MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE

Sau ngày khai trương sàn TP.HCM vào tháng 7/2000, một chuyên gia của Thái Lan đặt câu hỏi với ông Vũ Bằng: "Là giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam, điều gì khiến ông lo lắng nhất?".

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 1.

Trong kịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam, nguyên Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nhớ lại một kỉ niệm từ thời thị trường chứng khoán còn sơ khai.

Hồi đó, sau ngày khai trương sàn TP.HCM vào tháng 7/2000, một chuyên gia của Thái Lan đặt câu hỏi với ông Vũ Bằng: "Là giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam, điều gì khiến ông lo lắng nhất?".

Khi đó ông Bằng trả lời: "Tôi lo nhất là không có hàng hóa, mất cân đối cung - cầu, nhiều người lao vào đầu tư cổ phiếu khi thị trường tăng trưởng nóng, đổ vỡ thì nhà đầu tư mất tiền và ảnh hưởng đến hoạt động chung…".

Tuy nhiên vị chuyên gia Thái Lan lắc đầu và chỉ nói một câu: "Tôi không nghĩ đó là điều cần lo lắng, mà phải là vấn đề của công nghệ".

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 2.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN trong một lần chia sẻ với báo giới

Quay lại thời điểm năm 2000, kế hoạch ban đầu khi mở cửa thị trường, hệ thống công nghệ sẽ do Sở GDCK Hàn Quốc hỗ trợ, nhưng khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra, kế hoạch này không thực hiện được.

Nhờ sự giúp đỡ của Sở GDCK Thái Lan, người Thái giúp HOSE xây hệ thống giao dịch còn hệ thống lưu ký, thanh toán do FPT xây dựng. Hệ thống công nghệ của HoSE là của Thái Lan, do chuyên gia Thái Lan vận hành chứ Việt Nam không can thiệp để tăng năng lực xử lý hệ thống được.

Sau này, năm 2006 khi Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội ra đời, hệ thống công nghệ do "gà nhà" và đối tác FPT thực hiện - năng lực xử lý gấp chục lần của HOSE trong khi thực tế mới chịu tải khoảng 7% năng lực hệ thống.

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 3.

Cách đây 13 năm vào ngày 26/12/2012, HOSE đã ký kết hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở GDCK Hàn Quốc (KRX). Gói thầu này được khai mở vào năm 2009, sau 3 năm bàn bạc và tìm hiểu hai bên mới đi đến ký kết. Ở thời điểm đó, Tổng giám đốc HOSE là bà Phan Thị Tường Tâm và Chủ tịch HĐQT HOSE là ông Trần Đắc Sinh.

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 4.

Gói thầu KRX lần đầu được ký kết năm 2012...

Ở thời điểm năm 2012, ông Trần Đắc Sinh, khi đó ở vị trí Chủ tịch HĐQT HOSE chia sẻ: "Do tính chất của gói thầu là trang bị hệ thống cho toàn bộ TTCK với nhiều yêu cầu nghiệp vụ mới, nên càng đi sâu nghiên cứu càng thấy phức tạp, thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế, phải vừa làm vừa tìm hiểu học hỏi. Bên cạnh đó, tuy HOSE làm chủ đầu tư, song phải đảm bảo các yêu cầu vận hành hoạt động nghiệp vụ tại cả Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán, nên quá trình thực hiện và hoàn tất các thủ tục gói thầu gắn liền với các giai đoạn phê duyệt mô hình thị trường, mô hình hệ thống cho phù hợp với thực tế, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, mang tính quyết định từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, khiến dự án và gói thầu bị kéo dài so với kế hoạch ban đầu".

Chưa rõ vì lí do gì, năm 2016, HOSE khởi động lại hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở GDCK Hàn Quốc (KRX). Năm đó, ông Trần Văn Dũng (Chủ tịch UBCKNN hiện tại) được luân chuyển từ Sở GDCK Hà Nội vào làm Tổng Giám đốc, sau đó là Chủ tịch HOSE thay cho ông Trần Đắc Sinh nghỉ theo chế độ.

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 5.

...đến năm 2016, HOSE ký lại hợp đồng với KRX

Trong tất cả các báo cáo gửi Bộ Tài chính từ năm 2016, phía HOSE đều cho biết "đang đẩy nhanh tốc độ của Gói thầu 04".

Tháng 1/2018, sàn HoSE gặp sự cố nghiêm trọng khi các lệnh đưa vào trong phiên định kỳ đóng cửa ATC đã không khớp. Hôm đó, khi cả nước vỡ oà trong chiến thắng vì Việt Nam đã hạ Qatar bằng lượt penalty trên sân Thường Châu, thì lãnh đạo của UBCK và HOSE lúc đó đã phải thức trắng để cùng chuyên gia Thái Lan khắc phục sự cố. Thị trường chứng khoán Việt Nam khi đó đã phải dừng giao dịch 2 phiên. Tất cả các thành viên thị trường khi đó đã thực sự lo ngại về hạ tầng công nghệ của HSX làm thế nào để có thể chịu tải trong những phiên 10.000 tỷ đồng. Thời điểm năm 2018, thanh khoản của HOSE ở mức 5.000 tỷ đồng.

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 6.

Giải thích về nguyên nhân Gói thầu 04 (sau này gọi là Hệ thống KRX) chậm hoàn thành, ông Lê Hải Trà, thời điểm đó Phụ trách Hội đồng quản trị HOSE, đơn vị đang được đảm đương vai trò là chủ đầu tư gói thầu này cho hay, Sở rất muốn làm nhanh dự án này vì nhiều lợi ích của nó mang lại.

Ông Trà cho hay, gói thầu về hạ tầng công nghệ thông tin do HOSE là chủ đầu tư với 2 đơn vị thụ hưởng là HNX và VSD, là một dự án mà khi đưa vào vận hành sẽ làm thay đổi toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam, nên thực tế triển khai rất phức tạp.

"Có những hạng mục mà sau khi triển khai 3 tháng, chúng tôi thấy nó đã có cái mới. Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nên có rất nhiều thứ biến động, thay đổi xảy ra hàng ngày, hàng giờ và để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời vẫn đảm bảo tính hiện đại, hiệu quả của hệ thống, trong quá trình triển khai gói thầu, không ít yêu cầu mới từ chủ đầu tư đưa ra cho nhà thầu, khiến cho thời gian triển khai không thể nhanh…", ông Trà lý giải.

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 7.

Tổng giám đốc đương nhiệm HOSE Lê Hải Trà

Năm 2020, trong phiên đánh cồng đầu Xuân, đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đặt luôn đề bài cho HOSE và ngành Chứng khoán trong năm 2020 phải đưa vào nghiệm thu gói thầu công nghệ thông tin cho thị trường. Nhưng cuối cùng gói thầu 04 liên tục chậm tiến độ!

Cả thị trường lẫn ông Lê Hải Trà và lãnh đạo ngành Chứng khoán đã không lường trước được một bài toán bất ngờ của toàn thế giới trong năm 2020 đó là Covid-19. Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tăng ồ ạt khiến thanh khoản của HOSE có thời điểm vượt 20.000 tỷ đồng/phiên. Hạ tầng của hệ thống giao dịch Thái Lan 20 trước với năng lực xử lý 900.000 lệnh/phiên đã không thể tải nổi sức nặng của các lệnh mua bán trên sàn HOSE vào cuối năm 2020 và kéo dài tới nay, gây ra tình trạng nghẽn lệnh kéo dài. 

Đến nay, thị trường đã bắt đầu quen dần với "trạng thái bình thường mới" của HSX khi thanh khoản cứ đến 15.000 tỷ/phiên là "dừng hình". Các lệnh đưa vào trong phiên ATC nhỏ giọt gây ra trạng thái sai lệch về cung cầu giá đóng cửa, gây ức chế cho nhà đầu tư. Chắc còn nhiều lý do khác nữa, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh phần nào cũng có nguyên do từ nghẽn lệnh giao dịch.

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 8.
Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 9.

Tình trạng hệ thống hiện tại của HOSE được ví như "nước đã ngập đến cổ". Có nhiều ý kiến, giải pháp đã được đưa ra để chống tắc nghẽn lệnh trong lúc chờ hệ thống công nghệ thông tin KRX vận hành, nhưng phần nhiều các đề xuất đều vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận.

HOSE đã nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu với kỳ vọng sẽ giảm tải được 20% lệnh nhưng thực tiễn cho thấy giải pháp này dường "như muối bỏ bể". Tiếp theo đó, có ý kiến đề xuất nâng lô lên 1.000 đơn vị/lệnh. Việc này khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ phản ứng dữ dội và cho rằng họ không thể mua bán các cổ phiếu thị giá trên 100.000 đồng/cp như VNM, SAB, RAL, MWG cũng như việc khó khăn trong bán cổ phiếu lô lẻ với các CTCK. (Bộ Tài chính sau đó đã chỉ đạo trước mắt chưa áp dụng đề xuất này.)

Về phương án nâng bước giá trên sàn, hiện nay đơn vị yết giá của các cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng trên sàn HOSE là 10 đồng, từ 10.000 – 49.950 đồng là 50 đồng và trên 50.000 đồng/cp là 100 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng nên nâng đơn vị yết giá lần lượt thành 100, 500 và 1.000 đồng để giảm các lệnh "bắn tỉa" từ robot. Phương án này phải thay đổi core của hệ thống, trong khi yêu cầu hệ thống vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp... phải do chuyên gia của Thái Lan thực hiện. Và việc này cũng mất rất nhiều thời gian.

Với phương án không cho huỷ, sửa lệnh trong phiên, nếu ngưng cho phép đặt lệnh huỷ, sửa thì thanh khoản HoSE sẽ được cải thiện 30%. Giải pháp này có thể thực hiện ngay mà không cần phải can thiệp kỹ thuật. Nhưng phương án này vấp phải sự phản đối kịch liệt trong bối cảnh thị trường biến động mạnh như hiện nay, việc này sẽ gây rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư.

Về phương án kêu gọi sự tự nguyện của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HOSE sang giao dịch tại sàn Hà Nội, hiện đã có 9 công ty bao gồm VNDS, BSC, PAN và 7 công ty thành tiên "xung phong". Hiện nay sàn HOSE có 515 mã giao dịch, trong đó nhóm VN30 chiếm hơn 40% thanh khoản của thị trường. UBCK đã ra công văn khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện chuyển sàn để giảm tải hệ thống. Tuy nhiên việc này vẫn chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện và quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông có đồng lòng, đồng tình hay không? .

Một phương án khác cũng được đưa ra là mượn hạ tầng giao dịch của HNX, tạo một bảng riêng cho một số cổ phiếu của HOSE giao dịch và vẫn giữ nguyên biên độ, bước giá,… trên HOSE. HNX cũng đã lấy ý kiến khảo sát các CTCK, đồng thời cũng triển khai một số công việc; tuy nhiên, kết quả có lẽ chưa thể nói trước điều gì và thời gian bao lâu (?!).

Trong buổi đối thoại 2045 với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch FPT ông Trương Gia Bình đề xuất phương án để doanh nghiệp tư nhân tham gia chống nghẽn lệnh cho sàn HSX. Ông Bình tự tin cho rằng FPT, giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi.

Lời cảnh báo của chuyên gia Thái Lan 20 năm trước và thế khó của HOSE - Ảnh 10.

Sau đối thoại 2045, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng chính thức làm việc với lãnh đạo FPT và các đơn vị của ngành Tài chính. Phương án HOSE cùng FPT nghiên cứu triển khai hệ thống dự phòng tại HOSE dựa trên nền tảng phần mềm mà FPT đã triển khai tại HOSE đã được thống nhất. Thời gian dự kiến cũng phải mất khoảng 3-4 tháng, song cũng được đánh giá là ổn hơn. Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ sớm có báo cáo trình Thủ tướng về giải pháp này.

Ngay sau phát biểu của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch CTCK SSI, đơn vị đang giữ thị phần số 1 tại sàn HOSE nhiều năm liền, ông Nguyễn Duy Hưng đã đặt câu hỏi về khả năng liệu FPT có thực hiện được không trong thời hạn 3 tháng.

Người viết đã trao đổi với lãnh đạo phụ trách hệ thống công nghệ thông tin của một CTCK lớn, vị này cho rằng, bản thân hệ thống của các CTCK hiện nay đa phần là mua ở bên ngoài, rất ít các CTCK làm chủ hoàn toàn về công nghệ. Nên bất cứ thay đổi nào về mặt hệ thống của Sở, liên quan đến kết nối, đường truyền, các CTCK đều phải mất thời gian để kiểm thử.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Tài chính, thị trường kỳ vọng sẽ có một giải pháp ít xấu nhất để giải quyết nhanh tình trạng nghẽn lệnh hiện nay.

Nhưng chúng ta phải nhìn lại rằng, cho đến thời điểm hiện tại thị trường chứng khoán trong suốt 21 năm qua đã không được đầu tư đúng mức. Hạ tầng công nghệ chứng khoán của các nước được tính bằng đơn vị tỷ đô, nhưng gói thầu của HOSE chỉ vỏn vẹn vài chục triệu USD. Uỷ ban chứng khoán đang trực thuộc Bộ Tài chính, có rất nhiều quy trình phải tuân theo quy định của cơ chế Nhà nước. Các CTCK trong nước đầu tư cho công nghệ chưa xứng tầm, khi bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay đòi hỏi yêu cầu rất cao về công nghệ. 

Với một nền tảng công nghệ lạc hậu như hiện tại, biết bao giờ TTCK Việt Nam mới có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi, sánh vai với các cường quốc về tài chính trong khu vực! 

Châu Cao - Thiết kế: Thạch Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên