MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt dự án FDI chảy vốn vào Cần Thơ và xu hướng dịch chuyển đầu tư

Khi TP.HCM và các tỉnh trọng điểm về công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai lộ rõ sự cạn kiệt về nguồn đất thì nhiều nhà đầu tư đã hướng đến sự chuyển dịch về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi mà quỹ đất còn khá lớn cùng với lợi thế về nguồn lao động cùng nhiều dư địa chưa khai thác.

Loạt dự án FDI chảy vốn vào Cần Thơ và xu hướng dịch chuyển đầu tư - Ảnh 1.

Cần Thơ trở thành điểm đến hàng đầu trong hút FDI vào khu vực ĐBSCL. Ảnh: PK

Nhiều dự án FDI vào Cần Thơ

Cần Thơ nằm ở trung tâm của ĐBSCL, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và kinh tế, một trong những thành phố trọng điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế nhờ mạng lưới sông ngòi rộng lớn và bề dày văn hóa, lịch sử. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên và lịch sử văn hóa phong phú, Cần Thơ còn là trung tâm kinh tế của ĐBSCL với dân số hơn 20 triệu người và là trọng tâm các kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Qua tìm hiểu của phóng viên Nhadautu.vn, trong vài tháng hàng loạt dự án, ký kết của những doanh nghiệp, Tập đoàn hàng đầu các nước Hàn Quốc, Nhật Bản được diễn ra tại Cần Thơ.

Tháng 9 vừa qua Tập đoàn Daewon Cantavil cho biết đang tìm hiểu và mong muốn có đủ thông tin nghiên cứu, xây dựng đề xuất dự án, thực hiện đầu tư theo quy định, bao gồm các dự án sân Golf, các dự án nhà ở (cao tầng, thấp tầng, Khu phức hợp nhà ở - thương mại - dịch vụ), các dự án trường học quốc tế tại Cần Thơ.

"Thị trường Cần Thơ được biết đến là thị trường tiềm năng. Kết quả của việc ký kết MOU giữa Tập đoàn và TP Cần Thơ đã mở ra cơ hội để Tập đoàn tham gia đầu tư và mong chờ sự hỗ trợ từ UBND thành phố. VSIP đã triển khai quá trình đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó sự phát triển của ngành công nghiệp kéo theo việc phát triển thêm các khu đô thị, nhà ở, đây cũng chính là lĩnh vực mà Tập đoàn đặc biệt quan tâm", ông Cheun EungSik, Chủ tịch Tập đoàn Daewon Cantavil, Tổng Giám đốc Daewon Singapore thông tin.

Được biết, Daewon Cantavil (Singapore) là một trong những công ty thành viên thuộc Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc), tập đoàn đa ngành về phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thương mại, du lịch sinh thái, trang trại thông minh...tại Hàn Quốc cũng như Việt Nam.

Tại thị trường Việt Nam, Daewon được biết đến là doanh nghiệp lớn và đã tạo được thương hiệu cao cấp trong lĩnh vực nhà ở với những dự án tiêu biểu như Cantavil Condotel & Villas Resort, Centum Wealth Complex, Daewon Cantavil Premier, Emart Gò Vấp…

Ông Cheun EungSik cũng bày tỏ hy vọng có thêm nhiều chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc đến Việt Nam, góp phần thu hút thêm du khách Hàn Quốc đến Cần Thơ. Điều này mở ra cơ hội to lớn đối với sự phát triển các dịch vụ tại Cần Thơ, một lĩnh vực mà Tập đoàn Daewon đang rất mong muốn đưa vào chiến lược đầu tư tại Cần Thơ.

Theo ông Cheun EungSik, việc ký kết MOU không chỉ thể hiện sự quan tâm của Tập đoàn về cơ hội đầu tư vào Cần Thơ, mà còn là sự tiếp nối thành công từ 20 năm qua mà Deawon đã đầu tư vào thị trường Việt Nam và mong nhận được sự hỗ trợ từ các Sở, ngành trong hành trình đầu tư tại Cần Thơ.

Cuối tháng 9 vừa qua, tại Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, Tập đoàn hoàng gia De Heus (Hà Lan) long trọng tổ chức Lễ khánh thành nhà máy thức ăn thủy sản De Heus Cần Thơ. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan.

Được biết, Nhà máy thức ăn thủy sản De Heus Cần Thơ nằm trong hệ thống nhà máy của Công ty TNHH De Heus Việt Nam chuyên sản xuất thức ăn cá tra theo dây chuyền hiện đại có công suất thiết kế lên đến 240.000 tấn/năm; áp dụng để hệ thống điều khiển tự động hóa 100% (Kiểm soát hệ thống sản xuất từ đầu vào đến đầu ra: Barcode nguyên liệu, ...).

Nhà máy có hệ thống dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến, phối trộn cùng các chế phẩm sinh học (Probiotic, enzymes,...) để nâng cao chất lượng sản phẩm; ứng dụng năng lượng mặt trời, giảm khi phát thải nhà kính.

Ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM cho biết, các hoạt động của De Heus tại Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng mang theo giá trị của nền nông nghiệp, phát triển bền vững và quản lý nước có truyền thống lâu đời của Hà Lan. Sự kiện thể hiện mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa đất nước Hà Lan và Cần Thơ.

"Khoản đầu tư này góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai quốc gia. Thể hiện cốt lõi của sự hợp tác này đó là mối quan hệ đối tác bắt nguồn từ sự tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ kiến thức và cam kết giải quyết các thách thức toàn cầu như tính bền vững và an ninh lương thực", ông Daniel Stork bày tỏ tự hào khi chứng kiến các công ty Hà Lan như De Heus có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Nhận định trung tâm TP Cần Thơ vẫn còn thiếu các cơ sở lưu trú hiện đại, cao cấp có thể đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách công tác và khách du lịch trong khi tiềm năng, dự địa phát triển còn khá lớn. Mới đây, Viteccons đơn vị tổng thầu xây dựng phối hợp cùng chủ đầu tư là công ty TNHH Indochina Kajima Development (Indochina Kajima), liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima đã tổ chức lễ cất nóc khách sạn Wink trung tâm Cần Thơ. Khách sạn sau khi hoàn thiện dự kiến đi vào hoạt động trong quý 3 năm 2024.

"Sau khi hoàn thiện, khách sạn Wink trung tâm Cần Thơ sẽ tạo ra một chuẩn mực mới cho ngành du lịch và lưu trú của thành phố, đáp ứng nhu cầu về một khách sạn tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn", chủ đầu tư dự án này nhận định.

Sự chuyển dịch FDI rõ rệt

Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn , TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết hiện tại quỹ đất tại TP.HCM khan hiếm và hầu như không còn, các tập đoàn lớn đầu tư thì luôn cần quỹ đất lớn vì vậy sẽ nghĩ đến các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.

"Tuy nhiên cần nhìn xa hơn thời gian tới các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai lại cạn quỹ đất thì sự chuyển dịch này lại hướng đến các khu vực miền Tây Nam bộ như Long An, Cần Thơ…", ông Hiếu nói về tầm nhìn xa của các FDI.

Đáng nói, tín hiệu vui là các “nút thắt” của vùng, nhất là về hạ tầng giao thông đang được tháo gỡ sẽ là yếu tố được kỳ vọng giúp hút vốn FDI vào Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung nhiều hơn thời gian tới.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe, trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Theo đó, giao thông đường bộ kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM qua 5 trục chính: Tuyến N1 (dài 235 km) chạy dọc biên giới Campuchia từ Đức Huệ (Long An) đến Hà Tiên (Kiên Giang), tuyến N2 (dài 440 km) từ Chơn Thành (Bình Dương) đến Vàm Rầy (Kiên Giang), cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 1 (dài 334 km) từ TP.HCM tới Cà Mau, tuyến duyên hải ven biển phía Đông gồm Quốc lộ 50 và Quốc lộ 60.

Bà Ogawa Megumi, Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM nhận định, trong tương lai, hy vọng với sự cải thiện hơn khi các tuyến đường cao tốc được hoàn thành thì việc lưu thông hàng hóa từ Cần Thơ về TP.HCM - thị trường lớn nhất của Việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó, hiện nay ngày càng khó để có thể tìm kiếm các khu đất lớn còn trống xung quanh TP.HCM để đầu tư, thì Cần Thơ với những lợi thế như nêu trên chính là cơ hội cho các nhà đầu tư trong đó có Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dồi dào cùng với trình độ tay nghề ngày càng được nâng cao cũng là lợi thế của các tỉnh ĐBSCL.

"Nguồn nhân lực chất lượng cao có được từ Đại học Cần Thơ, đại học bậc nhất của cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường được xem là lợi thế lớn của khu vực. Có rất đông nguồn nhân lực đã từng có kinh nghiệm học tập hoặc lao động tại Nhật Bản ở các tỉnh lân cận TP Cần Thơ. Một điểm thu hút doanh nghiệp Nhật Bản nữa đó chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú về nông sản và thủy sản từ sông Mekong. Hiện tại có một vài doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào TP Cần Thơ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm", bà Ogawa Megumi đánh giá cao các lợi thế của "thủ phủ" miền Tây.

Tính đến tháng 9/2023, Cần Thơ có 82 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,26 tỉ USD. Trong khu công nghiệp có 29 dự án, vốn đăng ký trên 608,7 triệu USD, còn lại là các dự án nằm ngoài khu công nghiệp.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 9, VSIP Group chính thức khởi động dự án VSIP Cần Thơ tại huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Đây là khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tiên tại ĐBSCL. Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích 900 ha, dự kiến khi hoàn chỉnh sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động, thu hút 3,5 tỷ USD.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên