Lời kể của người bị dụ sang Campuchia việc nhẹ lương cao
Lao động người Việt bị các đối tượng dụ dỗ việc nhẹ lương cao, bắt giữ trái pháp luật và ép buộc làm việc trong các casino dọc biên giới Campuchia.
- 24-09-2022Kiên Giang tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước
- 23-09-2022Thanh niên Bình Định sập bẫy 'việc nhẹ lương cao' ở Campuchia đã được đưa về nước
- 23-09-2022Thêm 34 công dân Việt Nam tại Campuchia được trao trả về nước
Ngày 25-9, trao đổi với Báo Người Lao Động, thượng tá Nguyễn Phú Cường, Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết trong chưa đầy 1 tuần đã có hàng chục lao động người Việt Nam tháo chạy khỏi các casino ở Campuchia . Những người này hiện đã được các lực lượng chức năng của Việt Nam làm thủ tục cho về địa phương.
Công an tỉnh Tây Ninh lấy lời khai của các công dân trốn khỏi casino.
Mới đây nhất, ngày 23-9, các lực lượng chức năng của Tây Ninh đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho 21 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia về Việt Nam. Những lao động này bị chủ casino bán lại cho một chủ casino khác và họ đã bỏ chạy về hướng đồn công an Bavet để được giải cứu. "Cộng với 71 người tháo chạy khỏi casino Lucky 88, số công dân đã được các lực lượng chức năng 2 nước giải cứu là 92 người"- Thượng tá Cường cho biết.
Theo vị thượng tá, trong số này, lực lượng chức năng của Tây Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 48 người với các lý do như không có giấy tờ tùy thân (bị mất, giấy tờ không hợp lệ hoặc bị chủ casino giữ lại); xuất cảnh trái phép; chưa đủ tuổi...
Lực lượng chức năng hai nước bàn giao công dân người Việt
Thượng tá Cường, qua điều tra ban đầu, phần lớn những công dân này bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ "việc nhẹ lương cao", bắt giữ trái pháp luật và ép buộc lao động trong các casino hoạt động quanh khu vực dọc biên giới Campuchia.
Nhiều lao động người Việt làm việc tại các casino ở Campuchia kể do áp lực quá lớn nên phải tháo chạy. Cụ thể, mỗi ngày những người này đều bị chủ ra chỉ tiêu phải lên mạng kêu gọi người khác tham gia đánh bạc online, rồi lừa gửi tiền vào tài khoản đánh bạc. Ví dụ chỉ tiêu giao phải lừa được 20 người tham gia, nếu không đạt thì phải làm việc tăng ca đến 2 giờ sáng, rồi không cho ăn cơm. Đến lúc mệt mỏi quá muốn về Việt Nam, họ bị chủ bắt bỏ tiền ra chuộc mới được về.
T.H.H. (ngụ Bắc Ninh) cho biết bản thân bị dụ dỗ làm việc mức lương cao hơn 12 triệu đồng ở Campuchia. Tuy nhiên khi vào công ty thì không ra được, trong khi đó công việc rất vất vả. Suốt mấy tháng ròng, chủ trả tiền lương chậm, không những vậy tiền lương còn bị trừ vào chi phí đưa qua lo ăn ở nên không được bao nhiêu cả.
Lao động người Việt tháo chạy khỏi casino làm thủ tục để về địa phương
Về giải pháp để tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác khi qua làm việc tại các casino ở Campuchia, thượng tá Cường cho rằng căn cơ và lâu dài nhất là phải nâng cao ý thức của người dân. Thời gian qua các lực lượng chức năng của Tây Ninh đã tuyên truyền rất nhiều cho người dân và đặc biệt là những người xe ôm xung quanh khu vực biên giới để họ không nhận chở người qua Campuchia làm việc.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là những tay "đầu nậu", "đầu mối" đều ở bên Campuchia. Các đối tượng này kêu gọi trên mạng chứ không qua trực tiếp Việt Nam. Người dân thất nghiệp đã lên mạng tìm kiếm việc làm và mắc mưu. "Mặc dù những tay "đầu nậu", "đầu mối" này đã bị các lực lượng chức năng lập phương án đấu tranh, bắt và khởi tố cũng nhiều nhưng không thể triệt để được" - thượng tá Cường thừa nhận và cho biết thêm do địa hình Tây Ninh khá bằng phẳng nên việc đi bộ qua biên giới là rất dễ dàng, lực lượng chức năng dù kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn có người trốn qua được.
Người lao động