Loạt doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ ‘cầu cứu’: Nhà nước thất thu thuế lớn, doanh nghiệp thiệt hại nặng về kinh tế
Theo Hiệp hội Nhà đầu tư và Phát triển thủy điện Việt Nam (VHDA), hiện có khoảng 400 nhà đầu tư đã đầu tư trên toàn hệ thống điện quốc gia khoảng 457 nhà máy thủy điện (NMTĐ) vừa và nhỏ, trong đó chiếm phần lớn chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung.
Gây thiệt hại lớn về kinh tế
Liên quan đến việc các NMTĐ vừa và nhỏ viết đơn tập thể cầu cứu Thủ tướng và các bộ ban ngành liên quan như trong bài đầu đã phản ánh, trao đổi với Nhadautu.vn, đại diện Hiệp hội VHDA cho biết, vì từ tháng 3/2023 đến nay, các NMTĐ vừa và nhỏ tại Tây Nguyên và miền Trung thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải, không được huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực nên các doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn về kinh tế.
"Chính vì thế, các doanh nghiệp đã phải làm đơn tập thể cầu cứu Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan", vị đại diện Hiệp hội VHDA cho biết.
Theo các doanh nghiệp, do việc phát vượt công suất bị "tuýt còi" nên gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho các NMTĐ. Để tránh bị sa thải, các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế.
Nếu không kịp thời được tháo gỡ, dù chưa có con số chính xác, nhưng theo tính toán sơ bộ, các NMTĐ vừa và nhỏ có thể thiệt hại 2-5 tỷ đồng/năm; còn nhà nước thất thu một khoản thuế lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và thuế tài nguyên nước.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp hiện đang làm NMTĐ tại Quảng Ngãi, đặc điểm chung của thủy điện vừa và nhỏ (công suất dưới 30MW) thường không có hồ chứa hoặc lòng hồ rất nhỏ nên rất khó giữ nước và điều tiết nước vào mùa mưa. Do đó, khi không cho các nhà máy phát vượt công suất tối đa gây lãng phí nguồn nước, ảnh hưởng kinh tế doanh nghiệp và thất thu ngân sách.
"Mong muốn của các doanh nghiệp là kiến nghị EVN và Chính phủ tạo điều kiện để các NMTĐ vừa và nhỏ huy động công suất nhà máy theo cơ chế chi phí tránh được để tận dụng nguồn nước dồi dào mùa mưa, đảm bảo tăng cung cấp nguồn điện trong hoàn cảnh một số nơi xảy ra thiếu điện", vị lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị.
Trả lởi câu hỏi của Nhadautu.vn về mức độ thiệt hại của các NMTĐ và việc Nhà nước bị thất thu thuế do các NMTĐ không được phép phát vượt công suất gây ra, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, về chi phí đầu tư tại thời điểm này vào khoảng 35-38 tỷ đồng/1MW. Bình quân mỗi MW sẽ phát được 3.500 đến 3.800 giờ một năm, tức là bình quân mỗi MW sẽ làm ra sản lượng điện 3,5 đến 3,8 triệu kWh trong một năm (cá biệt sẽ có các nhà máy phát được 5.000 giờ/năm, số nêu trên là bình quân chung phổ biến của các NMTĐ).
Giá bán điện có giờ cao điểm, trung bình và thấp điểm nhưng bình quân cả năm, giá bán điện vào khoảng 1.150-1.200 đồng/1KW (chưa có VAT), trong khi giá mua điện than hay khí từ 3.800 đến 5.000 đồng/KW và giá điện năng lượng tái tạo cũng 1.950-2.500 đồng/1KW. Như vậy, so về giá, giá thuỷ điện là rẻ nhất! Tức là mỗi MW từ công suất lắp máy sẽ mang lại doanh thu 4-4,5 tỷ đồng trong 1 năm và như vậy mỗi MW sẽ nộp VAT vào ngân sách 400-450 triệu đồng/năm.
Từ phân tích trên, vị lãnh đạo khẳng định: NMTĐ nào công suất lớn sẽ nộp nhiều, công suất nhỏ sẽ nộp ít, chưa kể còn phải nộp tiền "cấp quyền khai thác nước mặt" mỗi năm một lần tùy theo công suất nhà máy, và mỗi KW sản lượng trên hóa đơn bán điện cũng nộp thuế Tài nguyên nước và phí Môi trường rừng. "Tức là nhà nước thu được thuế VAT, thuế tài nguyên nước và phí dịch vụ môi trường từ sản lượng các NMTĐ là rất lớn. Vì thế việc các NMTĐ phát vượt công suất tối đa không những không bị ảnh hưởng gì mà con mang lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn cho cả doanh nghiệp và Nhà nước", vị lãnh đạo nói.
Theo Hiệp hội VHDA, nếu không kịp thời được tháo gỡ, dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo tính toán sơ bộ, các NMTĐ vừa và nhỏ có thể thiệt hại 2-5 tỷ đồng/năm; còn Nhà nước thất thu một khoản thuế rất lớn từ thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế VAT và Thuế Tài nguyên nước...
Trao đổi với Nhadautu.vn, đại diện Hiệp hội VHDA cho biêt, tính đến tháng 11/2022, có trên 400 nhà đầu tư đã đầu tư trên toàn hệ thống điện quốc gia, với khoảng 457 NMTĐ nhỏ có công suất khoảng 4.698 MW. Trung bình hàng năm, hòa lưới điện khoảng 17 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia (chiếm khoảng 8% sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021) nên với quy định hiện nay sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các nhà đầu tư và Nhà nước.
Các NMTĐ có thể phát điện vượt công suất lắp máy từ 0%-20%
Trao đổi với PV Nhadautu.vn, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp (xin giấu tên) hiện đang có NMTĐ ở khu vực phía Bắc cho biết, từ trước tới nay chưa có chuyện các NMTĐ vừa và nhỏ kiến nghị được huy động tối đa công suất. "Thực tế, bao nhiêu năm nay họ hoạt động bình thường, thậm chí phát vượt công suất mà không vấn đề gì", vị Chủ tịch nói.
Cũng theo vị Chủ tịch này, nguyên nhân có thể là do thời gian qua các dự án điện gió, điện mặt trời trong khu vực được đấu nối "chèn" vào dẫn đến "đá nhau", vì thế ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện.
Để tránh lãng phí tài nguyên nước, các nhà máy thường mở tối đa các cánh hướng để hấp thu được nhiều lưu lượng, tăng công suất phát điện, việc này là hoàn toàn phù hợp với chế độ vận hành theo tình hình thời tiết, thuỷ văn.
Lý giải về nguyên nhân của việc phát vượt công suất, một chuyên gia lâu năm cho Nhadautu.vn biết, công suất phát điện của nhà máy tăng hay giảm phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố chính là Cột nước phát điện và Lưu lượng qua các tổ máy. Cụ thể:
Thứ nhất , công suất lắp máy thông thường được thiết kế theo cột nước thiết kế Htt (cột nước thiết kế được xác định khi mực nước hồ ở Mực nước chết vẫn phát đủ công suất lắp máy) và Lưu lượng thiết kế (Qmax) thường được lựa chọn từ 2 đến 3 lần lưu lượng bình quân năm Qo của nhà máy là lưu lượng cần thiết để phát được công suất lắp máy Nlm ở cột nước thiết kế Htt.
"Thông thường các nhà cung cấp thiết bị thường thiết kế tuabin với lưu lượng lớn hơn Qmax để dự phòng cho hiệu suất của thiết bị. Thiết bị tổ máy của nhà cung cấp thường có khả năng phát vượt công suất đến 20% khi có cột nước phát điện và lưu lượng qua tổ máy lớn hơn giá trị thiết kế", vị chuyên gia nói.
Thứ hai , trong thực tế vận hành nhiều thời điểm mực nước hồ cao hơn MNC nên cột nước phát điện sẽ lớn hơn cột nước thiết kế, dòng chảy tự nhiên đến hồ chứa thay đổi theo ngày và mùa, nhất là trong mùa lũ lưu lượng về hồ sẽ có rất nhiều thời đoạn có lưu lượng lớn hơn Lưu lượng phát điện thiết kế Qmax, vào các thời điểm này lưu lượng thừa sẽ được xả qua công trình tràn tháo lũ trả về sông thiên nhiên. Như vậy trong quá trình vận hành sẽ có nhiều thời đoạn cột nước phát điện và lưu lượng nước về hồ lớn hơn giá trị thiết kế nên đây là những thời điểm có thể phát điện vượt công suất lắp máy từ 0%-20%, nếu nhà máy không phát vượt công suất thì lượng nước thừa sẽ được xả thừa qua đập tràn.
Thứ ba , khi lưu lượng nước về nhiều nếu không tận dụng sẽ phải xả tràn, do đó để tránh lãng phí tài nguyên nước, các nhà máy thường mở tối đa các cánh hướng để hấp thu được nhiều lưu lượng, tăng công suất phát điện, việc này là hoàn toàn phù hợp với chế độ vận hành theo tình hình thời tiết, thuỷ văn.
(Còn nữa)
Nhà đầu tư