Lời giải cho bài toán gia nhập chuỗi cung ứng xuyên quốc gia: Từ "cửa ải" Samsung đến dự án ô tô Vinfast
Chờ đợi sự chủ động của "người ngoài" chi bằng tự giành quyền quyết định.
- 30-06-2018VINFAST-BMW không thể rẻ nhưng VINFAST-GM thì lại là câu chuyện khác
- 30-06-2018VinFast thôn tính GM Việt Nam: Xin đừng shock!
- 28-06-2018General Motors Việt Nam hoạt động ra sao trước khi về “một nhà” với VinFast?
Cách đây 2 ngày, 3/7/2018, giới doanh nhân Việt Nam đặc biệt chú ý trước thông tin từ Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI): Samsung có ý định đưa 200 nhà cung ứng nước ngoài vào để hỗ trợ cho công ty này.
"Đó vừa là tin vui, vừa là tin buồn", ông Vũ Tiến Lộc cảm thán. Thông tin này ông có được từ Hội nghị xúc tiến thương mại Thái Nguyên diễn ra ít ngày trước. "Giá như 200 doanh nghiệp đó là doanh nghiệp Việt", ông Lộc bày tỏ.
Dừng chân bên ngoài chuỗi cung ứng, nhìn từ "cửa ải" Samsung
Sau khi con số 200 doanh nghiệp mà VCCI đưa ra xuất hiện khắp mặt báo, chỉ một ngày sau, phía Samsung Việt Nam đã có phản hồi.
Doanh nghiệp này cho biết, để trở thành nhà cung ứng của Samsung, mọi doanh nghiệp, bất kể là nước ngoài hay Việt Nam, đều phải chủ động chứng minh năng lực và quyết tâm lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Tập đoàn.
"Hoàn toàn không có việc Samsung mời họ tham gia, hoặc chủ động đưa các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng cho mình. Các doanh nghiệp này đến Việt Nam hoạt động kinh doanh hoàn toàn là do quyết định của họ", phía Samsung lên tiếng.
Samsung có lí khi đưa ra khẳng định này. Với vị thế của một nhà sản xuất lớn nhất thế giới về các thiết bị điện tử, đồng thời là nhà xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất Việt Nam, Samsung có ưu thế lựa chọn đơn vị tối ưu tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.
Theo số liệu trên website công ty, số lượng đơn vị cung cấp trong chuỗi cung ứng của Samsung trên toàn thế giới lên đến hơn 2.500. Và tại Việt Nam, "Bộ quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp Samsung" được doanh nghiệp này đặt ra là một bộ lọc khắt khe. Bởi vậy hiện mới chỉ có 29 doanh nghiệp Việt "lọt mắt xanh" Tập đoàn đến từ Hàn Quốc.
Con số 200 doanh nghiệp mà đại diện VCCI đưa ra có lẽ đã có "nhầm lẫn". Bởi theo thông tin phản hồi mà Samsung đưa ra, con số 200 trên thực tế là số nhà cung ứng cấp 1 hiện có đang cung cấp trực tiếp cho Samsung. Tuy nhiên, câu nói "giá như 200 doanh nghiệp đó là doanh nghiệp Việt" thì vẫn là mong ước có thật.
Tỷ lệ 29/200, tương đương với chưa đầy 15%, doanh nghiệp Việt Nam góp mặt trong chuỗi cung ứng trực tiếp cho Samsung có ý nghĩa gì?
Phải chăng sau hơn 22 năm nhận đầu tư từ Samsung và cỡ 3 thập kỉ thu hút đầu tư từ FDI, Việt Nam vẫn chưa thể có nổi những doanh nghiệp nội địa đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng xuyên quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn mang tầm quốc tế? Phải chăng, đến cái ốc vít người Việt cũng làm không xong?
Mặc dù Samsung hứa hẹn con số 29 hiện tại dự kiến sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp vào năm 2020, đồng thời cho thấy nhiều kế hoạch và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, bao gồm việc tổ chức các Hội thảo kết nối, thực hiện Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp, các hỗ trợ đào tạo… Nhưng có lẽ như vậy là chưa đủ. Họ có hơn 2 thập kỉ để làm những việc tương tự, nhưng kết quả dường như vẫn chưa được như kì vọng của phía chủ nhà Việt Nam.
Chờ đợi sự chủ động của "người ngoài"...
Dấu hỏi lợi ích và cái giá phải trả đối với nền sản xuất trong nước từ việc nhận đầu tư FDI vẫn luôn là trăn trở của các cơ quan quản lý và là nỗi băn khoăn của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), đến tháng 6/2018, Việt Nam đã thu hút được gần 26.000 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt 326 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Khu vực FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Tại Hội nghị về thu hút và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra tại Hà Nội mới đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra mặt trái của kỳ vọng chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, trong khi được trải thảm nhiều ưu đãi và chính sách đất đai, thuế, khu vực FDI vẫn phát triển khá biệt lập, làm gia công, ít đầu tư nghiên cứu sáng chế và đặc biệt không chịu chuyển giao công nghệ và vòng đời thiết bị cho doanh nghiệp Việt.
Nguyên nhân là do chính sách của Việt Nam không bắt buộc doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ mà chủ yếu là khuyến khích các doanh nghiệp FDI chuyển giao mà không có ràng buộc pháp lý.
Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung trong chuỗi cung ứng là một dấu hỏi không chỉ dành riêng cho Samsung, mà là câu chuyện chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi tìm đến Việt Nam. Đó là các vấn đề cố hữu như cơ cấu doanh nghiệp trong nước thường là quá nhỏ và quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm. Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì đưa các doanh nghiệp Việt tăng tốc ở nhiều cấp độ.
Chủ tịch VCCI từng đặt ra vấn đề "trách nhiệm". Nghĩa là tạo ra được một cộng đồng, trong đó, doanh nghiệp FDI chủ động hơn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn lên. Vị này tin rằng phía Việt Nam khi được hướng dẫn, hoàn toàn có thể bắt kịp những tiêu chuẩn cao của quốc tế.
"Nếu không có được sự chủ động này, FDI và doanh nghiệp Việt mãi là hai thế giới riêng", ông Lộc nói và bình luận cần cố gắng để có được cái nắm tay giữa hai bên.
... chi bằng tự giành quyền quyết định
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói về sự chủ động của doanh nghiệp FDI, tuy nhiên chưa đề cập đến một sự chủ động khác - sự chủ động của chính chủ nhà bao gồm các nhà quản lý nhà nước và các ông chủ doanh nghiệp trong nước.
Rõ ràng ngành công nghiệp sẽ không thể phát triển nếu chỉ trông chờ vào lắp ráp, vào công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài (khi họ cũng không có áp lực chuyển giao), trong khi các công ty trong nước còn không có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng.
Với góc nhìn thực dụng của một doanh nghiệp vì lợi nhuận, khó có thể đòi hỏi "người ngoài" dành nguồn lực của họ cho những nhiệm vụ mang tính "từ thiện" cho chủ nhà. Họ hoàn toàn có những lựa chọn tốt hơn từ bên ngoài, chưa kể lại không chịu các ràng buộc pháp lý về việc chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp Việt muốn lớn, chỉ có thể tự dành lấy thế chủ động.
Tại một hội thảo diễn ra hồi tháng 5, đề cập về công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Võ Kim Huệ, CEO Vinfast thẳng thắn nhận xét: tỷ lệ nội địa hoá còn thấp và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển tương xứng với quy mô. Nguyên nhân mà ông đưa ra là ngành ô tô trong nước mới chỉ dừng ở việc lắp ráp với sản lượng nhỏ cho từng dòng xe.
"Việc sản xuất ra một chiếc ô tô mới cho thấy dự án ở giai đoạn trung nguồn. Còn nếu sản xuất ra từng chi tiết với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao mới là đi lên thượng nguồn", vị lãnh đạo của Vingroup từng làm CEO của hãng phụ kiện đình đám Bosch tại Việt Nam nhấn mạnh.
Vinfast xác định tầm quan trọng của việc có được một mạng lưới công nghiệp phụ trợ, với mục đích trên hết là tăng tối đa tỷ lệ nội địa hoá. Mục tiêu dài hạn của công ty này là đạt tỷ lệ nội địa hoá 60% với ô tô và 100% với xe máy điện.
Những tuyên bố mạnh mẽ của ông Huệ có thể khiến nhiều người còn hoài nghi, nhưng những động thái của Vinfast đang khẳng định quyết tâm này. Tổ hợp nhà máy sản xuất đã được xây dựng ở Hải Phòng, đã có những cái bắt tay hợp tác với các nhà sản xuất, thiết kế ô tô hàng đầu thế giới, thương vụ mua lại GM Việt Nam cũng đã được công bố.
Thậm chí, Vingroup, công ty mẹ của Vinfast, mới đây đã công bố dự sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart (thương hiệu Vsmart), đặt bên cạnh tổ hợp sản xuất xe hơi Vinfast. Giấc mơ về xe hơi thương hiệu Việt, điện thoại thương hiệu Việt đang được chính một công ty Việt Nam hiện thực hóa ngày càng rõ nét hơn.
Sự xuất hiện của những doanh nghiệp tên tuổi lớn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ là lời giải cho bài toán phát triển ngành công nghiệp chế tạo - phụ trợ, mang đến cơ hội lớn hơn cho các nhà cung ứng nội địa tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Nền kinh tế Việt Nam cần những doanh nghiệp nội địa đi tiên phong và giành thế chủ động, mới có thể phát triển bền vững.
Trí thức trẻ