Thời gian gần đây, tình hình kinh doanh ở Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột rơi vào ế ẩm, khách đến thưa vắng dần, nhiều chủ cửa hàng xin rút lui, thi nhau tháo chạy.
Ghi nhận của PV VTC News, dù là ngày cuối tuần song Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột vắng bóng người qua lại. Nhiều gian hàng cửa đóng then cài, còn những hàng quán mở cửa thì lại lác đác người tới lui.
Nhiều gian hàng kinh doanh cà phê, đặc sản Tây Nguyên bỏ không.
Năm 2019, anh Đặng Văn Huy (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar) thuê gian hàng tại Đường sách với mục đích chính tặng sách nông nghiệp cho học sinh, sinh viên, hướng dẫn người dân cách trồng rau an toàn tại nhà, giới thiệu loại nông sản địa phương. Theo anh Huy, anh tham gia vào Đường sách không phải là để kinh doanh thương mại song anh cảm thấy cách vận hành Đường sách không ổn. Thời gian đầu, khách thường xuyên phàn nàn về vấn đề vệ sinh, anh có ý kiến với đơn vị vận hành song họ không phản hồi. Về sau, xuất hiện dịch
, anh Huy bức xúc.
Tương tự, anh Phan Bảo Long làm hợp đồng thuê gian hàng tại Đường sách để trưng bày sách, giới thiệu sản phẩm thể thao, sức khỏe, từ ngày 10/5/2022 đến 10/5/2024. Số tiền mà mỗi tháng anh phải bỏ ra để duy trì hoạt động là gần 20 triệu đồng. Song, chỉ sau vài tháng đi vào hoạt động, anh Long quyết định dừng vì kinh doanh không hiệu quả. Anh Long cho biết khoản tiền mà anh phải chịu lỗ từ khi vận hành đến khi dừng hoạt động là hơn 270 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, theo báo cáo của Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột - đơn vị vận hành, năm 2019 có 14 gian hàng tham gia Đường sách song sau dịch COVID-19 thì các gian hàng liên tục đóng cửa. Tính đến cuối năm 2022, chỉ còn 9 gian hàng hoạt động. Nguyên do dẫn tới sự việc này là do kinh doanh không hiệu quả, phần lớn các đơn vị đều nợ tiền thuê mặt bằng.
Hồi tháng 3/2023, nhận thấy suốt gần 2 năm, đơn vị vận hành không tổ chức họp các gian hàng để lấy ý kiến đóng góp cũng như kế hoạch để hoạt động chung cho hiệu quả, các chủ đầu tư đã nhiều lần kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của tuyến đường này. Đến ngày 17/3, sở này đã tổ chức cuộc họp, làm rõ nhiều vướng mắc của các đơn vị, đưa ra kết luận, trong đó có nội dung đề nghị đơn vị vận hành cùng các gian hàng xây dựng hiệu quả lại Đề án Đường sách.
Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk cũng đã đề nghị Công ty Đường sách có trách nhiệm chủ trì, cùng các đơn vị thuê mặt bằng lên chương trình hoạt động hàng năm trước khi trình sở thẩm định, thông qua. Tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với các đơn vị tham gia Đường sách để bàn bạc, giải quyết những kiến nghị, đề xuất trong quá trình hoạt động. Xem xét không thu phí gửi xe, nhà vệ sinh, nộp đủ phí sử dụng tạm thời lòng lề đường, hè phố, tạo điều kiện cho các đơn vị nộp đủ, đúng tiền thuê mặt bằng.
Đề án Đường sách được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt vào tháng 12/2018, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đề án này được kỳ vọng tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hóa ngay tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột – Thủ phủ cà phê Việt Nam, góp phần quảng bá văn hóa đọc, cà phê và văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa.