MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời cảnh báo nhìn từ "Homebank- Ngân hàng tại nhà"

26-03-2021 - 09:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Lời cảnh báo nhìn từ "Homebank- Ngân hàng tại nhà"

Tín dụng đen và sự biến tướng của nó đã và đang gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội. Nguy hiểm hơn, hoạt động này ngày càng tinh vi trên nền tảng công nghệ số...

"Sập bẫy" tín dụng đen 

Bà Đỗ Hồng Thị Nhung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Iblockchain chia sẻ với DĐDN về vấn nạn tín dụng đen đang hoành hành: "Những cụm từ cho vay "nặng lãi", hay "tín dụng đen" không còn là câu chuyện mới mẻ, bởi nó đã và đang tồn tại và hoạt động một cách hiên ngang từ nhiều năm nay. Thế nhưng, trong thời gian qua, sự bành trướng và ngang nhiên hoạt động của một  nhóm đối tượng khi áp dụng nền tảng công nghệ số, sử dụng mạng xã hội, dịch vụ tin nhắn đầu số… nhằm chiêu mộ khách hàng tham gia với cái tên gọi là "Homebank" (tạm dịch là Ngân hàng tại nhà), đã cho thấy hoạt động này rất đáng báo động".

Lời cảnh báo nhìn từ Homebank- Ngân hàng tại nhà - Ảnh 1.

Tín dụng đen và sự biến tướng của nó đã và đang gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội.

Đáng nói, bất chấp những vụ việc đau lòng vì "sập bẫy" tín dụng đen khiến người vay khốn đốn đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ tín dụng đen với trên diện rộng. Vụ việc chỉ vở lỡ khi lực lượng cảnh sát hình sự Công an quận Tân Phú (TP.HCM), kết hợp với Công an phường Hiệp Tân bắt giữ 7 người tại một căn hộ chung cư trên đường Hòa Bình (quận Tân Phú) mới đây.

Đáng chú ý, qua kiểm tra, công an phát hiện 51 bộ hồ sơ, sổ sách liên quan đến việc cho vay nặng lãi trên địa bàn quận Tân Phú và các quận huyện khác tại TP.HCM.

Theo xác minh ban đầu, khoảng tháng 5/2020, nhóm người này từ Hà Nội vào TP.HCM để cho vay tiền với lãi suất cao với phương thức: sử dụng trang mạng xã hội, Facebook  để tiếp thị thông điệp "Homebank - Ngân hàng tại nhà" nhằm tiếp cận người có nhu cầu vay tiền.

Đến tháng 9/2020, nhóm này lôi kéo một số người khác hùn vốn để cho vay tiền với lãi suất cao. Khi có khách cần vay, nhóm này sẽ xác minh chỗ ở, giữ bản photo hoặc bản chính CMND, hộ khẩu và các giấy tờ khác của người vay.

Sau khi xác minh xong, các đối tượng này đã chuyển tiền vào tài khoản của người vay và thu tiền góp hằng ngày với lãi suất từ 240% đến 810%/năm - một mức lãi suất ngất ngưởng ngoài sức tưởng tượng. Vụ việc hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an Tân Phú điều tra, làm rõ.

Và những giao dịch vay vốn "đầu tư" mù quáng  …

Cũng theo bà Đỗ Hồng Thị Nhung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần blockchain, thông thường, "tín dụng đen" mà mội người vẫn hay gọi thì người dân gọi nôm na là cho vay nặng lãi, vẫn len lỏi trong đời sống đặc biệt ở các khu vực mà mức độ người dân tiếp cận tài chính chưa cao. Song dịch vụ này ngày càng biến tướng, là hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp không phù hợp với các quy định của pháp luật. Và ghi nhận cho thấy mặc dù bất hợp pháp, hàng loạt dịch vụ từ quy mô nhỏ đến lớn, vẫn sẵn sàng công khai, thậm chí áp dụng "nền tảng công nghệ số" để ngang nhiên thực hiện hành vi.

Đặc điểm chung của tín dụng đen trên nền tảng công nghệ số là thủ tục vay và cho vay của các đối tượng này khá đơn giản, có thể có tài sản thế chấp hoặc không. Việc vay và cho vay dựa trên sự tin tưởng nhau hoặc ràng buộc bằng các "quy tắc ngầm" của các đối tượng giang hồ ngoài xã hội. Đơn cử, nhiều vụ án sau khi được phanh phui và trong quá trình xét xử cho thấy, đối tượng đi vay tiền thường sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ, bằng cấp của cá nhân… để cầm cố, thế chấp vay tiền. Ngoại trừ có những trường hợp còn câu kết với các đối tượng ngoài xã hội hoặc trên mạng Internet dùng công nghệ in màu để làm giả những giấy tờ có giá trị như: thẻ Đảng, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ bổ nhiệm chức vụ; làm giả các hợp đồng hoặc trộm cắp tài sản của người khác… để cầm cố, thế chấp nhằm vay tiền tín dụng đen. Câu chuyện Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Tu Long (28 tuổi), Yuan Deng Hui (27 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc) mỗi bị cáo 18 tháng tù về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", trong thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình.

Lời cảnh báo nhìn từ Homebank- Ngân hàng tại nhà - Ảnh 2.

Nhóm đối tượng "Homebank" vừa bị Công an TPHCM bắt tạm giam đối với về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"

Cũng theo bà Nhung, trong một thực tế hiện nay, hoạt động "tín dụng đen" không chỉ đơn thuần là người đi vay chỉ vay tiền các đối tượng ngoài xã hội mà cá biệt hoạt động "tín dụng đen" lại được thực hiện ở ngay trong nội bộ một số cơ quan, đơn vị, nhà trường…

Song song đó, cũng cần phải kể đến một lực lượng rất dễ bị lôi kéo vào "tín dụng đen" đó là các nhà đầu tư, starup. Theo đó, không ít người nóng lòng "làm giàu không khó", mong muốn thay đổi cuộc sống của mình, dẫn đến chấp nhận vay vốn tín dụng đen nhằm phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh. Khi không trả được khoản vay, lãi mẹ đẻ lãi con thì sẽ gặp các tình trạng bị đe dọa, đòi nợ kiểu "giang hồ" từ các đối tượng cho vay.

"Trong vài năm trở lại đây, cụm từ startup được nhắc đến với tần suất cao và khá thường xuyên. Song song với những thanh niên có lý tưởng và khát vọng ươm mầm doanh nhân tốt đẹp, thì lại cũng có những nhóm thanh niên trẻ tuổi với những ý tưởng táo bạo nhưng khá "viễn vông", cùng nhau góp vốn thành lập một công ty nhỏ. Khái niệm "startup" bị đánh tráo không lành mạnh khi các bạn trẻ như vậy chọn khu vực đầu tư cũng không được pháp luật công nhận như tìm vốn giao dịch Bitcoin, đào Pi... nhằm "đổi đời sau một đêm" và kêu gọi mọi người cùng “đào”, cùng "đầu tư"... Không ít người trong giai đoạn đầu thường được cấp vốn bởi chính những người sáng lập viên để phát triển sản phẩm và dịch vụ mà họ tin rằng có nguồn cung; song khi đi vào hoạt động đầu tư một thời gian, không có nguồn thu, dễ bị cuốn vào nhu cầu tín dụng đen và mắc luôn trong vòng quay nợ nần. "Homebank - Ngân hàng tại nhà”, mới chỉ là một trong vô số những lời cảnh báo", bà Nhung nói.

Nhận biết để tránh xa bẫy tín dụng đen

"Thông thường, các đối tượng cho vay tín dụng đen sẽ nắm bắt được nhu cầu cần vay tiền của người dân và có sự "đầu tư" nhất định về công nghệ để thực thi thủ đoạn cho vay tiền thông qua App (ứng dụng trên điện thoại di động thông minh). Các đối tượng này sẽ không có trụ sở, công ty, và người dân tới vay tiền mà hoạt động trên không gian mạng, giao dịch qua tài khoản và chỉ cần có kết nối internet là có thể sử dụng được. Quy tắc chung của các app này sau khi tải ứng dụng trên về điện thoại, người vay tạo một tài khoản, điền thông tin cá nhân và cho ứng dụng này truy cập vào danh bạ của mình. Các đối tượng cho vay với lãi suất khá cao giao động từ 2,0- 2,5%/ngày, tương đương hơn 912%/năm, gấp nhiều lần so với quy định của pháp luật.

Người dân khi có nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng, vay vốn đầu tư, cần có sự tham vấn chuyên môn, tìm hiểu thông tin của các đơn vị được cấp phép hoạt động cho vay của cơ quan quản lý Nhà nước, tránh rơi vào sập bẫy tín dụng, được "nắm gạo" để giải quyết nhu cầu ban đầu mà có nguy cơ rủi ro "không bắt được gà mà còn mất cả gạo", lại tiếp tay cho các đối tượng thu lợi bất chính gây rối loạn xã hội" .

(Luật sư Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Công ty Luật Đông Á)

Theo HƯƠNG GIANG - DUY LONG

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên