Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) "cầu cứu" khi đối diện nguy cơ phải dừng hoạt động nhà máy Dung Quất
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Thủ tướng xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, kèm theo là việc giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm đảm bảo cân đối cung cầu thị trường nội địa.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, đề nghị giải quyết kiến nghị liên quan đến CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã CK: BSR).
Trong văn bản, UBND Quảng Ngãi cho biết làn sóng dịch COVID-19 tái bùng phát bắt đầu từ các tỉnh miền Trung vào tháng 5, 6/2021 khiến công tác tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất (thuộc sở hữu BSR) bị chững lại và đi xuống khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa bị giảm sút.
Đặc biệt, chính sách giãn cách xã hội tại hàng loạt các tỉnh phía Nam và các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng cũng tác động làm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa thời gian vừa qua sụt rất mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuối năm nay.
Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ giảm mạnh và thiếu sức chứa do nhu cầu giảm đột ngột, các thương nhân đầu mối đã giảm/dừng nhận hàng tại nhà máy với khối lượng rất lớn. Riêng trong tháng 7/2021 vào khoảng 230.000m3. Việc giãn lịch nhận hàng này đã làm cho tồn kho của nhà máy tăng lên rất nhanh giai đoạn cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021.
Qua trao đổi và cập nhật kế hoạch nhận hàng của BSR, phía UBND tỉnh cho biết dự kiến lượng hàng nhận trong tháng 8 chỉ đạt khoảng 50% - 60% sản lượng của hợp đồng kì hạn, ngoài ra nhiều thương nhân đầu mối còn không có kế hoạch nhận hàng từ BSR. Hiện, nhà máy của BSR đang tồn trên 200.000m3 sản phẩm xăng dầu các loại (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000m3 dầu thô (khoảng 2,4 triệu thùng).
Từ ngày 3/8, BSR đã phải giảm công suất nhà máy xuống còn 90%, đồng thời tiến hành gửi kho 25.000m3 xăng và có kế hoạch gửi thêm khoảng 100.000-120.000m3 ngay trong tháng 8 để đảm bảo duy trì vận hành nhà máy.
Bên cạnh việc giảm hiệu quả kinh tế do phải giảm công suất nhà máy và tồn kho sản phẩm tăng rất cao thì BSR phải đối diện với rủi ro nữa đó là vấn đề không còn sức tồn chứa, kể cả việc đưa hàng đi gửi kho do hệ thống kho trên thị trường cũng hầu như đã đầy. Điều này dẫn đến nguy cơ phải dừng hoạt động nhà máy của doanh nghiệp. Ngoài BSR, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Văn bản cũng nêu rõ, mặc dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm mạnh, song lượng nhập khẩu vẫn ở mức cao gây, từ đó càng tạo ra khó khăn trong công tác tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu trong nước.
Trong các tháng tiếp theo, nếu các đầu mối tiếp tục nhập khẩu thì sẽ gây áp lực thừa cung rất lớn và gây tồn ứ xăng dầu trên diện rộng. Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Thủ tướng xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, kèm theo là việc giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm đảm bảo cân đối cung cầu thị trường nội địa.
Về kết quả kinh doanh của BSR, là doanh nghiệp hạ nguồn và rất nhạy cảm với yếu tố giá dầu, trong bối cảnh giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng mạnh vượt mức 70 USD/thùng, BSR báo lãi quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2021 rất tích cực.
Cụ thể, riêng quý 2 BSR đạt 27.860 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gấp đôi so với cùng kỳ; mặc dù các chi phí phát sinh đều tăng cao nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 1.710 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 lỗ hơn 1.910 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu 2021, BSR đạt 48.908 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 54% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 3.580 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị