MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt dự án bất động sản đưa ra đấu giá, đấu thầu rồi vẫn về chủ cũ

02-12-2021 - 09:54 AM | Bất động sản

Thời gian qua, tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên… nở rộ tình trạng dự án bất động sản chậm triển khai, sai phạm trong quá trình thực hiện nhưng sau khi tổ chức đấu thầu, đấu giá lại những khu đất dự án này vẫn thuộc về tay chủ cũ khiến dư luận xôn xao cho rằng chỉ mang tính hình thức, nhằm “hợp thức” cho sai phạm.

Khu ‘đất vàng’ xây tổ hợp khách sạn ở Quảng Ninh về chủ cũ sau đấu giá

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất để thực hiện dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp tại khu vực Cột 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long. Giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất là hơn 354 tỷ đồng.

Loạt dự án bất động sản đưa ra đấu giá, đấu thầu rồi vẫn về chủ cũ - Ảnh 1.

Sau đấu giá, khu ‘đất vàng’ 4,7ha xây tổ hợp khách sạn tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long vẫn về chủ cũ là Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long.


Theo phê duyệt, diện tích khu đất theo quy hoạch được duyệt là 47.220 m2 (gồm: Diện tích xây dựng công trình (diện tích đấu giá) là 16.512,9 m2; diện tích khu vực biển (không đấu giá) 15.995 m2, diện tích mặt nước cảnh quan, núi đá (không đấu giá) là 14.712,1 m2 giữ nguyên theo hiện trạng để đảm bảo kiến trúc cảnh quan tại khu vực).

Đáng chú ý, C.L.U.B.M Hạ Long chính là chủ cũ của khu “đất vàng” vừa được phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

Theo tìm hiểu, tháng 10/2015, chính C.L.U.B.M Hạ Long đã tổ chức khởi công dự án Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay trên diện tích hơn 4,7ha, thuộc khu vực Cột 3, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, với tổng mức đầu tư gần 40 triệu USD.

Theo thiết kế ban đầu, khách sạn được xây dựng ở cạnh bảo tàng, thư viện tỉnh Quảng Ninh, với 265 phòng 5 sao; 68 căn hộ cho thuê; trung tâm mua sắm, tổ hợp chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, dịch vụ giải trí, ăn uống, tổ chức sự kiện… và đi vào hoạt động năm 2017.

Tuy nhiên, tháng 3/2016, nhà đầu tư dự án là Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long đề nghị thay đổi quy mô, thiết kế của dự án theo hướng mở rộng, bổ sung thêm hạng mục tòa nhà văn phòng, dịch chuyển vị trí khách sạn về phía biển. Dự án lúc này được đổi tên thành dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp.

Khởi công nhưng không được thực hiện, đến tháng 9/2017, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Hạ Long đã từng thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp.

Ở đợt đấu thầu này, C.L.U.B.M Hạ Long là doanh nghiệp duy nhất tham gia ứng tuyển và đáp ứng yêu cầu hồ sơ, do đó đã được tỉnh chỉ định vẫn là nhà đầu tư dự án.

Mặc dù đã phải đấu thầu lại, song đến nay dự án vẫn không thể triển khai. Ngày 31/8 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã thông báo đấu giá tìm nhà đầu tư mới thực hiện dự án. Thật bất ngờ, lần này Công ty cổ phần Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long vẫn là chủ đầu tư dự án này.

Chủ dự án khu dân cư ở Thái Nguyên vừa 'chia tay' rồi lại trúng đấu giá

Hay tại Thái Nguyên, dư luận trước đó xôn xao việc Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Tấn Đức JSC (Công ty Tấn Đức JSC) đang triển khai dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) thì bất ngờ xin dừng thực hiện dự án, sau đó dự án được mang ra đấu giá và cũng chủ đầu tư này lại trúng đấu giá chính dự án mình từ bỏ.

Q
Dự án Tấn Đức JSC (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) được mang ra đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu và thật trùng hợp Công ty Tấn Đức JSC lại trúng đấu giá chính dự án mình từ bỏ, xin dừng.

Theo đó, tháng 9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký Quyết định 2893, phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC. Theo quyết định, Công ty Tấn Đức JSC là đơn vị trúng đấu giá với giá gần 102,5 tỷ đồng (cao hơn giá khởi điểm 360 triệu đồng-PV).

Điều đáng nói, trước đó Công ty Tấn Đức JSC cũng là chủ đầu tư của dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC. Theo đó, năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định chấp thuận về việc chủ trương đầu tư, chủ đầu tư là Công ty Tấn Đức JSC với quy mô 18,89ha. Hình thức đầu tư là 100% vốn của doanh nghiệp, tổng mức đầu tư là hơn 262 tỷ đồng. Chủ đầu tư trực tiếp thực hiện dự án theo phương thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời gian thực hiện dự án là 18 tháng. Tiến độ là quý I/2019 đưa dự án vào hoạt động, kinh doanh và quản lý theo quy định

Đến tháng 4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký quyết định chấm dứt hoạt động, chấm dứt hiệu lực pháp lý dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC với lý do là nhà đầu tư chấm dứt hoạt động dự án. Nhưng sau đó, dự án Tấn Đức JSC được mang ra đấu giá quyền sử dụng đúng để lựa chọn chủ đầu và thật trùng hợp Công ty Tấn Đức JSC lại trúng đấu giá chính dự án mình từ bỏ, xin dừng gây xôn xao.

Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp đang thực hiện dự án lại xin dừng, có hay không việc nhà đầu trong quá trình thực hiện dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục giao đất và phải “hợp thức hóa” thông qua việc đấu giá?.

Hưng Yên hợp thức hơn 200 biệt thự 'xây chui, bán sai'

Còn tại Hưng Yên, nhằm hợp thức cho những sai phạm của dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden (huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.

Theo đó, cuối tháng 7/2021, tỉnh Hưng Yên ký quyết định chấp thuận Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (Công ty TDH Ecoland) là nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden. Công ty TDH Ecoland trước đó là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án này. Theo kết quả trúng đấu thầu, dự án có vốn đầu tư gần 928 tỷ đồng, diện tích khoảng 51.500 m2.

Loạt dự án bất động sản đưa ra đấu giá, đấu thầu rồi vẫn về chủ cũ - Ảnh 2.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland được lựa chọn làm nhà đầu tư mới dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden (huyện Văn Giang, Hưng Yên) nhằm hợp thức hóa sai phạm nghiêm trọng đối với dự án này.

Được biết, dự án này trước đây do Công ty CP thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư, mục tiêu ban đầu là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel. Tuy nhiên, dù chỉ mới được đồng ý về mặt chủ trương nhưng Công ty Đại Hưng ngang nhiên "xây chui bán sai" hơn 200 biệt thự, nhà phố thu hàng trăm tỷ đồng gây bức xúc dư luận.

Trước sai phạm nghiêm trọng của dự án, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên chấm dứt hoạt động của dự án và phải "chạy theo" nhà đầu tư để hợp thức hóa cho sai phạm.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TDH Ecoland được thành lập ngày 30/3/2017, hiện có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Công Hồng (1960). Ông Hồng được biết đến là Phó tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản lớn.

Trong khi đó, Công ty Đại Hưng chủ cũ dự án Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden có trụ sở tại Thôn Đầu (xã Phụng Công, huyện Văn Giang). Theo nguồn tin ông Nguyễn Công Huy là con trai ông Nguyễn Công Hồng.

“Việc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia dự án được tỉnh này lựa chọn cho thấy đây chỉ là thủ tục mang tính hình thức, nhằm hợp thức hóa cho sai phạm tại dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden", nguồn tin cho hay.

Theo Lâm Vỹ

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên