Loạt dự án 'treo đầu dê': Khách hàng bị đẩy vào rủi ro
Nhiều dự án được quảng cáo rầm rộ với những tiện ích độc đáo, khiến nhà đầu tư tin tưởng nhưng không hề biết những tiện ích này còn chưa được cấp phép. Việc này đẩy khách hàng đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý.
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy thuộc xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sẽ không có gì đáng nói nếu dự án này không đưa thông tin về nguồn khoáng nóng được kèm theo như một phần mặc nhiên của tổ hợp khách sạn này. Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy được các đơn vị phân phối quảng cáo rầm rộ tại Hà Nội là Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng 5 sao đầu tiên tại phía Bắc.
Nhân viên bán hàng của Cenland (đơn vị phân phối dự án) liên tục giới thiệu về những lợi ích của khoáng nóng tương tự như ở Nhật Bản đồng thời khẳng định: “Đây là dự án đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại được chủ đầu tư cấp dẫn trực tiếp nguồn khoáng nóng lên từng căn hộ”.
Trước thông tin thiếu chính xác này, UBND huyện Thanh Thủy đã yêu cầu chủ đầu tư giải trình, xử phạt 40 triệu đồng về sai phạm “quảng bá, thông tin sai sự thật”.
Tại Dự án “Toà nhà cao cấp đa chức năng dịch vụ văn thương mại, văn phòng cho thuê kết hợp căn hộ du lịch” - TNR The Nosta 90 Đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) do Cty Công ty TNHH điện tử Ánh Sao làm chủ đầu tư còn TNR Holdings là đơn vị phát triển dự án cũng có việc thông tin “mập mờ” về pháp lý.
Dự án có quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 3.439m2 trong đó diện tích đất trong phạm vi mở quy hoạch khoảng 78m2; diện tích đất lập dự án khoảng 3.361m1. Công trình cao 27 tầng với số lượng khách sạn căn hộ là 480 căn.
Hiện dự án đang được mở bán căn hộ tại các tầng 6A, 15A, 18, 20, 24. Theo nhân viên bán hàng, ngay sau khi mở bán các căn hộ tầng 15, 18, 24 đã cơ bản bán hết. Giá mỗi căn hộ dao động từ 1,5 - 4,5 tỷ đồng tùy diện tích.
Đáng chú ý, khách hàng không được ký hợp đồng mua bán mà chỉ ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng căn hộ với chủ đầu tư. Bởi thực tế, theo quyết định đầu tư thì dự án không được phép mua bán.
Rủi ro khách hàng gánh chịu
Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết, tại Thanh Thủy hiện chỉ có 2 doanh nghiệp được phép thăm dò mỏ nước khoáng nóng là Trung tâm Chăm sóc người có công và Cty CP Xây dựng dịch vụ Sơn Hải.
Hai doanh nghiệp này cũng mới chỉ được cấp phép thăm dò, thời hạn 36 tháng chứ chưa được phép khai thác. Chủ đầu tư dự án Wynham Thanh Thủy không có tên trong hồ sơ được phép thăm dò suối nước khoáng ở xã Bảo Yên.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Lại Hồng Thanh cho biết, Tổng cục vừa có văn bản yêu cầu Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc xác minh nội dung liên quan dự án Wyndham sử dụng trái phép khoáng nóng như quảng bá.
Tại dự án TNR The Nosta 90 Đường Láng, đại diện chủ đầu tư khẳng định với báo PV Tiền Phong: “Dự án không mua bán, việc mua bán với khách hàng là do các sàn giao dịch tự quảng bá”.
Thế nhưng, tại các văn bản chủ đầu tư đưa ra thì đều theo hình thức “lách luật” để bán căn hộ. Cụ thể, chủ đầu tư đề ra tiến độ và phương thức thanh toán theo 5 đợt kể từ khi nhận đặt cọc với các mốc thời gian cụ thể. Nhân viên tư vấn bán hàng khẳng định: “Nếu đầu tư không có lãi, các căn hộ vẫn có thể mua bán lại được thông qua giao dịch chuyển nhượng qua chủ đầu tư”.
Được biết, quyết định chủ trương đầu tư số 5217/QĐ-UBND ngày 25/9/2018 của UBND thành phố Hà Nội nghiêm cấm bán, chuyển nhượng các căn hộ du lịch nhằm mục đích để ở dưới mọi hình thức.
Tại văn bản số 2132/QHKT ngày 16/4/2018 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội về việc chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đã yêu cầu chủ đầu tư cần lưu ý “Đối với chức năng khách sạn căn hộ (Theo TCVN 9506:2012) trước mắt cần phù hợp với các văn bản quy định và hướng dẫn, đảm bảo nguyên tắc: Không gian độc lập, chỉ sử dụng để kinh doanh cho thuê lưu trú ngắn hạn (không phải để bán) và không hình thành đơn vị ở, sử dụng các tiện ích riêng, đảm bảo nguyên tắc quản lý vận hành sau đầu tư đúng quy định”.
Tiền phong