỷ trọng lớn gồm toàn cái tên “hot” như STB, HPG, DGC, MWG,…
Phần lớn số tiền Nhà Đà Nẵng bơm thêm vào chứng khoán trong quý 3 được rót vào cổ phiếu STB. Thời điểm cuối quý 3, STB là khoản đầu tư lớn nhất của công ty với giá gốc lên đến gần 185 tỷ đồng, chiếm gần 40% danh mục. Khoản đầu tư này đang tạm lãi gần 10 tỷ đồng tại ngày 30/9.
Khoản đầu tư lãi lớn nhất của Nhà Đà Nẵng là cổ phiếu HPG với số lãi tạm tính tại ngày 30/9 lên đến 35 tỷ đồng, tương đương gần 50% so với giá gốc. Đa phần danh mục của Nhà Đà Nẵng đều có lãi tuy nhiên vẫn có một số cổ phiếu đang tạm lỗ với tổng giá trị dự phòng hơn 37 tỷ đồng vào cuối quý 3.
Nhịp Sống Thị Trường