Lợi - hại gì khi doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu?
Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, ưu điểm của đề xuất này là doanh nghiệp hoàn toàn được chủ động, sát hơn với Luật Giá năm 2023. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí của các doanh nghiệp khác nhau, dẫn tới giá bán xăng dầu tại các khu vực sẽ khác nhau, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa...
- 28-10-2024Kiến nghị loạt giải pháp bình ổn thị trường xăng dầu
- 27-10-2024Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: DN kiến nghị những sửa đổi cấp thiết
- 24-10-2024Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: "Nhiều người nói chúng tôi ưu ái đầu mối xăng dầu"
Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương vừa thông tin làm rõ một số ý kiến khác nhau tại dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu .
Sẽ đề xuất phương án doanh nghiệp được quyết định giá bán
Một nội dung được các doanh nghiệp xăng dầu quan tâm là việc quyết định giá bán mặt hàng này. Các thương nhân đề xuất Nhà nước nên để doanh nghiệp chủ động tính toán và quyết định giá bán theo cơ chế thị trường.
Thông tin về nội dung này, Vụ Thị trường trong nước cho biết, đề xuất trên có ưu điểm: Doanh nghiệp hoàn toàn được chủ động quyết định giá bán xăng dầu và sát hơn với Luật Giá năm 2023.
Nhược điểm của đề xuất này là chi phí của các doanh nghiệp khác nhau, dẫn tới giá bán xăng dầu tại các khu vực khác nhau sẽ khác nhau, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa chi phí sẽ tăng cao gây khó khăn cho người dân tại khu vực này; Nhà nước không có công cụ kiểm soát và có thể dẫn tới thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, phương án theo dự thảo Nghị định đề xuất là Nhà nước công bố công thức tính, giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, các chi phí về thuế, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố đầu vào do nhà nước công bố tự tính toán và công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.
Giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
"Đây là vấn đề lớn, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng tới an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, việc thực hiện giá bán xăng dầu ngay theo cơ chế thị trường như đề xuất của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và một số thương nhân cần phải được xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện", Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Tuy vậy, trong dự thảo nghị định mới sẽ đề xuất cả hai phương án này, thay vì chỉ phương án mà Vụ Thị trường trong nước đưa ra lúc đầu.
Có gì ở dự thảo mới?
Vấn đề nhận được nhiều quan tâm của các thương nhân phân phối xăng dầu là vừa qua dự thảo đưa ra đề xuất "thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau".
Lý giải vấn đề này Vụ Thị trường trong nước cho biết, việc đưa ra đề xuất này do thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra về việc giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu.
Tuy nhiên, qua quá trình lấy ý kiến, nhiều thương nhân phân phối cho rằng, quy định này đang hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, có sự phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp có vị thế độc quyền…
Vụ Thị trường trong nước cho biết ở dự thảo mới Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ hai phương án : Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.
Tiền phong