MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt dự án giao thông nào giúp cho TP. Thủ Đức phát triển trong tương lai?

11-01-2021 - 16:34 PM | Bất động sản

Loạt dự án giao thông nào giúp cho TP. Thủ Đức phát triển trong tương lai?

Hàng loạt dự án như Bến xe Miền Đông mới, cầu Thủ Thiêm 2, metro số 1, các tuyến đường vành đai,... đã và đang được triển khai, cùng với đó là việc chú trọng nâng cấp các tuyến đường tại quận 9 (điểm nóng về giao thông trên địa bàn TP.HCM) sẽ làm thay đổi diện mạo TP. Thủ Đức trong thời gian tới.

8 dự án trọng điểm 

Dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012, với 4 gói thầu chính, có tổng chiều dài 19,7km, trong đó, đoạn đi ngầm 2,6km và đoạn đi trên cao 17,1km. Với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) và 1 depot.  Đi qua các quận gồm: Quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, Thủ Đức của TP.HCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.757,15 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 13/10/2020, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cũng đã tổ chức lễ đón đoàn tàu đầu tiên tuyến metro số 1 trong tổng số 17 đoàn tàu được sản xuất cho tuyến metro số 1 từ Nhật Bản về TP.HCM để tiến hành vận hành thử nghiệm trong khu vực depot.

Theo kế hoạch, đoàn tàu sẽ được tiến hành vận hành thử nghiệm theo từng giai đoạn như: Ở quý I/2021, vận hành thử nghiệm trong depot; quý III/2021, vận hành thử nghiệm từ depot đến Bình Thái; quý IV/2021 vận hành thử nghiệm từ depot đến Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác như hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray,... Hiện, tuyến metro số 1 đạt gần 82% khối lượng công việc.

Loạt dự án giao thông nào giúp cho TP. Thủ Đức phát triển trong tương lai? - Ảnh 1.
Hiện, tuyến metro số 1 đạt gần 82% khối lượng công việc.

Dự án Vành đai 2 dài hơn 64 km, có 3 đoạn đi qua quận 9 và Thủ Đức. Trong đó, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài gần 3 km, tổng đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng đang triển khai. Hai đoạn còn lại dài 6 km gồm: từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái qua đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn 14.600 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn ngân sách. Các đoạn này khi xong giúp giảm áp lực giao thông, tăng khả năng vận chuyển hàng hoá ở cảng Trường Thọ (Thủ Đức), cảng Long Bình (quận 9), kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đường Vành đai 3 dài hơn 90 km đi qua Long An, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, chia làm 4 đoạn. Trong đó đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch qua TP. Thủ Đức dài gần 18 km, tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng dự kiến khởi công năm sau. Ngoài đoạn này còn có đoạn dài hơn 15 km đi qua TP. Thủ Đức với tổng vốn 6.700 tỷ đồng sẽ dùng vốn vay Hàn Quốc và vốn đối ứng Chính phủ. Các đoạn này khi khép kín giúp phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho TP.HCM còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bến xe Miền Đông mới, được khởi công xây dựng vào tháng 4/2017, với diện tích hơn 16 ha thuộc phường Long Bình, quận 9, TP.HCM (chiếm hơn 3/4 diện tích) và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (chiếm gần 1/4). Dự án được giao cho Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 4.000 tỷ đồng.

Dù sau nhiều lần trễ hẹn, nhưng Bến xe Miền Đông mới (giai đoạn 1) cũng đã đi vào hoạt động từ ngày 10/10/2020 với 22 tuyến cố định cự ly 1.100 km từ Quảng Trị ra các tỉnh phía Bắc. Qua đó, góp phần giảm kẹt xe khu trung tâm thành phố, đặc biệt là khu vực bến cũ đang quá tải.

Loạt dự án giao thông nào giúp cho TP. Thủ Đức phát triển trong tương lai? - Ảnh 2.
Bến xe Miền Đông mới tại phường Long Bình, quận 9, TP.HCM.

Nút giao Mỹ Thủy (quận 2) khởi công năm 2016, tổng đầu tư giai đoạn một gần 840 tỷ đồng và giai đoạn hai hơn 1.400 tỷ đồng. Công trình hoàn thành giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở ở khu vực cảng Cát Lái - cảng đứng đầu cả nước về sản lượng vận chuyển hàng hóa. Nút giao cũng giúp tăng kết nối các quận 2, 7, 9, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Hiện công trình chỉ đạt 45% khối lượng công việc do các hạng mục xây dựng các nhánh đường quanh nút giao đang phải dừng thi công vì chờ mặt bằng. Theo dự kiến, một trong hạng mục chính của dự án nút giao Mỹ Thuỷ (giai đoạn 2) là cầu Mỹ Thủy 3 cũng sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 1/2021.

Cầu Thủ Thiêm 2, được khởi công từ đầu năm 2015 do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, với tổng số vốn là 4.260 tỷ đồng. Cầu có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài là 1.465m. Trong đó, phần cầu dài 885,7m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ Trung tâm thành phố qua Khu ĐTM Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và về đêm.

Đến thời điểm hiện tại, dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành được khoảng 70% khối lượng. Theo dự kiến, công trình sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 9/2021.

Loạt dự án giao thông nào giúp cho TP. Thủ Đức phát triển trong tương lai? - Ảnh 3.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành được khoảng 70% khối lượng công việc.

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7km, từ chân cầu Sài Gòn (quận 2) đến nút giao thông Tân Vạn (tiếp giáp dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới). Trong đó trục đường chính trên địa bàn TP.HCM dài 13,3km và 2,4km thuộc địa bàn Bình Dương, mặt đường rộng 23m cho 4 làn xe đã được nâng cấp mở rộng lên 113m đến 153m cho 12 - 16 làn xe lưu thông.

Đến nay, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đã hoàn thành trục giao thông chính cho 8-10 làn xe lưu thông và một số làn xe ở hai bên đường song hành. Riêng tuyến đường song hành phía bên phải trên địa bàn quận 2, quận 9 đã hoàn thành được 8,8km/10,3km (phần còn lại vướng mặt bằng). Đường song hành phía bên trái nằm trên địa bàn quận 2 và quận Thủ Đức đã hoàn thành được 10,3km/11,5km.

Nút giao thông An Phú (quận 2) có tổng mức đầu tư là 1.047 tỷ đồng, giai đoạn 1 sẽ xây 3 tầng gồm cầu vượt và hầm chui. Cụ thể, xây dựng đường hầm chui 2 chiều (4 làn xe) kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Dự án dự kiến thi công trong năm 2020, tuy nhiên do vướng nhiều thủ tục nên đến nay vẫn chưa thể triển khai. Dù vậy, dự án khi hoàn thành được kỳ vọng giải quyết ùn tắc và tăng kết nối TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các tỉnh Đông Nam bộ.

Nâng cấp 5 tuyến đường tại quận 9

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 cho biết, ngoài những dự án đang được triển khai, thì hiện quận và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã lập thủ tục xin chủ trương UBND TP.HCM tiến hành thực hiên nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn trong giai đoạn từ 2021-2025.

Theo đó, 5 tuyến đường dự kiến nâng cấp, mở rộng ở quận 9 là: Đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt và Lò Lu.

Đường Đỗ Xuân Hợp có lý trình từ ngã tư đường Bình Thái đến Nguyễn Duy Trinh, đường bê tông nhựa nóng, với bề rộng mặt đường khoảng 7m-10m (lộ giới 30m) và có chiều dài khoảng 4.769m.

Trên tuyến này hiện có 2 dự án đang triển khai thi công là dự án Xây dựng cầu Nam Lý, có tổng mức đầu tư khoảng 529 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp đoạn từ cầu Nam Lý đến đường Nguyễn Duy Trinh với quy mô rộng 30m, chiều dài 1.830m, có tổng mức đầu tư phần xây lắp khoảng 360 tỷ đồng (chưa tính chi phí bồi thường và lập dự án bồi thường riêng).

Loạt dự án giao thông nào giúp cho TP. Thủ Đức phát triển trong tương lai? - Ảnh 4.
Tuyến đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) nhìn từ trên cao.

Đường Lê Văn Việt có lý trình từ ngã tư Thủ Đức đến ngã ba Mỹ Thành, chiều dài khoảng 4.271m, trong đó đoạn từ đường Lã Xuân Oai đến ngã ba Mỹ Thành đã được mở rộng 30m.

Đoạn còn lại từ đường Lã Xuân Oai đến ngã tư Thủ Đức có chiều dài khoảng 1.478m, bề rộng đường khoảng 8m-10m (lộ giới 30m), đoạn này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 9 làm chủ đầu tư, hiện đã có dự án nâng cấp, mở rộng và đang triển khai duyệt dự án đầu tư của 2 dự án bồi thường và xây lắp.

Đường Lò Lu có lý trình từ đường Lã Xuân Oai đến Nguyễn Xiển, với chiều dài khoảng 2.532m, bề rộng khoảng 6m-10m, đường bê tông nhựa nóng. Hiện nay, trên tuyến đường này có 3 dự án đang triển khai gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lò Lu dài 2.034m, bề rộng chia làm 2 đoạn. Trong đó, đoạn từ Lã Xuân Oai đến cầu Lấp bề rộng 25m và đoạn từ cầu Chùm Chụp đến Nguyễn Xiển rộng 16m, với tổng mức đầu tư khoảng 756 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 9 làm chủ đầu tư,  hiện đang được triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021-2025

Dự án xây dựng cầu Lấp và cầu Chùm Chụp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư. Hiện các công trình đang lập hồ sơ dự án đầu tư, dự kiến sẽ triển khai trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Đường Lã Xuân Oai có lý trình từ đường Lê Văn Việt đến đường Nguyễn Duy Trinh, với chiều dài khoảng 5.360m, đường bê tông nhựa nóng, bề rộng đường khoảng 6m-7m, trên tuyến này cũng có 3 dự án đang triển khai gồm: Nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai đoạn từ Lê Văn Việt đến đường D2 khu công nghệ cao, chiều dài 2.689m, bề rộng gồm 2 đoạn; dự án xây dựng cầu Tăng Long; nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai đoạn từ Lò Lu đến đường Nguyễn Duy Trinh, chiều dài 2.285m, bề rộng 30m.

Đường Nguyễn Duy Trinh lý trình từ đường Đỗ Xuân Hợp đến ngã 3 Long Thuận (Nguyễn Xiển – Long Thuận), chiều dài khoảng 6.371m (lộ giới 30m), đường bê tông nhựa nóng bề rộng khoảng 7m-11m. Trên tuyến đường này hiện có một số dự án đang được triển khai như, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (lý trình từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây dựng, đoạn thuộc quận 9 từ đường Đỗ Xuân Hợp đến cầu Xây Dựng) quy mô bề rộng 30m, chiều dài 3.130m, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 2 làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư phần xây lắp khoảng 350 tỷ đồng (chưa tính chi phí bồi thường và sẽ lập dự án bồi thường riêng).

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (lý trình từ cầu Xây dựng đến Võ Chí Công, bao gồm hạng mục cầu Xây Dựng) quy mô 30m, dài khoảng 760m, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (lý trình từ Võ Chí Công đến Nguyễn Thị Tư) quy mô 30m, dài khoảng 1.600m, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 833 tỷ đồng.

Dự án xây dựng cầu Ông Nhiêu, có tổng mức đầu tư khoảng 426 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.

Theo dự kiến 5 tuyến đường nói trên sẽ được khởi công trong năm 2021, hoành thành đưa vào sử dụng trong năm 2025. Sau khi đưa vào sử dụng, những tuyến đường này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của TP. Thủ Đức trong tương lai.

Ngày 31/12/2020, lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM được diễn ra tại trụ sở UBND quận 2 (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM).

Theo đó, TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng diện tích và dân số 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP. Thủ Đức sẽ có 34 phường, với 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người, giáp các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Đi cùng với đó TP.HCM sẽ thu hút và đầu tư nhiều dự án hạ tầng, giao thông để thay đổi diện mạo TP. Thủ Đức, nâng cao đời sống người dân. Theo đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM giai đoạn 2020-2025, nhu cầu lớn nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, khoảng 30.000 tỷ đồng.

Theo Lý Tuấn

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên