MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM 'nằm chờ' vì thiếu vốn

05-06-2023 - 15:30 PM | Bất động sản

Khi cơ chế, chính sách đặc thù mới cho TP.HCM được thông qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm đói vốn, ngưng triển khai nhiều năm sẽ được tái khởi động theo hình thức BOT, BT.

Do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hạn hẹp (57.200 tỷ đồng), cùng với vướng mắc trong hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao) nên nhiều dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM dù đã nằm trong quy hoạch hoặc đã triển khai nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Đơn cử như mở rộng QL13 ở cửa ngõ Đông Bắc (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh Bình Dương) dài 5,8 km, mở rộng mặt đường từ 19 m lên 40-60 m, tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng. Ở địa phận Bình Dương, tuyến đường được đầu tư mở rộng với 8 làn xe, khang trang thì đoạn thuộc địa phận TP.HCM lại luôn trong tình trạng ùn tắc kéo dài.

Trước đây, dự án thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, hình thành từ năm 2001. Công trình lúc đó đầu tư theo hình thức BOT do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Sau khi chấm dứt với chủ đầu tư này, năm 2004, dự án được Chính phủ giao lại UBND TP.HCM.

Loạt dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM 'nằm chờ' vì thiếu vốn - Ảnh 1.

QL13 đoạn qua TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Đình Nguyên

Năm 2018, tưởng như dự án này được tái khởi động khi UBND TP.HCM ký hợp đồng BOT với Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII). Song, do năm 2017, Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu nên dự án phải chuyển sang sử dụng ngân sách. Đến nay, dự án này vẫn chưa thể thực hiện.

Tương tự, ở cửa ngõ phía Tây là dự án QL1 (đoạn từ An Lạc đến ranh Long An) kế hoạch mở rộng từ 19 m lên 52 m, tổng vốn gần 12.900 tỷ đồng. Tại cửa ngõ Tây Bắc, QL22 (ngã tư An Sương đến Vành đai 3) mở rộng gần 40 m, xây 2 cầu vượt, kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng.

Xây hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam, nối ra Vành đai 3, dài 9,7 km, tổng vốn 13.837 tỷ đồng; trục Bắc - Nam, đường Âu Cơ - khu công nghiệp Hiệp Phước, dài gần 27 km, mở rộng lên 40-60 m, tổng vốn 54.200 tỷ đồng; đường song song QL50, dài 5,8 km, rộng 40 m, kinh phí dự kiến hơn 3.800 tỷ đồng.

Còn đối với hình thức BT cũng khiến TP.HCM và nhà đầu tư phải "đau đầu". Đơn cử câu chuyện của Công ty CP Văn Phú Bắc Ái được UBND TP.HCM lựa chọn làm nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đoạn 2,75 km (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, TP. Thủ Đức) thuộc dự án đường Vành đai 2, tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Cuối năm 2017, dự án khởi công nhưng dự án hiện phải tạm ngừng để chờ điều chỉnh và giải quyết vướng mắc trong thanh toán quỹ đất. Nhà đầu tư này đã giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại TP.HCM còn nhiều công trình giao thông cấp bách, cần triển khai thực hiện ngay nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Có thể kể đến một số dự án như: xây dựng cầu Cần Giờ; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; nâng cấp mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đại 2); mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn Bình Thuận - Chợ đêm và Tân Tạo - Chợ Đệm); mở rộng đường Ung Văn Khiêm…

Chờ cơ chế mới được "bật đèn xanh"

Nếu dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, hàng loạt dự án giao thông cấp bách, trọng điểm sẽ được triển khai, tạo ra sự đột phá mới cho thành phố.

Theo đó, dự thảo nghị quyết nêu rõ, tại điểm c khoản 5 Điều 4, TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng năng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư và phương án tài chỉnh sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, TP.HCM được tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nếu TP.HCM triển khai dự án BOT trên đường hiện hữu rất dễ xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến đường. Thay vào đó, TP.HCM nên thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thanh toán cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia giao thông thì nhận định, BOT hình thức quan trọng thu hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông. Việc áp dụng cho các tuyến đường hiện hữu cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả đầu tư, hài hoà lợi ích của người dân.

Trong khi với hợp đồng BT, tại điểm d khoản 5 Điều 4 dự thảo nghị quyết quy định TP.HCM được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT; quyết định sử dụng vốn ngân sách thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toàn cho nhà đầu tư căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng

UBND TP.HCM cho biết, trước khi Luật PPP được ban hành, thành phố đã triển khai các dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất như dự án xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ, dự án xây dựng đường D3 kết nối và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2... Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền như cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2.

Thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án được áp dụng hình thức hợp đồng BT có thể triển khai đầu tư ngay trong giai đoạn 2023-2025. Do đó, việc đề xuất thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo hợp đồng BT sẽ tăng khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi ngân sách còn chưa đáp ứng.

Việc thanh toán bằng tiền sẽ thuận lợi hơn thanh toán bằng quỹ đất do thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan (Luật Đất đai, Quản lý tài sản công, Đầu tư...) và cần tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp hạn chế các tồn tại của mô hình thanh toán theo hợp đồng BT bằng đất trước đây.

Trước mắt, dự thảo nghị quyết quy định thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền. Để đảm bảo chặt chẽ, không gây thất thoát ngân sách Nhà nước, dự thảo quy định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai, sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt và giao Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án.

Đình Nguyên

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên