Loạt dự án đô thị ở Quảng Nam trễ hẹn do vướng mặt bằng
Một dự án đô thị ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) thi công bị chậm trễ, kéo dài nhiều năm do vướng mặt bằng. Ảnh: Thành Vân.
Tình trạng thiếu mặt bằng thi công đang khiến nhiều dự án đô thị ở Quảng Nam không thể triển khai theo đúng tiến độ. Mặc dù chính quyền địa phương đang xoay xở để cởi trói nút thắt giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để, căn cơ.
- 30-05-2022Đẩy nhanh xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm
- 29-05-2022Quảng Nam phân bổ 190 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương
- 29-05-2022Đề xuất kéo điện lưới ra Côn Đảo với dự án gần 5.000 tỉ đồng
Trễ hẹn do vướng giải phóng mặt bằng
Thời gian qua, hàng loạt dự án đô thị ở khu vực thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) thi công bị chậm trễ, kéo dài nhiều năm, nhiều dự án được chính quyền Quảng Nam cho gia hạn nhiều lần với nguyên nhân do vướng mặt bằng.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang đã ký các quyết định về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện loạt dự án bất động sản tại thị xã Điện Bàn, một trong những nguyên nhân chính là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Có thể kể đến dự án khu dân cư Thống Nhất (giai đoạn 2) do Công ty Cổ phần VN Đà Thành làm chủ đầu tư đã được chính quyền Quảng Nam thống nhất điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án này đến hết tháng 11/2022 hoàn thành, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng toàn bộ dự án.
Hay dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Ngân Câu do Công ty Cổ phần Vinaconex 25 làm chủ đầu tư được điều chỉnh đến hết tháng 12/2023 hoàn thành toàn bộ dự án (giãn tiến độ thêm 24 tháng so với tiến độ đã được UBND tỉnh chấp thuận).
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam thống nhất điều chỉnh tiến độ thực hiện các dự án khác như: Dự án Khu dân cư mới Bình An 2 do Công ty TNHH Đại Việt làm chủ đầu tư; dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị SBC Miền Trung do Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung làm chủ đầu tư…
Các doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn là do đơn giá thấp, người dân không đồng thuận, không phối hợp thực hiện các bước của thủ tục hồ sơ như đo đạc, kiểm đếm… Đồng thời, khi thực hiện phê duyệt phương án chậm do giải quyết nhiều vướng mắc về hồ sơ đất đai, họp xét nguồn gốc đất, thời gian niêm yết… theo quy trình từ 8-12 tháng.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác như đơn giá đất bồi thường, tái định cư có hiệu lực trong thời gian ngắn (1 năm), hết thời gian này phải thực hiện các thủ tục để phê duyệt lại. Việc bồi thường cây cối hoa màu, vật nuôi khi ban hành quyết định mới không cụ thể, thiếu đơn giá, hướng dẫn không cụ thể nên mất rất nhiều thời gian chờ hướng dẫn.
Đặc biệt, cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng quá mỏng, trong khi khối lượng dự án trên địa bàn quá lớn khiến việc đầu tư thời gian để giải quyết cho từng dự án chưa có kế hoạch cụ thể.
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, việc phát triển bất động sản tại tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Hiện tỉnh vẫn còn vướng về cơ chế đầu tư, các quy định pháp luật chồng chéo đối với các doanh nghiệp bất động sản.
“Giữa Luật phát triển nhà ở, Luật đầu tư và Luật đất đai vẫn còn nhiều chồng chéo chưa được thống nhất với nhau. Nhưng khó khăn, vướng mắc cơ bản nhất đối với hiện nay đó là việc giải tỏa đền bù. Trong câu chuyện đền bù có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cả về góc nhìn của người dân cũng đang theo một chiều hướng khác về việc giải phóng mặt bằng”, ông Bảo cho hay.
Tình trạng thiếu mặt bằng thi công đang khiến nhiều dự án ở Quảng Nam không thể triển khai theo đúng tiến độ. Ảnh: Thành Vân.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã liên tục yêu cầu các chủ đầu tư sớm triển khai thi công các dự án để đảm bảo tiến độ. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phối hợp với chủ đầu tư lo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, rà soát quy hoạch để đảm bảo khớp nối hạ tầng.
“Tỉnh cho phép gia hạn thời gian đối với một số dự án chậm giao đất, vướng mặt bằng. Đôn đốc chủ đầu tư làm giá đất sớm, quyết toán tiền bồi thường sớm để khấu trừ nghĩa vụ tài chính, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có nguồn thi công xây lắp”, ông Quang thông tin.
Tuy nhiên, ông Quang cho biết thêm, tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư không được huy động vốn trái phép, phối hợp với địa phương để giải phóng mặt bằng, thi công, làm đảm bảo chất lượng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Các ngành, địa phương phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra xử lý nếu vi phạm.
Trước đó, tháng 3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tập trung rà soát, báo cáo đánh giá toàn diện các dự án tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc theo chỉ đạo của UBND tỉnh, phân theo từng nhóm.
Cụ thể, nhóm 1 là dự án đang triển khai nhưng gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài với diện tích nhỏ so với diện tích dự án, không có tính khả thi trong tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng thì thị xã Điện Bàn kiểm tra, làm việc với nhà đầu tư để đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh hợp lý quy hoạch chi tiết, giảm quy mô dự án.
Nhóm 2 là dự án đang triển khai bình thường, tuy bị vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nhưng khả năng giải phóng mặt bằng còn lại cao, cộng đồng dân cư ủng hộ trong công tác giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư đảm bảo năng lực thực hiện thì đồng ý cho điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định.
Nhóm 3 là dự án mới hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hoặc dự án gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng với diện tích lớn so với diện tích dự án và khả năng giải phóng mặt bằng không khả thi.
Với nhóm 3, tỉnh Quảng Nam yêu cầu thị xã Điện Bàn thống kê, đánh giá năng lực của nhà đầu tư; trường hợp nhà đầu tư không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi, chuyển sang mục đích công cộng, trồng cây xanh hoặc các tiện ích xã hội khác.
Nhà đầu tư