Lời gan ruột của vị Giám đốc 12 năm làm du lịch: "Tôi không dám đưa khách nước ngoài đến Sapa, Hạ Long nữa!"
"Tôi làm du lịch 12 năm. Một trong những nỗi buồn lớn nhất của du lịch khách Âu trong mấy năm nay, cụ thể là Hạ Long, Sapa, chúng tôi không dám đưa khách tới nữa", Giám đốc một công ty lữ hành bày tỏ.
Khi phiên thảo luận của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 đang dần khép lại, không còn nhiều thời gian để khách mời nêu ý kiến hay đặt câu hỏi, điều phối phiên thảo luận - MC Trịnh Lê Anh - bất ngờ xin dành ít phút cho một khách mời nhiệt tình liên tục giơ tay.
Đây cũng là người duy nhất không phải diễn giả của phiên thảo luận được nêu ý kiến. Ông là Hà Đức Mạnh - Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại và Du lịch Thân thiện Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ, ông Mạnh cho biết: Hạ Long của ngày xưa đẹp, giờ thì như "một cái ao làng với nhiều cao ốc dựng lên xung quanh". Trong khi một không gian cảnh quan chỉ có sức tải với một lượng người nhất định, thì Hạ Long giờ "toàn người", có những chuyến tham quan hang động thậm chí chen nhau không có chỗ đi.
Chúng ta đi tìm khách làm gì khi người ta đến 100 triệu người rồi không quay lại nữa? Vô cùng nguy hiểm khi khách không quay lại, không hài lòng, họ sẽ nói xấu chúng ta
"Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, rác, dầu mỡ… mọi nơi, thì làm sao khách dám đi du lịch nữa?", ông Mạnh đặt dấu hỏi.
Câu chuyện tương tự với Sapa. Sapa xưa đẹp thanh bình, lãng mạn, thơ mộng. Nhưng cái thơ mộng đó không được bảo tồn, ông Mạnh nhìn nhận.
Theo số liệu trên Báo Lào Cai, 8 tháng đầu năm 2018, Lào Cai đã đón trên 3,25 triệu lượt du khách, tăng 18% so với cùng kỳ (khách quốc tế 496.800 lượt; khách nội địa đạt 2,75 triệu lượt).
Với du lịch Quảng Ninh, số liệu công bố trong một sự kiện của cụm thi đua các Sở Du lịch phía Bắc cho thấy tỉnh này nhắm mốc đón khoảng hơn 12,2 triệu lượt khách trong năm 2018, trong đó khách quốc tế là hơn 5,2 triệu lượt.
Tuy nhiên, vị Giám đốc 12 năm làm trong ngành lữ hành cho rằng không nên lấy số lượng khách du lịch làm mục tiêu tăng trưởng.
Chúng ta đi tìm khách làm gì khi người ta đến 100 triệu người rồi không quay lại nữa?
Ông Hà Đức Mạnh. Ảnh: Bảo Bảo.
"Tôi nghĩ cần phải xem lại chiến lược phát triển du lịch, không nên đặt số khách là mục tiêu tăng trưởng. Nếu nói năm 2018 chúng ta đã quá tải, đến năm 2025 tăng tổng khách quốc tế lên 30 triệu lượt người, cộng thêm khách du lịch Việt Nam, chúng ta tính xem liệu cách nào chúng ta đáp ứng được chừng ấy nhu cầu?"
"Tôi cho rằng làm du lịch mục đích không phải là số khách, mục đích là mang lại bao nhiêu GDP, bao nhiêu tiền cho nền kinh tế Việt Nam . Vậy thay vì nghĩ thu hút nhiều du khách, sao không nghĩ làm thế nào để khách đến với chúng ta tiêu nhiều hơn, khách chất lượng nhiều hơn. Chúng ta nghĩ hơi ngược một chút", ông Mạnh khuyến nghị.
Ông cũng cho rằng tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam chỉ có 10% như một diễn giả dẫn lại trong phiên thảo luận cũng là con số đáng lo ngại.
"Chúng ta đi tìm khách làm gì khi người ta đến 100 triệu người rồi không quay lại nữa? Vô cùng nguy hiểm khi khách không quay lại, không hài lòng, họ sẽ nói xấu chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta phải có chiến lược khác", ông Mạnh nói.
"Chúng ta phải có chiến lược thật thông minh. Thay vì tăng số khách thì làm sao bảo vệ môi trường, làm sao nghĩ ra những điểm đến tốt hơn. Ví như câu chuyện visa, chúng ta sẽ không bỏ visa, mà chúng ta sẽ làm thế nào xin visa thuận tiện hơn nhưng vẫn thu tiền, tôi nghĩ đó là cách thu tiền thông minh".
Ông Mạnh cũng bày tỏ: Trong kinh doanh, mọi người thường đi theo hướng giá rẻ, và muốn làm sao giảm giá đi. Còn những người làm du lịch tâm huyết như ông lại luôn bảo nhau là phải làm sao để bán giá đắt lên, không bao giờ có chuyện "giá 2 sao nhưng có được dịch vụ 5 sao".
Vị giám đốc này nhìn nhận du lịch Việt Nam hiện giá đang rất rẻ. Để đón lượng khách "nhiều tiền", ông Mạnh ví von, khi ra một bãi biển quá đông mà người ít tiền nhiều quá, người nhiều tiền họ sẽ từ chối không đến. Nhưng với một bãi biển ít người, đẹp, sạch sẽ, họ sẵn sàng trả thêm tiền để tới.
Trí thức trẻ