MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Logistics sẽ không phụ thuộc vào đường bộ, dần bám theo 'trục xương sống' là đường sắt?

Ảnh: travelmag

Ảnh: travelmag

Hiện nay, giá thành vận tải đường sắt chỉ bằng 60% so với vận tải đường bộ, nhưng có thể trở được hàng hóa khối lớn, siêu trường siêu trọng. Tuy nhiên, tỷ trọng ngành Đường sắt lại chiếm phần rất nhỏ trong toàn bộ hệ thống vận tải cả nước (khoảng 0,3%).

Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước phát triển

Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa luân chuyển của ngành Đường sắt đã tăng lên đạt khoảng gần 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tỷ trọng ngành này chỉ chiếm 0,3% trong toàn bộ hệ thống vận tải cả nước, con số này còn thấp so với các nước trên thế giới.

Qua tìm hiểu, mặc dù hệ thống đường sắt Việt Nam có lịch sử hơn 100 năm, nhưng hiện tại không có tuyến kết nối với các cảng biển quốc tế thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển các dịch vụ vận tải logistics kèm theo. 

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% GDP, đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 16 - 17%, mức cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên giá thành sản phẩm và năng lực cạnh tranh quốc gia, gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế liên vùng.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, đường sắt trong các năm qua không được chú trọng đầu tư, không có kinh phí để nâng cấp, xây dựng mới, nguồn kinh phí đầu tư cho ngành chỉ đủ duy trì trạng thái hiện có. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng lạc hậu, từ công nghệ vận hành tàu, cho đến hệ thống nhà ga, điểm tập kết hàng hóa… khiến vận tải đường sắt không thể cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác, dù giá rẻ.

Ông Minh chia sẻ thêm: “Nếu không khai thác được hạ tầng giao thông đường sắt hiệu quả, khó có thể phát triển các ngành công nghiệp nặng, cũng như các ngành công nghiệp khác. Ngành Đường sắt được đầu tư phát triển sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội sớm ngày đó”.

Khi đường sắt phát triển đồng bộ và có liên kết với các loại hình vận tải khác, đường bộ sẽ chỉ còn đóng vai trò kết nối ở các chặng ngắn, sẽ giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, cắt giảm tối đa thời gian luân chuyển hàng hóa. Điều này giúp cho hệ thống logistics như hệ thống kho bãi, thu gom hàng hóa, các dịch vụ khách hàng… sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đường bộ, dần bám theo trục xương sống là đường sắt.

VNR hợp tác với doanh nghiệp logistics

Mới đây, VNR và Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (ILS) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong khai thác vận tải, các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư đường sắt, nhằm phát huy được ưu thế lĩnh vực vận tải này.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, ILS là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics sẽ đem lại hiệu quả trong lĩnh vực vận tải đường sắt. 

Theo như Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VNR và ILS, ILS sẽ kết nối để cùng VNR cung cấp dịch vụ sử dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng của cả hai bên, như các loại phương tiện vận tải, nhà ga, kho tàng, bến bãi, cảng, trung tâm logistics...

Cụ thể, VNR sẽ tối ưu từng phương thức vận tải trong chuỗi cung ứng logistics, tạo điều kiện để ILS cung cấp các dịch vụ vận tải kết nối với các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển đến với khách hàng.

Bên cạnh đó, ILS đề nghị cùng VNR nghiên cứu phương án hợp tác đầu tư các ga đường sắt, trung tâm logistics đường sắt, phương tiện vận tải như toa xe chở hàng rời, hàng container và phương tiện bốc xếp chuyên dụng.

Ánh Nguyệt

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên